ClockThứ Sáu, 17/04/2020 07:00

Chống dịch như chống giặc

TTH - Ngay từ những ngày đầu chống dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã xác định: “Chống dịch như chống giặc”. “Giặc” được xác định là virus SARS-CoV- 2. Đó là loại dịch bệnh nguy hiểm với tất cả mọi con người trên thế giới. Thế nhưng, có loại “virus” trong những con người không chấp hành về phòng, chống dịch bệnh đã tiếp tay cho “giặc dịch”.

Nhiều hoạt động đồng hành, hỗ trợ người dân phòng chống dịch COVID-19Thêm 408 công dân hoàn thành cách lyCovid-19: Ca mắc toàn cầu vượt mốc 2 triệu, Mỹ có ngày tang tóc nhất

Cơ quan công an làm việc với một trường hợp tung tin sai về Covid-19. Ảnh: Lao động

Chỉ trong vòng hơn 1 tháng từ ngày 6/3 đến nay, số người nhiễm bệnh nước ta đã tăng lên. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều đó, nhưng một trong những lý do là một số người không hợp tác trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Người ta còn nhắc nhiều đến một số ca bệnh  điển hình về không chấp hành quy định, vô tình trở thành đồng phạm của kẻ giết người vô hình. Những người này khi xét nghiệm kết quả dương tính thì trước đó đã làm lây nhiễm cho hàng chục người, hàng trăm người nguy cơ cao phải cách ly, xét nghiệm dịch tễ. Tai hại hơn nữa là họ lại khai báo thiếu trung thực, giấu giếm người tiếp xúc, những nơi đã từng đến buộc cơ quan chức năng phải huy động mọi lực lượng để phát hiện những người F1, F2, F3... Chưa có thông tin chính thức nhưng kinh phí cho xét nghiệm, cách ly, chữa bệnh, Nhà nước phải chi không hề nhỏ.

Với truyền thống nhân văn, nhân ái, chúng ta đã dang tay đón hàng chục nghìn người từ nước ngoài về nước tránh dịch. Những người  trở về hết lời cảm ơn Nhà nước đã đưa họ về, cưu mang, nuôi dưỡng, chữa bệnh miễn phí cho họ. Vậy nhưng có người  lại đòi hỏi quá mức về điều kiện sống, tìm cách trốn khỏi nơi cách ly, thiếu hợp tác trong sàng lọc. Có chủ doanh nghiệp bố trí nhân viên đi cách ly thay, cô gái Bình Dương livestream khoe “thông minh” trốn được cách ly, ăn nhậu tập thể ngay trong khu tập trung... Mới ít ngày gần đây, một số chức sắc Công giáo ở Hà Tĩnh, Đồng Nai bất chấp khuyến cáo của ngành y tế, quy định của Chính phủ vẫn tổ chức cho giáo dân hành lễ với hàng trăm người tham gia...

Đáng lên án nhất là những kẻ lợi dụng mạng xã hội để bịa đặt,  tung tin thất thiệt về dịch bệnh. Không ít trong số đó lợi dụng tung tin dịch bệnh xảy ra, chuẩn bị cách ly để tiêu thụ hàng hóa, câu like, quảng cáo bán hàng. Những thông tin dư luận xuyên tạc tung ra đã ảnh hưởng tâm lý không nhỏ, gây hoang mang cho Nhân dân vào những thời điểm nóng bỏng của dịch bệnh.

Nguy hiểm nhất là những kẻ nhân danh dân chủ, các tổ chức phản động lợi dụng dịp này để đăng tải bài viết phê phán Đảng, Nhà nước ta trong chống dịch, kích động chia rẽ trong Nhân dân. Những con virus này vẫn tiếp tục hàng ngày “gặm nhấm bàn phím” tung ra hàng loạt tin giả, bình luận trái chiều, chống lại những cố gắng của Chính phủ và toàn dân trong việc khắc phục hậu quả của dịch bệnh. Những hành vi của họ nguy hại không kém con virus SARS-CoV-2.

Người ta ví chống dịch COVID-19 là một cuộc chiến. Cuộc chiến không giới hạn, không biên giới, không có súng đạn, nhưng lại ác liệt hơn bất cứ cuộc chiến tranh quân sự nào.

Thứ vi sinh vật bé nhỏ, vô hình, hiếu chiến ấy đã “tấn công” trên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ của cả 5 châu lục,  không kể nước lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo, gây tử vong hơn 100 ngàn người. Nhân loại đang phải xoay xở, gồng mình chạy đua dập dịch trong điều kiện chưa có vắc xin và kháng sinh đặc hiệu. Như vậy để thấy cuộc chiến chống dịch COVID-19 không dễ dàng, càng không thể cho phép bất cứ ai đứng ngoài cuộc lại còn cản trở công tác phòng chống dịch.

Ngay khi có ca nhiễm đầu tiên, Việt Nam đã kích hoạt nhiều biện pháp mạnh mẽ. Những hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng lòng của toàn dân, chúng ta đã khống chế có hiệu quả bước đầu với dịch bệnh.

Trong cuộc chiến đó, ở nơi này hay nơi khác vẫn có những con người vô ý thức không chấp hành phòng bệnh cho bản thân, gây nguy hại cho mọi người xung quanh, cho cả cộng đồng. Những hành vi đi ngược lại thực sự là đồng phạm của loại “giặc dịch” cần phải lên án và xử lý nghiêm minh.

NGUYỄN AN HÒA

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm

Một nghiên cứu quy mô lớn vừa công bố sáng nay (12/3) cho biết đại dịch COVID-19 đã khiến tuổi thọ trung bình của người dân trên toàn thế giới giảm 1,6 năm trong 2 năm đầu tiên của đại dịch, một mức giảm nghiêm trọng hơn so với trước đây.

COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm
Return to top