ClockChủ Nhật, 11/02/2024 19:09

Ngày xuân hiến máu, trao tình yêu thương

TTH.VN - Không nề hà ngày tết, một số người vẫn đến BVTW Huế hiến máu hiếm, tiểu cầu với tinh thần "Một giọt máu cho đi - Một cuộc đời ở lại”. Không chỉ xây dựng ngân hàng máu, hệ thống danh sách tình nguyện viên cũng được Trung tâm Huyết học Truyền máu thiết lập, sẵn sàng kết nối khi cần.
Nhiều tình nguyện viên ngày tết vẫn tranh thủ vào bệnh viện hiến tiểu cầu/ máu hiếm 

Trao “giọt vàng” cứu người

Nhận được cuộc gọi, anh Lâm Kênh Vĩ tức tốc đến Trung tâm Huyết học – Truyền máu (TTHHTM) Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế dù đang cùng gia đình sum vầy đón tết. Năm ngoái, vào ngày Mùng 1 Tết, anh cũng đi hiến tiểu cầu cho một bệnh nhân cấp cứu. Anh Vĩ chia sẻ: “Mình không kiêng cử việc đến bệnh viện ngày đầu năm mới bởi đi hiến tiểu cầu là làm việc có ích, còn sức khỏe thì còn “cho”. Cứu bệnh nhân đang điều trị khiến cuộc sống có ý nghĩa bội phần. Cũng may mình độc thân nên dễ thu xếp để có thể chạy ù vào BV”.

Ít ai ngờ, người đàn ông làm nghề kinh doanh này đã có 56 lần hiến tiểu cầu nhóm A, trong đó, năm 2023 anh có 22 lần hiến. Anh còn là thành viên của các nhóm kêu gọi hiến máu tình nguyện ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Là người chuyên hiến tiểu cầu, anh Vĩ chọn chế độ tập luyện thể thao đều đặn hàng ngày, không dùng rượu bia, hút thuốc để luôn đảm bảo các tiêu chí đề ra khi đi hiến đột xuất. Ngoài những lần hiến định kỳ, anh còn hiến giúp trường hợp phẫu thuật hoặc kết nối hỗ trợ cho những bệnh nhân khác đang cần.

Cùng vào hiến tiểu cầu ngày tết còn có Châu Viết Lộc, sinh viên năm cuối ngành Y học dự phòng Trường ĐH Y - Dược, ĐH Huế. Gia đình Lộc có 3 người tham gia hiến máu/tiểu cầu gồm mẹ, anh trai và Lộc. Đến nay, chàng trai trẻ người Thủy Biều (TP. Huế) đã có hơn mười mấy lần hiến tiểu cầu. Năm ngoái, ngày 28 Tết Nguyên đán, nhận được cuộc gọi từ TTHHTM, Lộc cũng tức tốc xách xe lên đường. “Là sinh viên ngành y, em hiểu rõ sự quan trọng của tiểu cầu đối với các bệnh nhân mắc bệnh liên quan đến máu. Sống là để cho đi, nên nếu người bệnh cần là em có mặt. Mong một ngày nào đó, người nhà hay bản thân mình cần tiểu cầu sẽ gặp được người hiến kịp thời. Chạy bộ, tập gym rèn luyện cơ thể để có nguồn tiểu cầu tốt, giúp cơ thể người nhận vượt qua cơn nguy kịch”.

Không chỉ hai trường hợp nêu trên, trong sáng 11/2 (Mùng 2 Tết) một số người khác theo lời kêu gọi cũng tình nguyện hiến máu/tiểu cầu ngày xuân, thực hiện nghĩa cử cao đẹp, sẻ chia với người bệnh. Với họ, đây là món quà cuộc sống ý nghĩa được trao đi ngày đầu năm mới. Tết làm điều phúc, tô thắm truyền thống tương thân tương ái của người Việt.

Cán bộ Khoa Truyền máu cấp phát tiểu cầu phục vụ điều trị  

Sẵn sàng “nguồn” cho điều trị, cấp cứu

Một số tỉnh thành xảy ra tình trạng thiếu máu ngày tết khiến bệnh nhân ở lại điều trị phải đợi chờ, nguy hiểm đến tính mạng. Tại TTHHTM, nguồn máu dự trữ vẫn đảm bảo phục vụ điều trị cho 11 đơn vị y tế ở Huế, Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Bình.

Do đặc thù, tiểu cầu chỉ có hạn dùng trong 5 ngày nên dịp Tết Nguyên đán thường có các tình nguyện viên hiến tiểu cầu và nhóm máu hiếm. Việc điều trị chủ yếu trong những ngày tết là các ca tai nạn giao thông, xuất huyết tiêu hóa, bệnh ung thư nặng chưa ra viện được, bệnh mổ tim…

BSCKII Bùi Minh Đức, PGĐ Trung tâm HHTM, Trưởng khoa Truyền máu thông tin: “Tết Quý Mão năm ngoái, từ 30 đến Mùng 6 Tết, đơn vị đã cấp 300 đơn vị hồng cầu khối, 450 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh, 100 tủa lạnh và 61 đơn vị tiểu cầu phục vụ điều trị, cấp cứu. Năm nay, TTHHTM có sự chuẩn bị, chủ động lên kế hoạch dự trữ máu từ sớm nên kho máu luôn sẵn sàng.

Ngày tết, Khoa Truyền máu có 4 cán bộ thường trực. Bên dưới tầng 1, các cuộc điện thoại báo nhu cầu cần truyền từ các khoa phòng reo lên liên tục. Trong khi đó, các cán bộ khoa vừa nghe điện thoại, nhập dữ liệu, xuất phiếu, thực hiện kiểm tra nhóm máu, phản ứng hòa hợp.

