Tăng cường công tác tiêu độc khử trùng
Khả năng lây lan nhanh
Tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật vụ thu - đông giữa tháng 9 vừa qua, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có những thông tin bước đầu về dịch tả lợn châu Phi (ASF) đang bùng phát mạnh ở nhiều nước. Theo đó, từ cuối năm 2017 đến nay có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo có bệnh ASF, với tổng số lợn buộc phải tiêu hủy trên 500.000 con. Hiện, bệnh bùng phát mạnh tại Trung Quốc và có chiều hướng lây lan từ Bắc xuống Nam, tiến gần đến các tỉnh gần biên giới Việt Nam.
Sau khi Thủ tướng, Bộ NN&PTNT có công điện gửi các địa phương, UBND tỉnh và UBND các huyện, thị, thành phố đều có công điện yêu cầu các địa phương, hộ chăn nuôi… tăng cường chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh ASF vào địa bàn tỉnh.
Triệu chứng bệnh ASF giống dịch tả lợn cổ điển như: sốt nhẹ hoặc sốt lúc tăng lúc giảm, xuất huyết, giảm ăn, sụt cân, ủ rũ, vận động khó khăn… Việc chẩn đoán bệnh ASF khó có thể xác định và phân biệt được bằng các triệu chứng lâm sàng, mà cần lấy mẫu xét nghiệm. |
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thông tin, bệnh ASF là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra; mức độ và khả năng lây lan nhanh. Tất cả các loại lợn từ lợn rừng đến lợn nhà, bất kể độ tuổi đều có khả năng nhiễm, gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao (lên đến 100%) do chưa có vaccine phòng ngừa và thuốc điều trị bệnh. Ngành nông nghiệp đang phối hợp với chính quyền các cấp chủ động áp dụng các biện pháp ngăn chặn bệnh xâm nhiễm; tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn; thực hiện tốt việc chăn nuôi an toàn sinh học. Khi phát hiện lợn mắc bệnh, cần phải xử lý triệt để ổ dịch ở phạm vi nhỏ và hạn chế lây lan.
Phòng là chính
Anh Bùi Chúng, hộ chăn nuôi ở xã Phú Sơn (TX. Hương Thủy) lo lắng: Hiện giá lợn đầu vào và đầu ra đang ở mức cao, nếu xảy ra dịch bệnh người nuôi sẽ thiệt hại nặng nên công tác dự phòng cực kỳ quan trọng. Ngoài thực hành chăn nuôi tốt theo quy trình VietGAP, tôi còn tiến hành phun tiêu độc sát trùng thường xuyên.
Khu vực chăn nuôi của gia đình anh Chúng được bao quanh bằng hệ thống tường rào kín, ngăn cách hoàn toàn với khu vực xung quanh. Ngay phía cổng được bố trí hố sát trùng, rải vôi, yêu cầu hạn chế ra vào khu vực chăn nuôi nhằm hạn chế mầm bệnh từ bên ngoài. Trước đây anh Chúng tiến hành tiêu độc khử trùng trong và ngoài khuôn viên trang trại mỗi tuần 1 lần, nhưng từ khi có thông tin dịch bệnh ASF, anh tiến hành tiêu độc 2 lần mỗi tuần, hạn chế người, vật nuôi từ bên ngoài đi vào trang trại.
Ông Trần Văn Đức, cán bộ thú y phường Thủy Châu (TX. Hương Thủy) thông tin: Địa bàn Thủy Châu không tập trung nhiều trang trại lợn mà chỉ nuôi theo hình thức nhỏ lẻ từ vài chục đến 100 con. Chúng tôi đã đến từng hộ dân nhắc nhở người chăn nuôi tăng cường các giải pháp phòng ngừa. Ngoài tăng cường công tác dự phòng các loại bệnh trên động vật vụ thu đông, chúng tôi vừa tiếp nhận thêm 100lít hóa chất tiến hành tiêu độc khử trùng tại các hộ chăn nuôi và trang trại nhằm hạn chế mầm bệnh xâm nhập.
Ngoài sự chủ động của người chăn nuôi, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương cũng tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức từ cán bộ, đến người dân về dịch bệnh ASF.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, Chi cục đã và đang phối hợp với các trạm thú y các huyện, xã, tổ chức các lớp tuyên truyền cho người dân về mức độ nguy hiểm, dấu hiệu nhận biết và các biện pháp dự phòng. Cùng với việc tăng cường tiêm phòng bệnh trên động vật vụ thu đông, Chi cục tăng cường phân bổ, cung cấp các loại dung dịch tiêu độc khử trùng cho các trang trại; chuẩn bị cơ sở vật chất, sẵn sàng gửi mẫu khi có trường hợp nghi bị ASF. Đồng thời, tổ chức chốt chặn kiểm dịch trên các tuyến quốc lộ, triển khai lực lượng tuần tra kiểm soát, kiểm tra chặt chẽ việc vận chuyển lợn, thịt lợn từ Bắc vào Nam, kiểm soát việc nhập lợn qua địa bàn.
Các địa phương giao trách nhiệm cho bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ, thú y cấp xã, người chăn nuôi thực hiện việc giám sát và báo cáo dịch bệnh nhằm phát hiện và khoanh vùng nếu dịch xảy ra.
Bài, ảnh: Hoàng Loan