ClockThứ Sáu, 04/12/2015 14:41

“Đơn nguyên sơ sinh” phát huy hiệu quả

TTH - Được sự hỗ trợ của Dự án Bắc Trung bộ, liên kết với Khoa Nhi, Bệnh viện Trung ương Huế, đào tạo theo hình thức “cầm tay chỉ việc”, tháng 9/2009, Bệnh viện A Lưới được đầu tư trang thiết bị và đào tạo nâng cao kỹ năng chuyên môn cho đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng về kỹ năng chăm sóc sơ sinh thiết yếu, hồi sức sơ sinh, đơn vị đã tổ chức triển khai đơn nguyên sơ sinh (ĐNSS) với 2 bác sĩ (trong đó, có 1 bác sĩ chuyên khoa I nhi khoa) và 3 điều dưỡng.

 

BS Công Hoa (thứ ba từ phải sang) hướng dẫn sử dụng máy và kỹ thuật cấp cứu cho ĐNSS Bệnh viện A Lưới

“Từ khi triển khai ĐNSS, tất cả trẻ sơ sinh có bệnh lý ngoài phân tuyến kỹ thuật đều được cán bộ nhóm ĐNSS thực hiện cấp cứu, triển khai các bước an toàn chuyển tuyến, giảm tử vong sơ sinh cũng như chi phí khi phải chuyển tuyến trên”. Bác sĩ chuyên khoa II Lê Quang Phú, Giám đốc Trung tâm Y tế A Lưới cho biết.

ĐNSS được bố trí tại Khoa Nội nhi, có hệ thống hành lang thông với Khoa Sản, thuận tiện cho việc vận chuyển bệnh sơ sinh và sản phụ từ Khoa Sản, trang thiết bị khá đầy đủ: lồng ấp, máy thở áp lực dương liên tục, máy đo độ bão hòa oxy trong máu động mạch, máy hút dịch, máy truyền dịch, bộ đặt nội khí quản, bàn hồi sức đa chức năng, đèn chiếu vàng da… đảm bảo để thực hiện hồi sức sơ sinh, chăm sóc và điều trị trẻ sơ sinh bệnh lý theo phân tuyến và chuyển viện an toàn các trường hợp vượt khả năng điều trị với 3 phòng riêng biệt: buồng cấp cứu hồi sức sơ sinh, điều trị sơ sinh bệnh lý và phòng căng-gu-ru. Riêng Phòng Hồi sức được trang bị máy điều hòa 2 chiều.

Cán bộ hai Khoa Sản và Nhi phối hợp làm việc theo quy chế: Phân công cán bộ trực chờ gồm 1 bác sĩ và 1 điều dưỡng, sẵn sàng tham gia hồi sức, hỗ trợ trong trường hợp thai có nguy cơ cần hồi sức sau sinh tại Khoa Sản. Thăm khám và tiếp nhận tất cả sơ sinh bệnh lý tại Khoa Sản và tuyến dưới chuyển đến.

Nói về thành công của việc triển khai ĐNSS, bác sĩ Lê Quang Phú so sánh: Trước đây, công tác chăm sóc sơ sinh chưa được quan tâm đúng mức. Trang thiết bị, cơ sở vật chất không được đáp ứng đầy đủ; cán bộ y bác sĩ chưa được đào tạo, tập huấn nên khi có những trường hợp sơ sinh bệnh lý, bệnh nhân thường phải chuyển tuyến ngay. Trong lúc chuyển tuyến, bệnh nhân chưa được xử trí ban đầu đúng theo chuyên ngành nên tỷ lệ rủi ro tính mạng cao, hoặc chuyển tuyến đến tuyến trên thì tình trạng bệnh đã quá nặng làm tăng tỷ lệ tử vong sơ sinh, hoặc để lại nhiều di chứng nặng nề cho trẻ là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Từ khi triển khai ĐNSS, tất cả trẻ sơ sinh có bệnh lý ngoài phân tuyến kỹ thuật đều được cán bộ nhóm ĐNSS thực hiện cấp cứu, triển khai các bước an toàn chuyển tuyến, giảm tử vong sơ sinh cũng như chi phí khi phải chuyển tuyến trên.

ĐNSS hoạt động thành công nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của Phòng Cấp cứu sơ sinh, Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Trung ương Huế. Bác sĩ Công Hoa, Trưởng phòng, người trực tiếp đào tạo, hỗ trợ chuyên môn cho các bác sĩ ĐNSS Bệnh viện A Lưới cho hay: Các bác sĩ ở đơn vị này chịu khó học và tiếp thu tốt kỹ thuật mới, có chuyên môn và kỹ năng tốt trong hồi sức, chăm sóc và điều trị sơ sinh theo phân tuyến kỹ thuật như: hồi sức sơ sinh ngạt, đặt nội khí quản; thở CPAP, nuôi dưỡng tĩnh mạch qua xyranh điện, máy truyền dịch; chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ đẻ non, nhẹ cân; hướng dẫn chăm sóc, nuôi dưỡng bằng phương pháp căng-gu-ru; điều trị nhiễm trùng sơ sinh; điều trị vàng da tăng bilirubin tự do bằng chiếu đèn; xét nghiệm CRP để phát hiện sớm nhiễm trùng sơ sinh; thực hiện hồi sức sơ sinh và chuyển tuyến an toàn tất cả các trường hợp sơ sinh nặng, sơ sinh cực non vượt khả năng điều trị theo phân tuyến. Khi có các trường hợp khó, phức tạp, phòng thực hiện giám sát hỗ trợ giúp đơn vị triển khai tự tin.

