ClockThứ Sáu, 09/08/2024 12:55

Dốc sức cứu bệnh nhân suy đa tạng vì nhiễm liên cầu lợn

TTH.VN - ​Sau 4 năm, Thừa Thiên Huế mới xuất hiện ca bệnh liên cầu lợn (LCL) trở lại. Mặc dù rơi vào tình trạng sốc nhiễm khuẩn huyết do Streptococcus suis /suy đa tạng nhưng nhờ chẩn đoán sớm và điều trị đúng hướng, bệnh nhân đã vượt qua cơn nguy kịch. Trường hợp này đánh động cảnh báo về việc ăn thực phẩm sống hoặc chưa được nấu chín…
BN vẫy tay chào cảm ơn các y bác sĩ đã cứu sống mình 

Qua nguy kịch nhưng giảm thính lực

Ngày 9/8, bệnh nhân (BN) N.V.A. (Quảng Phú, Quảng Điền) đã có thể tự ngồi dậy, đi lại nhẹ nhàng trong phòng cách ly Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc (HSTCCĐ) BVTW Huế cơ sở 2 (CS2). BSCK I Nguyễn Trần Lê Nữ Vân Anh cùng các điều dưỡng kiểm tra sức khỏe ông A. và ra hiệu để BN nghỉ ngơi bởi giờ đây, thính lực của BN suy giảm, không còn nghe rõ như trước. Ông A. cũng vẫy tay chào và nói lời cảm ơn các y bác sĩ đã chăm sóc cho mình thời gian qua.

Bà Lê Thị H., vợ ông A được vào thăm chồng sau hơn 3 tuần chờ đợi run run cầm tay ông xã động viên: “Ri là tốt rồi. Anh phải khỏe để còn chăm sóc các con”. Hay tin chồng hiện không thể nghe rõ, thần kinh bị ảnh hưởng, bà H. khựng lại trong giây lát. Bà kể: “Trước đó, anh kể có ăn bánh ướt thịt heo, đến 3 giờ sáng 14/7, anh lên cơn sốt, bụng đau đi ngoài liên tục rồi người lả dần, gia đình vội đưa tới BVTW Huế CS 2 cấp cứu. Sau thời gian nằm viện tui mới biết chồng bị LCL. Lên mạng đọc, thấy đây là bệnh nặng, có người đã tử vong nên tui lo lắm. Anh như quay về từ "cửa tử", mẹ con tui xin cảm ơn BV đã dốc sức vất vả cứu sống chồng tui”.

BVTW Huế CS 2 ghi nhận BN nhập viện trong tình trạng sốt cao. Tiếp đó, dù được chuyền dịch, kháng sinh, song thần kinh ông A. lơ mơ, kích thích bất an, toàn thân nổi vân tím xuất huyết dưới da, tay chân co cứng, thở nhanh 28-30 lần/phút, huyết áp: 80/40 mmHg, SPO2: 89-92%, nôn mửa toàn nước...

Qua xét nghiệm cho thấy, BN bị suy thận chức năng, tăng phản ứng viêm – nhiễm trùng. Siêu âm bụng các quai ruột phù nề giãn rộng, ứ dịch. Siêu âm tim chức năng tâm thu thất trái giảm, phân suất tống máu (EF) 46%. Cấy máu kết quả nhiễm liên cầu lợn (Streptococcus suis). Bệnh được chẩn đoán: Sốc nhiễm khuẩn huyết do Streptococcus suis /suy đa tạng (gan, thận, tim).

Trường hợp nhiễm LCL nặng này được chăm sóc theo dõi kỹ lưỡng nhằm phòng tránh nhiễm khuẩn 

TS.BS Nguyễn Đức Hoàng, Phó Giám đốc BVTW Huế cơ sở 2, Trưởng khoa HSTCCĐ thông tin: “Đa số các ca bệnh LCL thường gặp tổn thương não, màng não ảnh hưởng các vấn đề như sốc nhiễm trùng, tỷ lệ tử vong cao. BN này vào dù chưa có kết quả xét nghiệm nhưng có các biểu hiện lâm sàng như sốc, xuất huyết dưới da vùng tay chân, mặt nên được điều trị theo hướng nhiễm trùng huyết do LCL. Sức khỏe ông A. tốt dần lên, biến chứng giảm thính lực sẽ được tiếp tục điều trị phục hồi chức năng”.

Hiện, các thông số lâm sàng của ông N.V.A. ổn định trở lại. Góp sức đưa ca bệnh qua cơn nguy kịch còn có đội ngũ điều dưỡng. Đây là ca nhiễm trùng khá nặng, việc phòng tránh lây nhiễm, lây nhiễm chéo đóng vai trò rất quan trọng. Mỗi ca trực ngoài BS còn có 3 hộ lý, điều dưỡng theo dõi, chăm sóc BN 24/24. Cử nhân điều dưỡng Trần Thị Thu Sương, Điều dưỡng Trưởng Khoa HSTCCĐ chia sẻ: “Thể trạng BN suy kiệt, suy giảm miễn dịch nên lực lượng điều dưỡng phối hợp cùng BS từ khâu chăm sóc ban đầu về thuốc men cho đến dinh dưỡng. Sau khi cơ thể bị xuất huyết, hiện tượng bong lớp da diễn ra, chúng tôi vệ sinh vết thương hằng ngày, hạn chế tối đa nhiễm trùng và tập hồi phục vận động tứ chi cho BN."

