|
Bác sĩ Khoa Cấp cứu tim mạch - can thiệp BVTW Huế thực hiện can thiệp tim mạch cho bệnh nhân
|
Triển khai nhiều kỹ thuật, thiết bị hiện đại
Cùng với trên 10.000 trường hợp chụp động mạch vành tại Khoa Cấp cứu tim mạch - can thiệp, khoa còn thực hiện trên 2.000 can thiệp mạch vành, trên 800 trường hợp tạo nhịp tim (trong đó, tạo nhịp tái đồng bộ 3 buồng tim và cấy máy khử rung tự động đang được thực hiện thường quy), trên 300 trường hợp thăm dò và điều trị điện sinh lý cơ tim (trong đó có các kỹ thuật triệt bỏ đường phụ nhĩ thất, cuồng nhĩ và ngoại tâm thu thất), thực hiện thường quy đóng lỗ thông liên nhĩ và ống động động mạch bằng dù, nong van động mạch phổi.
|
TS, Bác sĩ Nguyễn Cửu Lợi, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch kiêm Trưởng khoa Cấp cứu tim mạch - can thiệp, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, khoa đã triển khai áp dụng thành công các kỹ thuật tim mạch can thiệp: đóng lỗ thông tim bẩm sinh bằng dù (thông liên thất, thông liên nhĩ, ống động mạch); can thiệp đặt stent graft để điều trị bệnh phình động mạch chủ; đặt stent tự bung để điều trị bệnh hẹp động mạch ngoại biên (động mạch thận, động mạch chi dưới), thay van động MẠCH chủ; đặt Stend động mạch chủ.
Êkíp tim mạch can thiệp sử dụng máy tăng sáng truyền hình kỹ thuật số 2 bình diện mới. Việc trang bị thế hệ máy mới nhất với cấu hình cao cấp nhất đã mở ra triển vọng can thiệp các trường hợp tổn thương mạch vành phức tạp, can thiệp mạch não để điều trị các trường hợp bị đột quỵ hoặc dị dạng mạch máu não.
Máy siêu âm nội mạch vành (IVUS) và đo dự trữ vành (FFR) vừa đi vào hoạt động giúp bác sĩ nhìn thấy rõ tổn thương từ bên trong lòng mạch vành, giúp việc chọn lựa kỹ thuật can thiệp và đánh giá được kết quả sau khi can thiệp, khả năng tưới máu cho cơ tim của mạch vành khi bị hẹp do mảng xơ vữa. Nhờ vậy, việc chỉ định can thiệp mạch vành và đặt stent chính xác hơn và tránh được những trường hợp can thiệp không cần thiết.
Tôi có dịp đến thăm người nhà của đồng nghiệp từ Quảng Nam đang điều trị tại khoa. Cháu bé 1 tuổi vừa được đóng thông liên thất. Bố, mẹ cháu vui mừng bởi con mình khỏi bệnh mà không phải trải qua cuộc phẫu thuật đau đớn, mất sức. Tiến sĩ Hồ Anh Bình, Phó khoa Cấp cứu tim mạch - can thiệp, người trực tiếp, thực hiện ca can thiệp cho biết, trước đây, bệnh lý thông liên thất phải mổ mở để vá lỗ thông. Trẻ phải trải qua một cuộc phẫu thuật lớn, các bác sĩ phải cho ngưng tim và thay thế tuần hoàn tự nhiên bằng hệ thống tim phổi ngoài cơ thể. Việc trải qua phẫu thuật lớn nhiều giờ khiến nhiều trẻ nhỏ quá không đủ sức, nhiều trẻ phải chờ đủ cân nặng. Tuy nhiên, có khi chờ đủ cân thì tình trạng suy phổi và suy tim do biến chứng đã nghiêm trọng. Bằng thủ thuật đưa dụng cụ vào mạch máu từ đùi để nút lỗ thông sẽ tránh cho trẻ những hạn chế của phẫu thuật mở, thời gian nằm viện ngắn và chăm sóc đơn giản.
Khi làm việc với TS. Lê Trọng Phi, chuyên gia Trung tâm Tim mạch Đại học Hamburg (Đức) lúc ông về Việt Nam, được biết, việc can thiệp cho trẻ em rất khó khăn, bởi mạch trẻ nhỏ, đòi hỏi phẫu thuật viên phải nhạy cảm trong từng thao tác và là những bác sĩ tim mạch giỏi.
