Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ trao logo Tủ sách Huế cho Sở Thông tin và Truyền thông, đại diện quản lý Tủ sách Huế
Đến dự có các ông: Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng văn hóa Trung ương.
Tủ sách Huế hướng tới hình thành thiết chế, sản phẩm văn hóa độc đáo của riêng Huế, thúc đẩy quảng bá văn hóa Huế qua sách, phát triển văn hóa đọc, giới thiệu các cuốn sách quý, hình thành bộ quà tặng có ý nghĩa văn hóa của vùng đất Cố đô. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học cho việc nghiên cứu Thừa Thiên Huế trên tất cả các lĩnh vực, phục vụ cho công cuộc xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành đô thị văn hóa, di sản trực thuộc Trung ương.
Tủ sách Huế sẽ tái bản những cuốn sách đã xuất bản và đặt hàng xuất bản các tác phẩm mới có giá trị, chất lượng liên quan đến Thừa Thiên Huế trên mọi lĩnh vực. Các sách được tổ chức tái bản, xuất bản mới phải là những tác phẩm có liên quan đến Huế, có chất lượng nội dung với nội hàm văn hóa cao, kế thừa và đề xuất được những sáng kiến, kinh nghiệm, ý tưởng, giải pháp tốt cho phát triển kinh tế - xã hội Thừa Thiên Huế.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đặt ra một số vấn đề cần tập trung trong thời gian tới để tủ sách Huế sớm trở thành hiện thực: Sớm thành lập Quỹ Tủ sách Huế được tài trợ bởi những người quan tâm đến văn hóa Huế; phấn đấu mỗi năm có 3-5 ấn phẩm; sớm thành lập hội đồng tư vấn tuyển chọn đầu sách; sớm hình thành không gian sách Huế; tiến tới đấu giá những cuốn sách Huế hay để gây Qũy Tủ sách Huế.
* Dịp này, công trình Địa chí Văn hóa Huế, ấn phẩm đầu tiên của Tủ sách Huế cũng được ra mắt độc giả.
Nghi thức ra mắt Địa chí Văn hóa Huế
Công trình địa chí Thừa Thiên Huế được biên soạn dưới hình thức địa chí tổng hợp, gồm 5 hợp phần: tự nhiên, lịch sử, dân cư – hành chính, kinh tế và văn hóa.
Địa chí Thừa Thiên Huế phần văn hóa xuất bản vào đầu năm 2021, gồm 2 tập, mỗi tập dày hơn một ngàn trang, là một công trình khoa học đồ sộ, quy mô. Công trình làm rõ các yếu tố văn hóa vật chất và tinh thần của cư dân vùng đất, gồm: ẩm thực, trang phục, y dược cổ truyền, phong tục tập quán, giáo dục, văn học, nghệ thuật diễn xướng…
Sau lễ công bố đã diễn ra tọa đàm “Định hướng phát triển Tủ sách Huế và giới thiệu Địa chí Văn hóa Huế”.
Tin, ảnh: Minh Hiền