Trong những ngày dịch bệnh, bệnh nhân và người nhà phải qua khai báo, sàng lọc kỹ lưỡng mới được vào viện. Khổ càng chồng thêm khổ...
Vừa gặp, nói chuyện và cho anh quá giang, chừng hơn tuần sau thì nghe anh đã qua đời do dính COVID-19. Tôi khá hoảng, lo tăng cường C, tăng cường ăn uống luyện tập, xông tinh dầu…và liên tục “lắng nghe cơ thể”. May mắn là sau đó đã không có điều gì xảy ra với tôi. Tự nghĩ, ấy là do mình đã tích cực phòng vệ như trên; nhất là trước đó đã được tiêm 3 mũi vaccine Astrazeneca nên mới vô sự như vậy. Do tử vong bởi COVID-19, nên phải sau đó 50 ngày, nhân lễ chung thất tôi mới đến viếng anh được.
Hôm rồi, nhân gặp một người anh em của anh, tôi mới biết sở dĩ anh tử vong và tử vong nhanh là do không được tiêm mũi vaccine nào! Không tiêm không phải bởi không có vaccine hoặc bản thân anh từ chối tiêm, mà là do anh có đứa con gái làm trong ngành y tế. Không hiểu nhận thức thế nào mà chị này lại “không khuyến khích” bố mình đi tiêm. Đến khi hối hận thì chuyện đã rồi. Mà thời điểm ấy, cũng không phải chỉ có mỗi mình chị kia mới có suy nghĩ lạ đời như vậy, mà kể cả ở những quốc gia văn minh, như Mỹ chẳng hạn, người em họ tôi là bác sỹ đang làm việc trong một bệnh viện của xứ cờ hoa này đã điện về hỏi thăm gia đình rồi nhân tiện trút nỗi bực dọc: “Bên này tụi nó… ngu lắm. Có vaccine nhưng không chịu tiêm, phải mang vứt thùng rác cả đống vì quá hạn. Nhìn rất xót!”. Nguyên nhân có thể do lúc ấy COVID-19 chưa quá hoành hành, vaccine lại còn quá mới, nên trong xã hội - kể cả một bộ phận nhân viên y tế- có tâm lý vừa chủ quan vừa nghi ngại. Phải đến sau này, khi người chết không kịp chôn, người ốm không có chỗ nằm, không có máy thở, người ta mới bừng tỉnh, mới chen nhau đi tiêm vaccine, đua nhau khẩu trang 2-3 lớp, tay chân sát khuẩn liên tục…
Chờ đợi để được tiêm vaccine phòng COVID-19.
Sự “tỉnh ngộ” của cộng đồng, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự dấn thân của các lực lượng tuyến đầu…đã giúp tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Mọi hoạt động của đời sống sinh hoạt, làm ăn dần dần trở lại bình thường như trước khi có dịch. Báo cáo của Thủ tướng Chính phủ tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XV đang diễn ra cho biết, kinh tế vĩ mô của đất nước cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83%, cao nhất kể từ năm 2011 đến nay (theo ước tính, GDP cả năm đạt khoảng 8%, trong khi mục tiêu được đặt ra là 6 - 6,5%). Lượng tìm kiếm du lịch Việt Nam gia tăng mạnh mẽ; lượng khách quốc tế đến du lịch Việt Nam tính đến thời điểm hết tháng 8 đạt 1,4 triệu, gấp gần 14 lần so với cùng kỳ năm trước…
Khu di tích Đại nội buồn hiu không một bóng du khách trong những ngày xảy ra đại dịch.
Đó quả là sự hồi phục thần kỳ và thật đáng phấn khởi. Tuy nhiên, thực tế tình hình như vậy cũng làm nảy sinh tâm lý rất đáng lo ngại trong xã hội, đó là nhiều người lầm tưởng dịch bệnh đã kết thúc; nhiều người khác thì cho rằng COVID-19 bây giờ cũng chỉ như cảm cúm thông thường mà thôi, không có gì phải sợ. Từ tâm lý ấy dẫn đến chủ quan, thậm chí truyền tai “nhắc nhau” đừng nên tiêm vaccine mũi tăng cường nữa vì…không cần thiết và có hại cho sức khỏe (!) Riêng vaccine cho trẻ từ 5-12 tuổi thì dù tích cực vận động, nhắc nhở thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, song nhiều địa phương tỷ lệ vẫn rất thấp. Sắp tới đây, chủ trương tiêm vaccine cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi rất có thể cũng sẽ rất “vất vả”.
Sự chủ quan và lệch lạc trong nhận thức như vậy không khỏi làm chúng ta lo lắng về nguy cơ bùng phát dịch bệnh trở lại. Và nếu điều này xảy ra, những thành tựu mà đất nước phải nỗ lực lắm mới vừa gặt hái được sẽ không tránh khỏi bị tổn thương, gãy đổ.
Chùa chiền cũng phải đóng cửa, đồ tiếp viện phải treo ở cửa chờ người ra lấy.
Cần phải nhớ rằng, virus SAR-CoV-2 vẫn đang tồn tại và ngày đang có thêm nhiều biến thể mới. Cũng chính vì sự chủ quan mà hiện nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới đang phải đối diện với nguy cơ đại dịch tái bùng phát. Đức vừa ghi nhận mỗi ngày có thêm hơn 114 ngàn ca nhiễm mới, trong lúc Bộ Y tế nước này cảnh báo số ca nhiễm thực tế có thể cao gấp 3 lần. Mỹ hiện mỗi ngày ghi nhận hàng trăm ca tử vong do COVID-19. Singapore dự báo sẽ đối mặt với làn sóng dịch mới vào giữa tháng 11 này với bình quân 15.000 ca nhiễm COVID-19/ngày…
Cho đến lúc đã được đi lại bình thường, nhiều người vẫn sợ COVID-19 đến nỗi mặc đồ bảo hộ kín từ đầu đến chân khi đi máy bay.
Trong lúc đó, vừa có tin hãng Pfizer hôm 20/10 cho hay họ sẽ tăng giá vaccine COVID-19 lên gấp 4 lần, từ 30 lên 110-130 USD một liều sau khi hợp đồng mua bán với chính phủ Mỹ hết hạn.
Cuộc sống có giữ được bình yên, kinh tế có tiếp tục giữ được đà phục hồi và tăng trưởng, điều ấy đang tùy thuộc rất lớn vào ý thức, thái độ và trách nhiệm của mỗi người đối với cộng đồng.
Hiền An