Đây là những kỹ thuật mà y tế cơ sở không dễ thực hiện, nếu không có sự đào tạo kỹ của y tế tuyến trên. Vì vậy, tất cả các trường hợp thai có nguy cơ tại Khoa Sản đều được nhóm ĐNSS tham gia chuẩn bị hồi sức sơ sinh, những ca cần hồi sức tại Khoa Sản được hồi sức sơ sinh tại chỗ trước khi chuyển ĐNSS và thực hiện thăm khám khi sơ sinh có dấu hiệu bệnh lý.

Năm năm qua, đơn ĐNSS điều trị khỏi 311 bệnh nhi sơ sinh, chuyển viện an toàn113 bệnh nhân. Những trường hợp chuyển tuyến chủ yếu là: thai nhi thiếu tháng cân nặng dưới 1800gr hoặc tuổi thai trên, dưới 34 tuần, nhiễm trùng sơ sinh nặng, ngạt nặng, dị tật bẩm sinh…

 Triển khai được kỹ thuật khó so với một cơ sở y tế miền núi, ở xa trung tâm thành phố, còn hạn chế về mọi mặt, là thành công lớn của Bệnh viện A Lưới. Tuy vậy, bệnh viện sẽ phát huy hiệu quả hơn, nếu không gặp những khó khăn, đó là cán bộ làm công tác sơ sinh đều kiêm nhiệm nhiều việc, vật tư tiêu hao chưa tìm được nhà cung ứng nên gặp khó khăn trong triển khai kỹ thuật.

 Việc thiết lập ĐNSS tại tuyến huyện đem lại lợi ích tích cực cho ngành y tế huyện và sức khỏe người dân. Đây là cầu nối giữa tuyến cơ sở và tuyến cao hơn trong việc điều trị liên tục các trường hợp sơ sinh bệnh lý; giảm tải cho bệnh viện tuyến trên trong việc điều trị các trường hợp bệnh lý sơ sinh thông thường theo phân tuyến kỹ thuật; giúp công tác chỉ đạo tuyến được thuận lợi hơn do bệnh viện có khả năng làm các dịch vụ chăm sóc sơ sinh; giúp bệnh viện quản lý tốt hơn các ca bệnh lý sơ sinh trên địa bàn huyện thông qua hệ thống ghi chép sổ sách tại ĐNSS. Qua hơn 5 năm hoạt động đã chứng tỏ nếu được quan tâm đúng mức thì tất cả các trung tâm y tế tuyến huyện đều có thể triển khai và duy trì tốt hoạt động của ĐNSS theo quy định của Bộ Y tế.

Theo bác sĩ Phú, đưa kỹ thuật tiên tiến về tuyến y tế cơ sở là việc làm quan trọng. Vì vậy, mong rằng các cấp, ngành liên quan cần xác định rõ tầm quan trọng và sự cần thiết phải xây dựng ĐNSS tại bệnh viện huyện; thường xuyên nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế tại đơn nguyên sơ sinh, nhất là công tác đào tạo lại ít nhất 2 năm 1 lần đối với điều dưỡng, 1 năm 2 lần đối với các bác sĩ; thường xuyên nâng cao năng lực, kỹ năng hồi sức sơ sinh cho đội ngũ bác sĩ trực toàn viện và nữ hộ sinh khoa sản trong điều kiện chưa bố trí thường trực ĐNSS như hiện nay; hỗ trợ đầu tư phương tiện vận chuyển cấp cứu cho huyện miền núi xa tuyến trên như A Lưới để đảm bảo an toàn trong chuyển tuyến.

Bài, ảnh: ĐINH HOÀNG XUÂN HỒNG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đáp ứng sự hài lòng của người bệnh

Ngày 26/12, UBND huyện Phú Vang tổ chức hội nghị tổng kết công tác y tế năm 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Tham dự có PGS.TS.BS Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế.

Đáp ứng sự hài lòng của người bệnh
Phấn đấu giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn 14,7%

Chiều 24/12, Chi cục Dân số tỉnh tổ chức tổng kết công tác Dân số và phát triển năm 2024; đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2025. Dự và chỉ đạo có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình.

Phấn đấu giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn 14,7
Ngành Y tế vượt và đạt 3 chỉ tiêu Quốc hội giao

Ngày 24/12, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác y tế năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Dự và chỉ đạo có UVTW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long; lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương. Điểm cầu của tỉnh có UVTVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, lãnh đạo Sở Y tế cùng các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh.

Ngành Y tế vượt và đạt 3 chỉ tiêu Quốc hội giao

TIN MỚI

  • 23H.SHOP Hệ thống cửa hàng mẹ và bé
Return to top