ClockThứ Năm, 03/10/2019 14:00

Bảo hiểm y tế sinh viên: Khó đạt, nếu bắt buộc tự nguyện

TTH - Bảo hiểm y tế (BHYT) dành cho đối tượng học sinh, sinh viên (HSSV) theo quy định là bắt buộc. Song trên thực tế, vẫn có nhiều SV không đóng bảo hiểm vì “chưa ngại” chế tài xử phạt.

Bảo hiểm y tế toàn dânGiao lưu trực tuyến: Sinh viên & bảo hiểm y tế

Khám sức khỏe đầu năm học cho sinh viên Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế

Khó đạt chỉ tiêu

Gặp Anh Kiệt, SV của ĐH Huế đang khám tại bệnh viện theo dạng dịch vụ. Hỏi tại sao không khám BHYT, Anh Kiệt cho biết mình không đóng bảo hiểm. Kiệt tâm sự: “Thời học phổ thông, bố mẹ trực tiếp đóng bảo hiểm nhưng khi học ĐH, việc này do em tự túc. Vì ít khi bị bệnh, lại không ai “ép buộc” nên quyết định “liều” để đỡ tốn tiền”.

Trường hợp như Kiệt không ít. Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Thừa Thiên Huế (tháng 8/2019), trong năm học 2018 - 2019, kết quả tham gia BHYT của SV các trường thuộc ĐH Huế là 25.406, chỉ đạt 88,72%; các trường ĐH, cao đẳng, trung cấp khác đạt 81% (số SV là 4.211).

Số liệu trên chỉ mới phản ánh chung. Theo Ông Đỗ Văn Phòng, Phó Trưởng ban Công tác HSSV ĐH Huế, bên cạnh những trường làm tốt, cũng có những đơn vị như Trường ĐH Nghệ thuật và Khoa Giáo dục thể chất có tỷ lệ chưa cao. Có một thực tế là, các SV năm thứ nhất đóng BHYT khá tốt, nhưng qua các năm tiếp theo, tỷ lệ SV tham gia BHYT giảm dần.

Sinh viên ĐH Huế tham gia kiểm tra, khám sức khỏe đầu năm học

Theo đại diện BHXH tỉnh, tuy tỷ lệ tham gia BHYT HSSV năm học 2018 – 2019 đạt 95,38%, vượt 3,27% so với năm học trước, và tỷ lệ tham gia BHYT năm học ở khối ĐH đều có tăng so với năm học trước (các trường thuộc ĐH Huế tăng 12,41%; các trường ĐH, cao đẳng, trung cấp khác tăng 6,01%) song theo Quyết định 1167/QĐ-TTG ngày 28/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016 – 2020, tỷ lệ tham gia BHYT HSSV toàn tỉnh chưa đạt 100% như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Chế tài chưa mạnh

Tìm lời giải cho bài toán thu hút SV tham gia BHYT bắt buộc, mới thấy có khá nhiều nguyên nhân. Theo ông Đỗ Văn Phòng, hiện hầu hết các trường thành viên và khoa trực thuộc ĐH Huế đều đào tạo theo tín chỉ. Với hình thức đào tạo này, khi cần thực thi việc nào đó đến với toàn thể SV đều gặp khó khăn. “Trước đây đào tạo theo niên chế, có tiết sinh hoạt lớp, muốn triển khai và thu tiền BHYT thì thông qua giáo viên chủ nhiệm và ban cán sự lớp. Hiện nay, hình thức đào tạo đã khác nên không thể triển khai theo cách cũ. Nếu so sánh với bậc phổ thông, có thể thấy cũng vì lý do trên, bậc phổ thông thu hiệu quả hơn”, ông Phòng nhấn mạnh.

Theo đại diện ĐH Huế, cũng không thể phủ nhận nguyên nhân chủ quan. Việc bố trí bộ phận thu BHYT ở một số trường chưa hợp lý, còn chồng chéo lẫn nhau nên hiệu quả không cao.

BHYT HSSV đều là BHYT bắt buộc và việc không đạt chỉ tiêu có một nguyên nhân trực tiếp liên quan đến chế tài xử phạt. Một số cán bộ phụ trách công tác y tế các trường thừa nhận, những chế tài cho BHYT hiện tại vẫn còn khá mờ nhạt. Tại một số trường, ngoài tuyên truyền nhắc nhở, có chăng chỉ là trừ điểm rèn luyện. Tuy nhiên, giải pháp đó chưa hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Hợp, cán bộ phụ trách y tế, Phòng Tổ chức - Hành chính Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế khẳng định, đối với SV chú trọng kết quả học tập, sẽ “ganh đua” từng điểm nhưng một số SV ít quan tâm việc học sẵn sàng chấp nhận trừ điểm khi không tham gia BHYT.

Sinh viên ĐH Huế khám sức khỏe tại trường học

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Thông tư 10/2016/TT-BGDĐT ngày 5/4/2016, trong đó quy định nếu cố tình chậm nộp hoặc không nộp học phí, BHYT theo quy định của nhà trường mà không có lý do chính đáng thì tùy theo mức độ, xử lý từ nhắc nhở, khiển trách đến buộc thôi học. Tuy nhiên, theo các trường, thực tiễn có nhiều trường hợp khó áp dụng vì nhiều SV có hoàn cảnh rất khó khăn.

