Thứ Năm, 24/06/2010 13:20
(GMT+7)
Làm sao biết cơ thể bị thiếu nước?
TTH - Mùa hè nóng nực, ra nhiều mồ hôi nên tôi uống khá nhiều nước. Nhưng tôi nghe nói thiếu nước và uống quá nhiều nước đều không tốt cho sức khỏe. Vậy làm thế nào để biết cơ thể thiếu nước và nên uống nước thế nào để phòng tránh thiếu nước, thưa bác sĩ? Đỗ Mai Hiên (Hà Nội)
Nước chiếm khoảng 60-70% trọng lượng cơ thể, trong đó não chứa 85% nước, máu 92%, dịch dạ dày 95%, cơ bắp 75%, xương 22%, răng 10%...
Để biết cơ thể thiếu nước bạn dựa vào các dấu hiệu sau: nếu thiếu nước nhẹ và vừa sẽ thấy cơ thể mệt mỏi, buồn ngủ, đi tiểu ít, táo bón; da khô, ngứa; chảy máu mũi vì niêm mạc khô, mạch máu dễ tổn thương; nhức đầu, chóng mặt, cơ bắp mềm yếu; dễ bị viêm miệng, họng, đường hô hấp... Trường hợp thiếu nước trầm trọng sẽ dẫn đến hạ huyết áp, tim đập nhanh, tiểu tiện ít; miệng khô, rất khát nước; da, không có mồ hôi; mắt khô và sưng đau, cơ thể mất thăng bằng...
Để phòng tránh thiếu nước cần biết cách uống nước cho đúng. Thông thường nhiều người cứ thấy khát mới uống nước. Nhưng ở người cao tuổi hay khi mắc một số bệnh, cảm giác khát giảm hay không thấy khát trong khi cơ thể vẫn đang thiếu nước.
Do đó chúng ta cần uống nước thường xuyên, không nên để khát rồi mới uống. Tập thói quen uống nước vào những khoảng thời gian đều đặn. Tuy nhiên nếu uống quá nhiều nước lại có hại trong các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, phù, bệnh thận; không nên uống nhiều nước trước bữa ăn vì nước sẽ làm loãng dịch dạ dày, gây rối loạn tiêu hóa. Việc uống nước đúng, đủ sẽ giúp bảo vệ sức khoẻ, phòng chống bệnh tật, ngăn chặn quá trình lão hoá.
BS. Phạm Phú Vinh
Theo SK&ĐS