Chăm sóc sức khỏe người khuyết tật ở Phú Vang
Xây dựng cơ chế hỗ trợ, đãi ngộ, thu hút nhân lực
Giữa tháng 6 vừa qua, Sở Y tế đã tổ chức đoàn công tác làm việc với UBND huyện A Lưới về định hướng phát triển y tế địa phương giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo Nghị Quyết 08-NQ/TU của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế.
A Lưới hiện có 5 dân tộc anh em đang sinh sống và có 10/18 xã giáp biên giới với nước bạn Lào. Nhiều năm qua, hệ thống y tế huyện A Lưới được quan tâm nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và nâng cao chất lượng chuyên môn cho đội ngũ. Tuy vậy, các hoạt động khám, chữa bệnh tại bệnh viện huyện chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người dân địa phương. Định hướng phát triển Trung tâm Y tế A Lưới theo Nghị quyết 08-NQ/TU của Tỉnh ủy, Sở Y tế và huyện A Lưới phối hợp chặt chẽ để triển khai có hiệu quả các giải pháp, như: tiếp tục nâng cao năng lực chuyên môn cho nguồn nhân lực và đào tạo có trọng tâm, trọng điểm theo nhu cầu thực tế cho đội ngũ bác sĩ đa khoa, cán bộ có tâm huyết; có chính sách hỗ trợ, chế độ đãi ngộ phù hợp cho nguồn nhân lực; nâng cao năng lực giám sát và phát hiện kịp thời các dịch bệnh có nguy cơ xâm nhập, bùng phát để phối hợp xử lý.
Cùng với A Lưới, Sở Y tế đã làm việc và nắm rõ tình hình thực trạng, thuận lợi và khó khăn của các trung tâm y tế cấp huyện để tiếp tục xây dựng các kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, phát triển hệ thống cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị… đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 08-NQ/TU. Bên cạnh đó, phát huy điểm mạnh là cơ sở đào tạo và ứng dụng các thành quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn khám, chữa bệnh của Trường đại học Y - Dược Huế, Sở Y tế đã kết nối và thảo luận về các hoạt động phối hợp liên kết đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ chuyên môn cho tuyến y tế cơ sở.
PGS.TS. Trần Kiêm Hảo - Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh: Định hướng quy hoạch, phát triển các trung tâm y tế chuyên sâu đáp ứng các yêu cầu của Nghị quyết 08-NQ/TU phải dựa trên cơ sở khu vực dân cư và tiềm năng sẵn có. Các đề án quy hoạch, phát triển phải chú trọng đến công tác đào tạo nâng cao năng lực về chuyên môn, chuyên ngành, đào tạo có trọng tâm, trọng điểm theo nhu cầu thực tế của địa phương; chuẩn hóa trình độ trên đại học cho đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp khoa/phòng. Đồng thời, xây dựng cơ chế thông thoáng, có chính sách hỗ trợ, đãi ngộ phù hợp để thu hút nhân lực cho các địa phương, nhất là các huyện miền núi.
Thúc đẩy y tế trở thành ngành kinh tế quan trọng
Sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XIV) về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực miền Trung và cả nước, lĩnh vực y tế của tỉnh đã đạt được những kết quả nổi bật. Hệ thống y tế toàn tỉnh đã phát huy hiệu quả trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, nhất là phòng, chống hiệu quả dịch bệnh trên địa bàn.
Hướng đến giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, qua Nghị quyết 08-NQ/TU ngày 9/8/2021 về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực Đông Nam Á, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm khoa học, công nghệ cao về y học, ngang tầm các trung tâm y tế lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, có cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại, tiên tiến. Thúc đẩy y tế trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương, xứng tầm là trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước và khu vực Đông Nam Á; đóng góp lớn vào quá trình phát triển toàn diện con người, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Với ngành y tế, nhiệm vụ từ nay đến năm 2025 là tiếp tục xây dựng và phát triển hệ thống y tế địa phương bảo đảm thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới. Trong đó, nhiều chỉ tiêu cụ thể đã được xác định, như: Đạt từ 15 - 16 bác sĩ, 60 - 61 giường bệnh trên 10.000 dân; tuổi thọ trung bình của người dân khoảng 74,5 tuổi; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân – thấp còi dưới 6,3% - dưới 8,8%; tỷ suất tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi dưới 28,4‰. tỷ suất tử vong của trẻ em dưới 1 tuổi dưới 18,2‰. Tiếp tục duy trì trên 95% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế xã. Xây dựng Trung tâm Kiểm nghiệm dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm trở thành trung tâm vùng khu vực miền Trung. Đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại để phát triển Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh bảo đảm đủ năng lực triển khai các kỹ thuật chuyên ngành. Xây dựng và thành lập Viện Thái y Huế trên cơ sở phát triển Bệnh viện Y học cổ truyền. Hình thành tối thiểu 3 bệnh viện chuyên khoa trọng điểm tuyến tỉnh và 4 trung tâm y tế tuyến huyện là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Trung ương Huế.
Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN