Các sản phẩm được quảng cáo đặc trị COVID-19 do người bán hướng dẫn. Ảnh: Chụp màn hình
Nhan nhản thuốc rao bán trên mạng
Trở thành F1 vì có lịch sử tiếp xúc với F0 ở cùng công ty, chị N.T.L.H (ở Hoàng Cầu, Đống Đa, Hà Nội) vô cùng lo lắng về nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Những ngày cách ly tại nhà, cùng với việc tích cực thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, xông, xịt mũi họng; chị H. lên mạng tìm hiểu, thấy nhiều nơi rao bán thuốc uống phòng và điều trị COVID-19 của Nga nên đã sẵn sàng bỏ ra gần 3 triệu đồng để mua dự trữ “nếu chẳng may mắc COVID-19”.
Chị H. chia sẻ: “Tôi thấy trên facebook rao bán thuốc của Nga, tôi không biết tiếng Nga nên người bán hướng dẫn uống thế nào tôi thực hiện như thế. Biết là chi phí không hề nhỏ nhưng trong lúc sợ hãi dịch bệnh, cứ có thuốc là tốt nên tôi cũng không tiếc tiền mua phòng cho mình và người nhà”.
Có người nhà mắc COVID-19 thể nhẹ, được theo dõi, điều trị tại nhà, chị N.T.L (ở Long Biên, Hà Nội) cũng “đánh liều” mua thuốc điều trị COVID-19 của Trung Quốc được cho mẹ uống.
“Mẹ tôi có xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính nhưng chỉ có biểu hiện hơi đau họng nên không được kê thuốc gì, chủ yếu tăng cường bổ sung các vitamin tăng đề kháng. Tôi sợ mẹ tôi bị biến chứng nặng nên tự mua thuốc cho mẹ uống. Liều dùng thì theo người bán hướng dẫn”.
“Ăn theo” tâm lý nhiều người dân đang "săn lùng" mua thuốc phòng và điều trị COVID-19 để dự trữ sẵn khi dịch bệnh lan rộng; trên các trang mạng, mạng xã hội đang “nở rộ” việc buôn bán các loại thuốc được quảng cáo là hàng “xách tay” từ các nước Nga, Trung Quốc… về. Đặc biệt, những người bán tự hướng dẫn người dân cách sử dụng.
Dạo qua mạng xã hội, không thiếu tài khoản rao bán các loại thuốc này. Một tài khoản facebook có tên T.P.N rao bán công khai đủ loại thuốc xách tay từ Nga về, thậm chí bán theo “combo” như: Thuốc dự phòng virus Arbidol được cho là uống phòng chống khi tiếp xúc với F0, có thể uống trong thời gian điều trị nếu mắc với giá 390.000/hộp; thuốc đặc trị COVID-19 Areplivir giá từ 2,1 triệu đồng/hộp - 2,5 triệu đồng/hộp được cho là đang sử dụng phổ biến tại Nga...
Liều dùng của thuốc đặc trị COVID-19 theo người bán hướng dẫn là: Ngày đầu tiên uống 2 lần, mỗi lần 8 viên; từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 10 uống 2 lần/ngày, 3 viên/lần; uống trước ăn, nếu có hiện tượng mệt thì từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 10 giảm liều xuống 2 viên/lần…
Hay trong chợ thuốc Hapulico cũng có tài khoản P.H rao bán các sản phẩm trên với số lượng hàng thùng lớn và giá cũng như quảng cáo, hướng dẫn theo hình thức liên hệ riêng…
Với việc mua bán tràn lan trên mạng, người dân không quá khó để mua được các loại thuốc phòng và điều trị COVID-19, chỉ cần chi tiền là có thuốc. Tuy nhiên điều đáng lo ngại là các loại thuốc này do người bán tự hướng dẫn, tự kê liều… người dân không hiểu gì nhưng vẫn uống. Chưa kể, “ăn theo” nhu cầu của người dân, gần đây rất nhiều sản phẩm không có hóa đơn, chứng từ đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý.
Đơn cử như mới đây, Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã phát hiện và thu giữ hàng ngàn viên thuốc điều trị COVID- 19 có nhãn mác của Nga, không có hóa đơn chứng từ. Đối tượng bán hàng khai nhận đã lợi dụng tình hình dịch bệnh phức tạp, tâm lý người dân muốn mua các loại thuốc phòng, điều trị bệnh COVID-19 bằng hình thức thu gom thuốc từ các nguồn trên mạng rồi thông qua trang facebook cá nhân có tên “Đức Thủy” để quảng cáo và giao dịch bán kiếm lời.
Mới đây, Bộ Y tế cũng cảnh báo tình trạng rao bán thuốc chữa COVID-19 tràn lan trên mạng, như các loại thuốc điều trị COVID-19 có dược chất Molnupiravir là thuốc đang được thử nghiệm lâm sàng hoặc thuốc nước ngoài chứa dược chất Molnupiravir, Favipiravir chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam.
Theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), việc mua, bán sử dụng các thuốc không được phép lưu hành trên thị trường này là vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật Dược và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, giảm hiệu quả phòng chống dịch và nguy cơ thuốc giả, thuốc nhập lậu.
Không tự ý dùng thuốc
Về vấn đề người dân tự mua và sử dụng các thuốc phòng và điều trị COVID-19 bán tràn lan trên mạng, ThS.BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: “Thuốc điều trị COVID-19, đặc biệt là thuốc kháng virus đều là những thuốc mới được nghiên cứu. Vì vậy, các đặc tính của thuốc cũng như các tác dụng và độc tính vẫn cần tiếp tục theo dõi, nghiên cứu tiếp. Người dân cứ nghe những lời đồn thổi, mua về uống thì có thể không phù hợp hoặc nếu dùng sai có thể gây hại”.
BS. Nguyễn Trung Cấp cũng khuyến cáo: Những trường hợp người bệnh mắc COVID-19 thì cần được theo dõi chặt chẽ để có sự hướng dẫn tốt nhất về chuyên môn. Người dân không tự ý dùng hoặc nghe theo lời mách bảo của những người bán hàng không có chuyên môn, có thể vừa mất tiền vừa có hại nếu dùng sai.
Theo đó, với những người là F0 nếu không có triệu chứng, triệu chứng nhẹ thì có thể không cần phải uống thuốc.
"Khuyến cáo tốt nhất với các trường hợp này là nhanh chóng kết nối với các bác sĩ, y tế cơ sở, y tế địa phương để các nhân viên y tế căn cứ tình hình thực tế của từng bệnh nhân và đưa ra hướng dẫn cần phải làm gì. Đồng thời, các y bác sĩ sẽ tiên lượng ở bệnh nhân đó có thể có gì diễn biến bất thường để lưu ý và đưa đi điều trị kịp thời", BS. Nguyễn Trung Cấp khuyến cáo.
Theo Tin tức TTXVN