ClockThứ Tư, 15/04/2020 14:26

Dồn sức

TTH - Tạm gác lại chuyện riêng, tập trung toàn bộ lực lượng cho công tác phòng, chống dịch COVID - 19 là câu chuyện của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lăng Cô (thị trấn Lăng Cô, Phú Lộc).

273 triệu đồng hỗ trợ công tác chống dịch

Đồn Biên phòng Lăng Cô tiến hành phát khẩu trang miễn phí cho người dân

Gác lại việc cá nhân

Vợ chồng đồng lòng chống dịch là câu chuyện cảm động của gia đình Đại úy Lê Văn Sơn, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Lăng Cô. Trong lúc chồng cùng đồng đội “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền cho người dân, thì vợ của Đại úy Sơn cũng đang bám trụ tại Khoa Truyền nhiễm thuộc Trung tâm Y tế huyện A Lưới với vai trò Điều dưỡng trưởng.

Đại úy Sơn chia sẻ, từ khi anh nhận công tác tại đơn vị biên giới tuyến biển, số lần về thăm nhà ở A Lưới cứ thưa dần. Kể từ khi dịch COVID - 19 bùng phát, anh bám đơn vị để thực hiện nhiệm vụ, còn vợ anh cũng trực chiến tại bệnh viện. Hơn 10 ngày nay, chị bị cách ly, không thể lo việc gia đình, anh phải nhờ cậy bà nội lặn lội từ Thanh Hóa đến để phụ chăm sóc hai con nhỏ.

“Họ hàng nội ngoại của 2 vợ chồng đều ở xa nên không thể nhờ ai hỗ trợ. Cực chẳng đã tôi mới nhờ đến mẹ đã lớn tuổi, lại phải di chuyển một quãng đường xa trong mùa dịch”, Đại úy Sơn bộc bạch.

Cùng đơn vị, Thiếu tá chuyên nghiệp Phan Thanh Long cũng quyết định tạm gác lại đám cưới của con gái giữa tháng 3 vừa qua và tập trung hoàn thành nhiệm vụ tại đơn vị. Thiếu tá Long kể, thiệp mời được phát ra ngay lập tức được thu hồi trong vài ngày. Các nghi lễ truyền thống được tổ chức gọn nhẹ giữa hai bên gia đình, tránh tổ chức rình rang ảnh hưởng đến mọi người. Ngay sau khi đưa con gái về nhà chồng, Thiếu tá Long lập tức quay lại đơn vị để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.

Theo Đại úy Lê Văn Sơn, không ít cán bộ, chiến sĩ của đồn có những việc riêng như vợ ốm, con đau vào thời điểm này, nhưng với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, tất cả đều đảm bảo 100% quân số trực chiến tại đơn vị.

Hoàn thành tốt nhiệm vụ

Theo thông tin từ Đồn Biên phòng Lăng Cô, khi dịch COVID - 19 bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, đơn vị đã thành lập tổ cơ động gồm 3 thành viên, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương rà soát số người dân đang làm việc và sinh sống ở nước ngoài. Qua đó, lập danh sách gồm 53 người để tiếp tục theo dõi và phát hiện 4 trường hợp trở về địa bàn, gồm 2 vợ chồng về từ Úc và 2 du học sinh tại Nhật Bản, tất cả đều được cơ quan y tế đưa đi cách ly kịp thời.

Đại úy Lê Văn Sơn cho biết, Đồn Biên phòng Lăng Cô luôn chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc chủ động phòng, chống dịch COVID - 19.

Thời gian qua, 9/9 tổ dân phố của thị trấn Lăng Cô đều sử dụng hệ thống loa phát thanh để tuyên truyền các nội dung phòng dịch do cơ quan tuyên huấn Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cung cấp. Tập thể cán bộ, chiến sĩ của đồn còn triển khai phun khử khuẩn tại nhiều nơi trên địa bàn và thực hiện tuyên truyền trực tiếp, kết hợp phát khẩu trang miễn phí cho người dân tại các điểm công cộng, tập trung đông người. Tính đến nay, đơn vị đã phối hợp cùng một số doanh nghiệp trên địa bàn và Đoàn thanh niên phát miễn phí khoảng 3.000 khẩu trang.

Sau khi có Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội, tổ cơ động của Đồn Biên phòng Lăng Cô tiếp tục tỏa lực lượng đến tất cả nhà hàng, khách sạn, quán karaoke trên địa bàn để tuyên truyền chấp hành dừng hoạt động và phối hợp tiến hành xử phạt nếu tái phạm.

Trước tình trạng người dân tụ tập vui chơi tại bãi biển, đồn cũng cắt cử lực lượng tuần tra từ 16 - 19h hằng ngày để nhắc nhở và giải tán các hoạt động vui chơi đông người.

“Qua quá trình tuyên truyền, vận động, người dân đã ý thức không tụ tập đông người và tự giác sử dụng nhiều biện pháp để tự bảo vệ bản thân trong mùa dịch, đây là thành công lớn nhất của chúng tôi”, Đại úy Sơn cho biết thêm.

Bài, ảnh: Minh Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Ông giảm nghèo” ở Hương Vân

Là cán bộ đầy nhiệt huyết trong công tác giúp dân thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống, ông Trần Công Thuyên, công chức Văn hóa Xã hội ở phường Hương Vân (TX. Hương Trà) được bà con địa phương thương mến gọi với cái tên... “ông giảm nghèo”.

“Ông giảm nghèo” ở Hương Vân
Truyền thông chuyên nghiệp cho công tác thư viện

Sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin trong kỷ nguyên số đã làm thay đổi mạnh mẽ hoạt động truyền thông của thư viện. Nếu làm tốt công tác truyền thông thì cộng đồng sẽ dễ dàng nhận diện rõ được vai trò, đóng góp của thư viện, giúp cộng đồng nhận biết, có ấn tượng tốt, kích thích việc sử dụng các sản phẩm và dịch vụ của thư viện nhiều hơn. Đó là một trong nhiều nhận định được các chuyên gia, những người làm công tác thư viện đưa ra khi bàn về việc truyền thông, quảng bá văn hóa đọc trong đời sống hiện nay.

Truyền thông chuyên nghiệp cho công tác thư viện
Return to top