Thực hiện đề án Chăm sóc người cao tuổi ở TP. Huế
Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt
Với đặc thù ở địa phương, Thừa Thiên Huế có kế hoạch, giải pháp tích cực thực hiện công tác DS-KHHGĐ. Nổi bật là công tác truyền thông được phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, thông qua nhiều nội dung, hình thức phù hợp, góp phần nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của người dân. Trong đó, quan tâm nhiều đến các đối tượng khó tiếp cận ở những vùng đặc thù, đối tượng học sinh, sinh viên. Hàng năm, Thừa Thiên Huế triển khai các chiến dịch lồng ghép chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) đến vùng sâu, vùng xa, kịp thời cung cấp dịch vụ KHHGĐ, các phương tiện tránh thai hiện đại cho đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ.
Chi cục DS-KHHGD tỉnh, Sở Y tế, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các đề án, mô hình về DS-KHHGĐ, như kiểm soát dân số vùng biển và ven biển; sàng lọc trước sinh và sơ sinh; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân; chăm sóc SKSS vị thành niên, thanh niên; chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng... Quá trình thực hiện các đề án, mô hình, Thừa Thiên Huế chú trọng đến mô hình cụm dân cư “Không sinh con thứ 3 trở lên” thông qua việc tổ chức ký cam kết giữa các ban, ngành, đơn vị, địa phương. Gần đây, Chi cục phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh đẩy mạnh truyền thông, xây dựng các câu lạc bộ (CLB) “Không sinh con thứ 3 trở lên” tại các khu công nghiệp Phong Điền, Phú Bài, Phú Lộc... Hàng năm, các đơn vị, địa phương được tiến hành phúc tra đề nghị công nhận đạt chuẩn mô hình cụm dân cư, CLB không có người sinh con thứ 3 trở lên trong thời gian 3 năm và 5 năm. Đến nay, toàn tỉnh xây dựng, duy trì hoạt động 1.038/1291 cụm dân cư, CLB không sinh con thứ 3 trở lên.
Từ các hoạt động trên, các chỉ tiêu về công tác DS-KHHGĐ ở Thừa Thiên Huế năm sau tích cực hơn năm trước. Năm 2017, các chỉ tiêu đề ra đều đạt và vượt, như: giảm sinh đạt 0,2% (đạt kế hoạch); tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm 0,4% so với năm 2016 (hiện ở mức 14,1%); tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh là 113,2 bé trai/100 bé gái, vượt chỉ tiêu kế hoạch… Quy mô gia đình có 1 hoặc 2 con ngày càng phổ biến. Nhịp độ gia tăng dân số nhanh cơ bản được khống chế. Chất lượng dân số được nâng lên, tuổi thọ trung bình được nâng cao.
Vẫn mỗi gia đình nên có 2 con
Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), liên quan đến chính sách dân số, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển; chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ gắn bó hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia. Xem công tác dân số và phát triển là nhiệm vụ của toàn dân; đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững. Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách, đồng thời đẩy mạnh xã hội hoá; tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ của quốc tế, bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số".
|
Hiện nay, ngoài công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân, công tác dân số được mọi người dân quan tâm; nhất là vừa qua Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) có đề cập, chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển.
Bác sĩ CK II Tôn Thất Chiểu, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: "Nội dung của Hội nghị Trung ương 6 vừa qua là tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có hai con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh và nuôi dạy con tốt để duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước, với quy mô dân số hợp lý (khoảng 104 triệu người vào năm 2030). Tập trung ưu tiên vận động sinh ít con hơn ở vùng có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế; sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp…
Theo bác sĩ Tôn Thất Chiểu, nội dung dân số được Trung ương đề cập phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Bởi khi chất lượng dân số được quan tâm, có nghĩa là nâng cao thể chất, tinh thần và trí tuệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực - yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển. Vấn đề này, nhiều năm qua ở Thừa Thiên Huế quan tâm thực hiện như hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách; phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dân số thông qua các đề án, mô hình, như kiểm soát mất cân bằng giới tính, sàng lọc trước sau sinh, tư vấn tiền hôn nhân, tư vấn chăm sóc người cao tuổi…
Hiện nay, công tác DS-KHHGĐ ở Thừa Thiên Huế vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức về tình trạng mất cân bằng giới tính khó kiểm soát; chất lượng dân số chưa cao, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn... Bác sĩ Tôn Thất Chiểu cho biết, hiện nguồn kinh phí thực hiện công tác DS-KHHGĐ còn hạn chế. Song, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh tiếp tục chủ động cân đối nguồn ngân sách địa phương và huy động, đẩy mạnh thực hiện xã hội hoá về công tác DS-KHHGĐ, với quy mô gia đình có 1-2 con; thực hiện các đề án của tỉnh về chăm sóc, bảo vệ người cao tuổi, bà mẹ, trẻ em giai đoạn 2017-2020 và 2017-2025… nhằm nâng cao chất lượng dân số trong thời gian đến.
Bài, ảnh: Khánh Quan