ClockChủ Nhật, 10/07/2022 08:10

“Giữ cửa” không cho dịch vào nhà

Đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3, mũi 4

Tỉnh ủy vừa yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, Sở Y tế và các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là đẩy nhanh tiến độ tiêm các mũi nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên, nhất là khi tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại lần 1 và 2 trên địa bàn tỉnh khá thấp. Cụ thể, mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) mới chỉ đạt 52,5% và mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4) chỉ đạt khoảng 3,5% (tính đến cuối tháng 6/2022), trong khi tình hình dịch COVID-19 dù cơ bản được kiểm soát, nhưng số ca mắc mới được ghi nhận tăng trở lại ở một số tỉnh, thành trong cả nước. Và nhất là khi biến thể phụ của Omicron là BA.5 và BA.4 tiếp tục có xu hướng tăng lên trên toàn cầu và đã xâm nhập vào Việt Nam cuối tháng 6 vừa qua. Đây cũng là biến thể được ghi nhận có thể gây bệnh đối với những người từng nhiễm các biến thể trước đó của Omicron.

Theo một tổng hợp từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện tại có 7 nghiên cứu về hiệu quả mũi 4 vắc-xin phòng COVID-19. Trong đó, 6 nghiên cứu từ Israel và 1 nghiên cứu từ Canada. Tất cả đều được tiến hành trong thời gian mà Omicron là biến thể lưu hành phổ biến trên toàn cầu. Mặc dù các nghiên cứu khác nhau về thiết kế và dân số được điều tra, nhưng hầu hết đều đánh giá mũi 4 vắc-xin phòng COVID-19 là có hiệu quả.

Cụ thể, trong số 7 nghiên cứu điều tra việc sử dụng liều vắc-xin mRNA COVID-19, có 2 nghiên cứu được thực hiện trên nhân viên y tế ở Israel. Kết quả của nghiên cứu thứ nhất cho thấy, vắc-xin đã kích hoạt một phản ứng miễn dịch mạnh mẽ (cả kháng thể IgG và kháng thể trung hòa) đều tăng gấp 9 hoặc 10 lần và không gây ra tác dụng phụ nào lớn cho đối tượng nghiên cứu. Nghiên cứu thứ hai đã khảo sát những trường hợp nhiễm COVID-19 sau tiêm vắc-xin ở những nhân viên y tế được tiêm 3 mũi vắc-xin Pfizer-BioNTech và đưa ra so sánh với những người được tiêm mũi 4 vắc-xin này. Kết quả cho thấy, ở những người được tiêm mũi 4 đã giảm tỷ lệ mắc COVID-19 sau tiêm vắc-xin so với tỷ lệ được quan sát thấy chỉ sau mũi 3 của vắc-xin này.

Trong số 5 nghiên cứu còn lại, tất cả đều được thực hiện ở những người trên 60 tuổi, không bao gồm những người đã nhiễm COVID-19 trước đó đã cho thấy mũi 4 vắc-xin có hiệu quả… Thông tin này được một số CDC của các tỉnh, thành đăng ở trang thông tin điện tử ngành và tuyên truyền đến người dân.

Đó cũng là lý do Chính phủ, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tiến hành các biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm nhắc lại các mũi vắc-xin phòng COVID-19 lần 1, 2 (tức mũi 3, 4) để hạn chế đến mức thấp nhất các ca nhiễm bệnh, nhất là trong bối cảnh tỷ lệ tiêm hai mũi nêu trên đạt rất thấp ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. (Tính đến cuối tháng 6, cả nước mới chỉ tiêm được khoảng hơn 3.831.00 mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4), chỉ đạt tỷ lệ khoảng 5,7%).

Lý do thì được nhắc đến nhiều, như người dân né tránh, ngại tiêm hoặc cho rằng có thể sẽ “sương mù nhớ”... Song, có thể nhìn nhận một thực tế là công tác tuyên truyền chưa quyết liệt nên vẫn còn tâm lý chủ quan, ỷ lại về các mũi đã tiêm trước đó. Trước biến chủng mới này, có lẽ ngoài vận động, tuyên truyền cũng nên có “pháp lệnh” trước tiên là với cán bộ, đảng viên thì việc tiêm phòng các mũi nhắc lại mới đạt tỷ lệ như mong đợi. Và hơn hết, đó mới là cách “giữ cánh cửa” không cho dịch vào nhà. Chỉ có như thế, đời sống của người dân mới ổn định, kinh tế - xã hội mới phát triển.

TÂM HUỆ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng hiệu quả chăm sóc và điều trị trong lĩnh vực Nhi khoa

Ngày 1/11, hội nghị Nhi khoa toàn quốc lần thứ 25 khai mạc với chủ đề “Từ khoa học đến chính sách và thực tiễn”. Hội nghị có sự tham dự của UVTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND Tỉnh Nguyễn Thanh Bình; ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Bà mẹ Trẻ em, Bộ Y tế; PGS.TS. Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, Chủ tịch hội Nhi khoa Việt Nam; PGS.TS Trần Kiêm Hảo, Giám đốc sở y tế cùng hàng trăm bác sĩ, chuyên gia trong ngoài nước, nhà quản lý, hội viên Hội Nhi khoa Việt Nam…

Tăng hiệu quả chăm sóc và điều trị trong lĩnh vực Nhi khoa
Hướng đến Trung tâm Công nghệ sinh học Quốc gia miền Trung

Đó là mục tiêu của Đại học Huế. Điều này không chỉ tăng vai trò, vị thế của Viện Công nghệ sinh học nói riêng, của Đại học Huế nói chung mà cả thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian đến. Để hiểu rõ hơn về định hướng, các giải pháp thực hiện và vai trò của trung tâm trong tương lai, Thừa Thiên Huế Cuối tuần có cuộc trao đổi với PGS.TS. Trương Thị Hồng Hải, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, Đại học Huế.

Hướng đến Trung tâm Công nghệ sinh học Quốc gia miền Trung
Return to top