Tại Khoa Huyết học lâm sàng, một số bệnh nhân ở lại xuyên tết và nhập viện chủ yếu tập trung ở các bệnh bạch cầu cấp dòng lympho, u lympho không hodgkin, bạch cầu kinh dòng tủy, rối loạn sinh tủy… Riêng bệnh suy tủy xương nặng và bạch cầu cấp cần truyền hồng cầu khối và tiểu cầu khối nhiều lần.

 Truyền tiểu cầu cho một bệnh nhân điều trị nội trú ngày tết tại Khoa Huyết học lâm sàng

Một trong số đó là ông Châu V. H., 58 tuổi, ở Hương Phong (TP. Huế) bị bệnh bạch cầu cấp dòng lympho, thiếu máu và giảm tiểu cầu nặng. Bà Trương T.T., vợ ông H. kể: “Ông bị vàng da, đi viện khắp nơi, từ đầu năm 2024 vào BVTW Huế. Sau khi xét nghiệm các thứ mới phát hiện ra bệnh. Hai vợ chồng không con cái nên tui thường trực nuôi ông. Cứ 2-3 ngày là phải truyền không thôi ông đau lắm, bởi rứa, xác dịnh ăn tết này phải ở lại khoa. Cố gắng vượt qua cơn đau chờ y tá truyền, ông H. nói: “Không biết từ người tốt bụng mô hiến, nhờ tiểu cầu nớ mà tui chiến đấu với bệnh tật mỗi ngày. Tự đáy lòng mình chỉ biết nói lời cảm ơn các ân nhân và cảm ơn các y bác sĩ”.

Phòng bên, mệ Phan T.L. (68 tuổi) ở Quảng Trị vừa vội vàng nhập viện ngày tết vì căn bệnh rối loạn sinh tủy. Mệ L. than: “Trước tết tui được các bác cho truyền máu rồi mới về quê. Ai dè lên cơn đau lại, nhà đơn chiếc nên phải cấp tốc vô bệnh viện, thà ăn tết ở đây còn hơn đau ốm có chi đột xuất không biết nhờ ai. Chừ chỉ có điều trị, ăn, ngủ nghỉ tại đây”. Sự quay trở lại của mệ L.cũng như nhiều BN khác những ngày tết đồng nghĩa với nhu cầu cần thêm tiểu cầu khối để truyền. BS Nguyễn Văn Anh, người trực ở Khoa Huyết học lâm sàng, TTHHTM xem kỹ hồ sơ bệnh án và nhấc máy chuẩn bị kết nối với một tình nguyện viên kêu gọi hiến thêm tiểu cầu.

Không chỉ là nguồn máu dự trữ ở kho bảo quản, các y bác sĩ còn lập sẵn danh sách, số điện thoại những người có thể hiến tiểu cầu hay nhóm máu hiếm nhằm liên hệ kịp thời. Thậm chí cán bộ, nhân viên BVTW Huế thuộc nhóm máu hiến cũng nằm trong diện kích hoạt cuộc gọi trong tình huống khẩn cấp. Có những thời điểm, y bác sĩ điều trị trực tiếp hiến ngay trong ca trực. BS Nguyễn Văn Anh vừa là Bí thư Chi đoàn TTHHTM, Phó Chủ nhiệm Ngân hàng máu sống Cố đô Huế từng có 38 lần hiến tiểu cầu và luôn trong tư thế sẵn sàng chia sẻ máu/ tiểu cầu khi bước vào ca trực. BS Anh bảo: “Tính mạng người bệnh là trên hết. Mình hiến nhiều nên cũng đã quen rồi”!

 Clip hiến tiểu cầu, máu hiếm phục vụ điều trị ngày tết

Bài, ảnh, clip: LINH GIANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếp nhận gần 500 đơn vị máu

Sáng 8/12, Câu lạc bộ Ngân hàng Máu sống Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế tổ chức ngày hội hiến máu “Giọt hồng sẻ chia” lần I năm học 2024 - 2025. Đây là chương trình thường niên được câu lạc bộ tổ chức định kỳ mỗi năm hai lần, tiếp nhận bình quân 400 - 600 đơn vị máu từ các bạn tình nguyện viên.

Tiếp nhận gần 500 đơn vị máu
Kết nối - sẻ chia

Để những tấm lòng thơm thảo có thể đến với những hoàn cảnh khó khăn, những mảnh đời bất hạnh, rất cần có sự kết nối nghĩa tình.

Kết nối - sẻ chia
Sẻ chia vì cộng đồng

Thông qua các phong trào, hoạt động ý nghĩa được triển khai đều đặn hàng tuần, hàng tháng cũng như định kỳ các ngày lễ kỷ niệm, TP. Huế đã huy động nguồn lực giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo và gia đình có hoàn cảnh khó khăn, góp phần lan tỏa yêu thương và sẻ chia vì cộng đồng.

Sẻ chia vì cộng đồng
Thanh niên suy tim hồi sinh nhờ tạng hiến

Trái tim của một chàng trai 24 tuổi đã vượt chặng đường hơn 600km từ Hà Nội vào Huế, “thắp” lên sự sống cho một thanh niên đồng trang lứa suy tim nặng. Đây là ca ghép tim thứ 14 tại Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế và là ca ghép tim xuyên Việt thứ 13 của đơn vị.

Thanh niên suy tim hồi sinh nhờ tạng hiến

TIN MỚI

Return to top