|
Chị Trần Thị Lý (31 tuổi, Hương Toàn, Hương Trà) hạnh phúc bên con.
|
Trường ĐH Y dược Huế và Trường ĐH Quốc gia Chonbuk, Hàn Quốc liên kết thực hiện chương trình phẫu thuật miễn phí cho bệnh nhân bị dị tật bẩm sinh hở hàm ếch, sứt môi đã diễn 10 năm, mỗi năm một lần.
|
Những giây phút khó quên
Chị Nguyễn Thị Trang (42 tuổi, trú thôn Sơn Tùng, Phong Hiền, Phong Điền) bồi hồi nhớ lại cảm giác bồn chồn khi sau cánh cửa phòng mổ, các bác sĩ đang dồn hết tâm huyết, trí lực để mang lại cho đứa con thân yêu của chị một điều kỳ diệu - nụ cười bình thường như bao đứa trẻ khác. Chị Trang rưng rưng kể, lấy chồng cuối năm 2003, chị mơ ước một gia đình hạnh phúc với tiếng cười đùa của những đứa con. Nhưng mãi đến 11 năm sau chị mới được làm mẹ, sau thời gian mỏi mòn điều trị vô sinh. Niềm vui sướng của gia đình chị không trọn vẹn khi con gái bé bỏng vừa chào đời mang dị tật sứt môi hở hàm ếch. “Cứ nghĩ con suốt đời mang dị tật, sẽ chịu biết bao mất mát thiệt thòi, thương đứt ruột. Mỗi đêm chìm vào giấc ngủ, tui đều mơ thấy con có được nụ cười bình thường, cuộc sống bình thường. Điều đó vẫn chỉ là giấc mơ cho đến lúc gia đình nhận thông tin con sẽ được phẫu thuật”.
Anh Trần Văn Nam (37 tuổi, Lê Bình, Phú Xuân, Phú Vang) cũng cùng chung tâm trạng đó. Sinh ra ở làng chài, vợ chồng bám thuyền để mưu sinh, nuôi ba con nhỏ. Không may, đứa út bị dị tật hở hàm ếch, tiếng khóc tiếng cười không “tròn” như bạn bè cùng trang lứa. Đưa con đi khám khắp nơi, bác sĩ chỉ định phải phẫu thuật nhưng chi phí lên đến hàng chục triệu đồng. Vợ chồng làm quần quật cả ngày, chắt bóp lắm cũng chỉ đủ cơm áo nuôi con. Chị Phạm Thị Dãnh (35 tuổi, vợ anh Nam) bùi ngùi: “Số tiền để phẫu thuật là một “thử thách” lớn đối với gia đình. Nhìn con đau một thì vợ chồng tui đau mười. Giờ con được các bác sĩ phẫu thuật “trả” lại nụ cười, cả gia đình tui vui mừng, hạnh phúc lắm”.
|
Mẹ con chị Nguyễn Thị Trang (42 tuổi, Sơn Tùng, Phong Hiền, Phong Điền) trong lúc chờ được phẫu thuật.
|
Cũng như gia đình chị Trang, anh Nam, nhiều ông bố bà mẹ có con không may bị dị tật bẩm sinh “đánh cắp” nụ cười, lặn lội từ các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình,Khánh Hòa,... đưa con đến Huế để được phẫu thuật, với mong ước cho con mình có được nụ cười trọn vẹn, tuổi thơ đúng nghĩa và một tương lai tốt đẹp.
31 bệnh nhân được phẫu thuật dị tật hở hàm ếch, sứt môi trong đợt phẫu thuật năm nay (từ 14/7 đến 18/7), chủ yếu là trẻ em có độ tuổi từ 6 tháng đến 10 tuổi, số còn lại trong độ tuổi 10 đến 30 tuổi.
|
Hạnh phúc
Bà Phan Thị Bông (58 tuổi, Lê Xá Đông, Phú Lương, Phú Vang) chia sẻ, bà vui mừng và hạnh phúc đến nỗi không thể ngủ được khi nghĩ đến lúc đứa con trai “đeo” dị tật suốt 23 năm qua sắp được các bác sĩ “trao” một sự đổi thay trọn vẹn. 23 năm trước, đứa con thứ tư của vợ chồng bà là Nguyễn Việt Quốc ra đời, bị dị tật. Chồng bà lại mất sớm để lại cho bà 7 đứa con với gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền. Vậy nên, học đến lớp 2, Quốc phải nghỉ học vì rất khó khăn trong việc đọc, phát âm. Càng lớn lên, dị tật của em càng nặng. Từ chương trình này, mấy năm trước, Quốc may mắn được phẫu thuật. Dị tật được cải thiện từng bước sau mỗi lần mổ. “Trước đây con tui không nói được, hơn 20 năm cười không ra cười nhưng sau 2 lần phẫu thuật vá môi ngoài (lúc nhỏ) và vá môi trong (2012) nó đã nói được rõ ràng hơn, cười cũng ra cười hơn. Cuộc phẫu thuật lần này sẽ mang đến cho Quốc nụ cười trọn vẹn.”
Đợt này, con trai 18 tháng tuổi của chị Trần Thị Lý (31 tuổi, Hương Toàn, Hương Trà) được phẫu thuật đầu tiên. Lúc ca mổ kết thúc thành công, chị Lý đã òa khóc. Những giọt nước mắt của hạnh phúc. Ôm con vào lòng, người mẹ trẻ rưng rưng cảm động: “Bây giờ con tôi sẽ có những nụ cười rạng rỡ. Điều đó thật vô cùng quý giá…”. Trong sự bồn chồn chờ đợi, chốc chốc, cánh cửa mở, bác sĩ thông báo “ca phẫu thuật thành công tốt đẹp”. Cha mẹ bật dậy đón con với niềm hạnh phúc vô bờ bến. Sau mỗi ngày cùng các bác sĩ chuyên gia đến từ ĐH QG Chonbuk thực hiện thành công các cuộc phẫu thuật, bao giờ Bác sĩ. Ths Trần Tấn Tài (Phó khoa Răng - Hàm - Mặt, Trường ĐH Y dược Huế) cũng đến cạnh thân nhân các bệnh nhi, ân cần chia sẻ, rằng các thầy thuốc rất thấu hiểu nỗi đau mà các cháu và những người cha, mẹ phải chịu đựng khi con mình bị khuyết tật, nhưng lại không có điều kiện để phẫu thuật điều trị cho con. Vậy nên, qua chương trình, ông và đồng nghiệp nỗ lực hết sức để “trả lại” nụ cười cho các cháu. “Mang lại nụ cười cho bệnh nhân, chúng tôi thấy ấm lòng và hạnh phúc”- bác sĩ Tài chia sẻ..