ClockThứ Hai, 16/03/2015 14:48

Nguyên nhân vắcxin dịch vụ trở nên khan hiếm trong năm 2015

TTH.VN - Hiện nay, do việc cung cấp vắcxin 6 trong 1 và 5 trong 1 của một số nhà cung ứng bị gián đoạn nên đã làm cho việc cung ứng dịch vụ tiêm chủng ngoài chương trình tiêm chủng mở rộng không đáp ứng được nhu cầu của nhân dân.

Việc gián đoạn trong cung cấp các vắcxin trên đã gây bức xúc trong dư luận, bởi hiện nay có rất nhiều bậc phụ huynh lùi lịch tiêm chủng của trẻ, với tâm lý cố chờ đến khi có vắcxin dịch vụ. Sự chậm trễ này có thể tạo nguy cơ bùng phát dịch bệnh ở các khu vực này trong khi các vắcxin phòng các bệnh tương tự trong chương trình tiêm chủng mở rộng luôn được Bộ Y tế bảo đảm đầy đủ.

Phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với phó giáo sư Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) về vấn đề này.

Vắcxin dịch vụ: Cung không đủ cầu

- Ông có thể cho biết rõ hơn về cơ chế cung cấp của vắcxin dịch vụ hiện nay?

Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu: Vắcxin cung cấp dịch vụ có đặc điểm là cung cầu theo cơ chế thị trường, nhu cầu của người dân và nhà cung cấp.

Còn vắcxin trong trình tiêm chủng mở rộng nhà nước đảm bảo nguồn cung và được tiêm miễn phí cho toàn bộ trẻ em. Theo luật phòng chống bệnh truyền nhiễm thì trẻ em bắt buộc phải tiêm vắcxin phòng bệnh. Những vắcxin trong trình tiêm chủng mở rộng rất cơ bản, nằm trong kế hoạch cung cầu của nhà nước để phục vụ cho trẻ em.

Hiện nay, với một số loại vắcxin tiêm chủng dịch vụ như vắcxin 6 trong 1 và 5 trong 1 cũng có những vắcxin tương ứng với vắcxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng phòng bệnh bạch hầu ho gà, uốn ván tương ứng là vắcxin Quinvaxem.

Ngoài ra có những vắcxin dịch vụ mà trong chương trình tiêm chủng mở rộng nhà nước chưa có như vắcxin phòng bệnh thủy đậu, quai bị, dại…

- Ông có thể cho biết nguyên nhân tại sao trong năm 2015 việc cung ứng vắcxin dịch vụ lại trở nên khó khăn hơn?

Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu: Vừa qua có hiện tượng thiếu vắcxin cung cấp dịch vụ là do nhà cung cấp sản xuất không cung ứng đủ, đặc biệt thiếu tập trung nhiều nhất là vắcxin 5 trong 1 và 6 trong 1. Nguyên nhân là do nhà sản xuất thay đổi dây chuyền sản xuất, lô sản xuất bị hỏng… dẫn tới hiện tượng thiếu vắcxin.

Năm 2015 chúng tôi đã có thu thập về cơ bản tình trạng vắcxin như dại, thủy đậu có thể cung cấp tương ứng hoặc hơn năm 2014 nhưng vắcxin 6 trong 1 chỉ có khoảng 30.000 liều. Trong khi năm ngoái là 300.000 liều. Như vậy, số lượng vắcxin 6 trong 1 của dịch vụ chỉ bằng 1/10 của năm 2014. Thứ hai là vắcxin Pentaxim 5 trong 1 tương đương. Tổng cộng hai loại vắcxin này của các nhà cung cấp dịch vụ nhập về chỉ khoảng trên 300.000 liều, trong khi đó mỗi trẻ phải tiêm 3 liều vào lúc 2,3,4 tháng tuổi. Như vậy, với số lượng trên, vắcxin dịch vụ sẽ cung ứng được cho tổng cộng chỉ có 100.000 trẻ cho hai loại vắcxin trên. Một số lượng vô cùng nhỏ so với tổng số trẻ em trên toàn quốc phải tiêm chủng. 

 

Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Độ bao phủ vắcxin dịch vụ không cao

- Thưa phó giáo sư, hiện nay, trong một năm Việt Nam có bao nhiêu triệu trẻ em thuộc đối tượng cần phải tiêm chủng để phòng ngừa nhiều loại bệnh khác nhau?

Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu: Hiện nay, Việt Nam có khoảng 1,6 triệu trẻ sơ sinh, trong khi tỷ lệ tiêm chủng của chương trình tiêm chủng mở rộng đạt tỷ lệ trên 95%. Như vậy, sẽ có khoảng 4,5-4,8 triệu trẻ cần phải tiêm liều của bạch cầu, ho gà, uốn ván (mỗi trẻ cần tiêm đủ 3 mũi vắcxin phòng các bệnh này).