Đối với các trường hợp còn ống động mạch, TS Bình cho hay, trước đây, phẫu thuật tim phổi nhân tạo đóng ống động mạch là lựa chọn duy nhất. Tuy nhiên, đây là một phẫu thuật rất lớn, thời gian mổ lâu (khỏang 7 - 8 tiếng) gây đau đớn nhiều, để lại sẹo lớn ở ngực, bệnh nhân lâu hồi phục (10 - 15 ngày) và đặc biệt trường hợp động mạch không được khâu kín có thể sẽ xảy ra chảy máu và bệnh nhi tử vong ngay trên bàn mổ. Bằng kỹ thuật can thiệp, bác sĩ sử dụng các dụng cụ đặc biệt để can thiệp. Toàn bộ quá trình thao tác được kiểm soát bằng màn hình có hiển thị bản đồ mạch máu và ống thông trong lòng mạch một cách chính xác. Ống động mạch được đóng, bệnh nhân sẽ nhanh chóng hồi phục sức khỏe.
Ngày 21-11-2013, lần đầu tiên ở miền Trung, khoa Cấp cứu Tim Mạch can thiệp thực hiện thành công kỹ thuật đốt thần kinh giao cảm động mạch thận để điều trị tăng huyết áp kháng trị cho bệnh nhân Trương B. A đến từ Đà Nẵng. Bệnh nhân còn trẻ nhưng bị tăng huyết áp từ lâu, đã được điều trị liên tục phối hợp 4 loại thuốc huyết áp cùng một lúc (trong đó có thuốc lợi tiểu) nhưng huyết áp vẫn còn ở mức cao 160-180 mmHg. Bệnh nhân cũng được điều trị bằng phương pháp đốt thần kinh giao cảm động mạch thận bằng sóng có tần số radio. Sau 30 phút đốt thần kinh giao cảm động mạch thận 2 bên, huyết áp bệnh nhân hạ xuống nhanh chóng còn 120 mmHg. Theo dõi hai ngày sau huyết áp vẫn trong giới hạn bình thường và số lượng thuốc hạ huyết áp duy trì chỉ còn 2 loại với liều thông thường.
Cứu sống nhiều bệnh nhân nước ngoài
Việc khoa can thiệp cấp cứu nhiều trường hợp nhồi máu cơ tim cấp của bệnh nhân ở nhiều địa phương trong nước, trong đó có 13 người nước ngoài đến du lịch và làm việc tại địa phương, cứu sống nhiều trường hợp nặng đã ngừng tim lúc đưa vào viện, đã góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Bệnh viện Trung ương Huế.
Bệnh nhân Ken Lord, 69 tuổi, cựu chiến binh Mỹ, từng tham gia chiến trường Việt Nam năm 1967-1968, đang đi cùng đoàn 20 người hoạt động làm nhân đạo ở Việt Nam, trong đó có Huế. Bệnh nhân này được đưa đến bệnh viện trong tình trạng ở ngực trái thắt nghẹn. Bệnh nhân được xác định bị hội chứng vành cấp, đau thắt ngực. Kết quả chẩn đoán là nhồi máu cơ tim.
Trong vòng hơn nửa tiếng, ê-kíp can thiệp gồm TS. Nguyễn Cửu Lợi và Thạc sĩ Tô Hưng Thụy đã thực hiện thành công nong và đặt Stent động mạch vành cấp cứu. Ngay sau khi được đặt stent, bệnh nhân Ken Lord đã thấy thoải mái và hết các cơn đau thắt dữ dội ở tim.
Trước đó, năm 2013, Bệnh viện Trung ương Huế đã cứu sống bệnh nhân T.E (50 tuổi, trú New York, Mỹ) sau khi can thiệp động mạch vành. Bệnh nhân T.E nhập viện tại Bệnh viện Đà Nẵng với chẩn đoán đau thắt ngực, tổn thương phức tạp ở động mạch vành, được chuyển đến khoa Cấp cứu tim mạch - can thiệp, Bệnh viện Trung ương Huế. Các bác sĩ quyết định thực hiện can thiệp động mạch vành cho bệnh nhân. Kỹ thuật can thiệp khó này được PGS.TS Nguyễn Cửu Lợi và TS. Hồ Anh Bình đảm nhiệm. Trong khoảng 30 phút, bệnh nhân T.E được đặt một stent phủ thuốc tại động mạch vành thành công. Không chỉ thể hiện niềm vui sướng, biết ơn, bệnh nhân T.E còn tỏ ra khâm phục chuyên môn các y bác sĩ Việt Nam. Ông T.E cho biết, trước đó ông rất lo ngại về tình hình bệnh tật khi đã được điều trị nội khoa tích cực ở một bệnh viện nước ngoài trong 14 tháng nhưng không khỏi; ông nội và bố của ông đều tử vong do nhồi máu cơ tim ở tuổi 49. Ông T.E là bệnh nhân người nước ngoài thứ 13 được Bệnh viện Trung ương Huế cứu sống bằng phương pháp điều trị trên.