Hội chẩn sớm, điều trị đúng hướng

Lý giải việc điều trị thành công, lãnh đạo BVTW Huế khẳng định đó là nhờ BN nhập viện kịp thời, việc hội chẩn sớm, điều trị đúng hướng. Khi có biểu hiện của bệnh, người nhà cần đưa BN đến cơ sở y tế gần nhất để cán bộ y tế thăm khám, nắm bắt biểu hiện lâm sàng, đưa ra phác đồ điều trị sẽ mang đến tỷ lệ thành công cao.

TS.BS Nguyễn Thanh Xuân, Phó Giám đốc BVTW Huế thông tin: “Với ca bệnh này, chúng tôi tiến hành điều trị theo kinh nghiệm lâm sàng (kháng sinh đặc hiệu của LCL) mặc dù kết quả cấy máu chưa có ngay lúc ấy. Nếu trường hợp nặng: shock nhiễm độc, trụy mạch, suy hô hấp, suy đa phủ tạng... thì tiến hành lọc máu liên tục ngay (CRRT) những giờ đầu. Việc điều trị căn cứ phác đồ của Bộ Y tế, tuy nhiên, BV chúng tôi xây dựng Quy chế Hội chẩn theo 3 mức độ (đỏ, vàng, xanh); khi BN diễn biến nghi ngờ shock, sẽ hội chẩn sớm và ngay lập tức”.

Người nhiễm LCL thường dẫn đến viêm màng não, nhiễm trùng huyết, để lại những di chứng nặng nề, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Trong 8/2024, đã có 2 trường hợp tử vong vì nhiễm LCL tại Thanh Hóa, Hà Nội. Thời gian ủ bệnh liên cầu lợn ngắn, từ vài giờ đến 3 ngày, người bệnh biểu hiện sốt cao, đau đầu, ù tai, xuất huyết dưới nhiều dạng khác nhau.

 Vợ ông N.V.A. xúc động vào thăm, động viên chồng điều trị

Các trường hợp nhiễm khuẩn nói trên đều liên quan đến giết mổ, thức ăn chưa nấu sôi trên 70 độ, ăn tiết canh. BN khai ăn bánh ướt thịt heo/ tiết canh dê trong thời điểm nhập viện ở trạng thái lơ mơ, thần kinh bất an. Trước thông tin này, TS.BS Nguyễn Đức Hoàng khuyến cáo: “BN không ăn tiết canh, không giết mổ lợn vẫn mắc bệnh có thể do ăn thịt lợn nhiễm bệnh nhưng chưa chế biến kỹ, tiếp xúc với lợn nhiễm bệnh qua vết thương hở trên da, lây qua ruồi nhặng. Các loại tiết canh vịt, dê, gà… hay bất kỳ loài động vật nào đều tiềm ẩn mầm bệnh nguy hiểm. Ngoài mắc liên cầu lợn, giun sán, viêm não mô cầu, người ăn tiết canh có thể mắc các bệnh về tụ cầu, nhất là các dịch bệnh cúm A/H5N1, A/H6N1; rối loạn tiêu hóa gây đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy cấp ...”

Trung tâm Y tế Quảng Điền cho biết, ngay sau khi xảy ra ca bệnh LCL tại Quảng Điền, đơn vị phối hợp với trạm y tế nơi BN sống vệ sinh môi trường bằng hóa chất Chloramin B 25% và tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân địa phương, đồng thời điều tra dịch tễ và tiến hành các bước phòng chống dịch bệnh theo quy định.

TS.BS Nguyễn Thanh Xuân: Có 3 nhóm đối tượng dễ bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn: Người tham gia giết mổ lợn, chế biến thịt lợn ốm, chết; người làm việc ở các lò giết mổ lợn tập trung; người ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn không được chế biến kỹ. Do đó, nên chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y; nấu chín thịt lợn là điều rất quan trọng. Không ăn lợn chết, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh lợn; những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống; giữ các dụng cụ chế biến ở nơi sạch sẽ, rửa sạch tay và các dụng cụ chế biến sau khi tiếp xúc, chế biến thịt lợn...

Bài, ảnh: LINH GIANG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Yêu cầu ban chủ nhiệm, trưởng trung tâm, khoa phòng không tắt điện thoại trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh

Đó là một trong những lưu ý của Ban Giám đốc Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế trong kế hoạch khám chữa bệnh dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9. Đơn vị cũng đã xây dựng nội dung chi tiết, chỉ đạo các trung tâm, khoa phòng phân công trực, sẵn sàng ứng phó trong trường hợp tai nạn hàng loạt, tai nạn giao thông hàng loạt, thảm họa…

Yêu cầu ban chủ nhiệm, trưởng trung tâm, khoa phòng không tắt điện thoại trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh
Return to top