Chúng ta cứ làm phép so sánh số lượng 1,6 triệu trẻ của chương trình tiêm chủng mở rộng đáp ứng được và 100.000 trẻ mà vắcxin dịch vụ cung cấp được thì số vắc xin dịch vụ cung cấp được quả là rất ít và quá nhỏ so với yêu cầu tiêm chủng chung của trẻ em Việt Nam.

Về cơ bản, hiện nay tất cả trẻ em được tiêm vắcxin phòng bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó có vắcxin Qiunvaxem, chỉ có một số điểm tiêm vắcxin dịch vụ ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…, nhưng số lượng rất ít. Chính vì vậy, dẫn tới hiện tượng có hiện tượng tâm lý đổ xô đi tiêm dịch vụ. Tôi cho rằng việc phủ vắcxin dịch vụ trong thời gian qua không phải là cao.

- Có nhiều bậc phụ huynh vẫn có ý nghĩ cho rằng có sự khác biệt giữa chất lượng vắcxin dịch vụ và vắcxin tiêm chủng mở rộng. Họ cho rằng và tin tưởng vắc xin dịch vụ tốt hơn nên tìm mọi cách để chờ đợi tiêm cho con vắc xin dịch vụ. Xin ông cho biết ý kiến của Bộ Y tế về vấn đề này?

Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu:
Tôi khẳng định không có sự khác biệt giữa chất lượng hai loại vắcxin dịch vụ và vắcxin tiêm chủng mở rộng. Thực tế đã chứng minh có 1,6 triệu trẻ được tiêm chủng mở rộng. Vắcxin là loại thuốc đặc biệt đã được kiểm định bởi Tổ chức y tế Thế giới (WHO) và các cơ quan chức năng quản lý về y tế của Việt Nam. Vấn đề thực tế khi tiêm vắcxin tiêm chủng mở rộng hiệu quả.

Vừa qua, có tình trạng một số trẻ vì không tiêm vắcxin phòng bệnh đã mắc ho gà. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh không nên vì tâm lý nào đó mà cho rằng vắcxin tiêm chủng mở rộng không tốt bằng vắcxin dịch vụ, điều này là cực kỳ nguy hiểm.

- Trước thực trạng vắcxin dịch vụ trở nên “khan hiếm” trong năm 2015, Bộ Y tế đã có những phương án gì?


Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu: Trước tình hình trên, ngay từ đầu năm 2015, Bộ Y tế đã có yêu cầu nhà sản xuất phải công bố số lượng vắcxin có thể cung ứng được trong năm 2015 để thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết. Kết quả cho thấy, loại vắcxin tiêm chủng dịch vụ như vắcxin 6 trong 1 và 5 trong 1 chỉ đáp ứng được 100.000 trẻ trong khi Việt Nam có tới 1,6 triệu trẻ.

Thứ hai, Bộ Y tế yêu cầu các điểm tiêm chủng dịch vụ nếu không cung cấp đủ vắcxin mà vắcxin đó lại có trong tiêm chủng mở rộng thì các điểm tiêm dịch vụ phải tiêm vắcxin tương đương đang có chương trình tiêm chủng mở rộng và vắcxin này sẽ được tiêm miễn phí cho trẻ. Điều này khiến các điểm tiêm chủng dịch vụ vất vả hơn nhưng Bộ Y tế đưa ra quyết định trên để đảm bảo quyền lợi của trẻ em.

Tại các điểm tiêm chủng dịch vụ, nhân viên y tế đồng thời giải thích cho người dân đưa trẻ đi tiêm chủng mở rộng an toàn để người dân tiếp cận đến tận điểm như vậy để trẻ em được tiêm đúng lịch.

Theo Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyển giao các kỹ thuật mới cho Trung tâm y tế Phú Lộc

Chiều 21/12, ThS.BS Lê Viết Cường, Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) Phú Lộc thông tin, ca bệnh được các chuyên gia Bệnh viện Trường ĐH Y - Dược (BVTĐHYD), ĐH Huế, cắt Amydale gây mê hiện sức khỏe ổn định, tiên lượng sẽ xuất viện vào ngày 24/12 tới.

Chuyển giao các kỹ thuật mới cho Trung tâm y tế Phú Lộc
Kiểm soát bệnh sởi, khuyến khích tiêm vắc-xin dự phòng

Trên địa bàn tỉnh ghi nhận hơn 20 ca sốt phát ban nghi sởi và 10 ca mắc bệnh sởi xác định. Điều kiện thời tiết hiện nay là môi trường thuận lợi cho nhiều dịch bệnh phát triển; dự báo các ca bệnh sẽ tăng trong những ngày tới.

Kiểm soát bệnh sởi, khuyến khích tiêm vắc-xin dự phòng
Return to top