Cũng theo ông Phòng, đối với các đơn vị trực tiếp thu BHYT của SV không hoàn thành nhiệm vụ vẫn chưa có chế tài cụ thể. Đơn cử, bộ phận được giao nhiệm vụ thu BHYT nếu không đạt 100% vẫn không bị nhà trường phê bình, hạ bậc thi đua hằng năm. Trường nào có tỷ lệ SV tham gia BHYT bắt buộc không đạt 100% cũng chưa có chế tài cụ thể.

Sớm có giải pháp

Theo ông Nguyễn Xuân Tiếu, Phó Giám đốc BHXH tỉnh, hàng tháng, trên cơ sở tỷ lệ đối tượng SV tham gia BHYT của các trường, BHXH tỉnh thành lập tổ công tác tiến hành làm việc với các trường để tìm hiểu nguyên nhân và phối hợp cùng với nhà trường tìm giải pháp nâng tỷ lệ tham gia BHYT HSSV của từng trường. Thời gian tới, ngành BHXH và các trường có nhiều hoạt động để tuyên truyền nâng cao nhận thức của HSSV về BHYT. Tiến tới năm 2020, tỷ lệ HSSV tham gia BHYT đạt 100%.

BHYT cho SV cũng như học sinh, là bắt buộc. Khoan nghĩ đến chuyện đảm bảo chỉ tiêu, bởi đối tượng người học có thể thường xuyên đau ốm và việc đóng BHYT có thể giúp SV và gia đình giảm bớt gánh nặng chi phí điều trị. Điều này đồng nghĩa, cần triển khai nhanh các giải pháp trước mắt và lâu dài để nâng tỷ lệ SV đóng BHYT.

Xác định được nguyên nhân xem như đã “chẩn bệnh” thành công, vấn đề là tìm cách giải quyết được gốc rễ của thực trạng. Trong đó, cần có chế tài bắt buộc mạnh hơn từ cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục. Luật đã quy định thì việc bắt buộc tham gia là cần thiết và phù hợp. Chỉ khi đó mới có thể đảm bảo tỷ lệ SV tham gia BHYT đầy đủ và liên tục ở mọi khóa học. Đối với một số trường hợp khó khăn, gián tiếp tác động đến vấn đề tham gia BHYT, cần giải pháp vĩ mô mà cụ thể là xem xét có thể tăng mức hỗ trợ tối thiểu cho HSSV.

Chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe chưa đạt mức độ hài lòng của người tham gia BHYT cũng là lý do dẫn đến thực trạng SV chưa mặn mà đóng BHYT. Vì thế, cần có giải pháp tăng chất lượng hoạt động y tế trường học bền vững, thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho SV. Tại các bệnh viện, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục trong khám, chữa bệnh để SV có thẻ BHYT được tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận khám, chữa bệnh.

Ban Công tác HSSV ĐH Huế cho rằng, giữa đơn vị giáo dục và BHXH tỉnh cần có sự phối hợp tốt hơn trong công tác tuyên truyền, vận động SV tham gia BHYT. Đơn cử, trong “Tuần sinh hoạt công dân HSSV” đầu năm, đầu khóa, BHXH tỉnh đăng ký với nhà trường tham gia tuyên truyền và phổ biến về BHYT đối với SV thì hiệu quả mang lại sẽ cao hơn. Các trường học cũng cần thống nhất đầu mối thu BHYT, thuận lợi nhất là bộ phận công tác HSSV, bởi đây là đơn vị gần gũi nhất với người học để đôn đốc, nhắc nhở, thậm chí là chế tài hợp lý.

Hiện, một số trường học có những giải pháp khá hay mà các trường có thể tham khảo trong vấn đề quản lý SV tham gia BHYT. Điển hình như tại Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế có hệ thống quản lý giáo dục để SV dễ dàng truy cập vào xem kết quả học tập và các vấn đề liên quan. Ở phần mềm này, nhà trường tích hợp đưa kết quả đóng BHYT của SV vào tài khoản cá nhân, do đó khi truy cập vào hệ thống. Nếu trường hợp chưa đóng BHYT thì hệ thống sẽ có cảnh báo để nhắc nhở. Nhà trường cũng đang xây dựng và triển khai kênh trao đổi thông tin với gia đình qua hệ thống tin nhắn đến phụ huynh SV, từ đó sẽ thông báo thông tin trực tiếp đến gia đình của các SV, trong đó có việc nhắc nhở về đóng BHYT.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ:
Hướng tới cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao của cả nước

PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo: "Trường đại học Sư phạm, ĐHH là một trong những cơ sở giáo dục đại học chất lượng tốp đầu của cả nước. Tuy nhiên, để trở thành cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao thì trường phải có sự nhìn nhận, đánh giá một cách thực tiễn, khách quan để có sự đầu tư đúng hướng".

Hướng tới cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao của cả nước
Lịch sự nơi giảng đường

Tác phong lịch sự, chuẩn mực, không chỉ giúp tạo ra nét văn minh nơi giảng đường, mà còn góp phần tạo nên những công dân toàn diện sau này.

Lịch sự nơi giảng đường

TIN MỚI

Return to top