ClockThứ Tư, 25/09/2019 07:00

Phòng ngừa sốt xuất huyết cho học sinh

TTH - Trước tình hình sốt xuất huyết (SXH) đang gia tăng, hiện nay ngoài công tác giám sát, phòng ngừa ở khu vực dân cư... các cơ sở trường học đã được các đơn vị, ban ngành chức năng ở Thừa Thiên Huế chú trọng phòng ngừa.

Nam Đông khống chế dịch sốt xuất huyết tại hộ gia đìnhÁp dụng nhiều biện pháp khống chế sốt xuất huyết bùng phát

Phun thuốc phòng ngừa sốt xuất huyết tại các trường học ở huyện Phong Điền

Đảm bảo môi trường học tập tốt

Với 2/46 trường hợp học sinh mắc SXH ở huyện Phong Điền từ đầu năm 2019 đến nay là con số nói lên sự chủ động phòng ngừa dịch bệnh khá tốt ở địa phương này. Tuy vậy, trong thời điểm thời tiết mưa nắng thất thường hiện nay, huyện Phong Điền không chủ quan với bệnh SXH, nhất là các cơ sở trường học.

Bác sĩ Cao Thuyết, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV, Bệnh viện Phong Điền cho biết, với chỉ đạo của ban ngành cấp trên, đơn vị phối hợp với Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện triển khai phun hóa chất diệt muỗi ở các trường học trước năm học mới; đồng thời đẩy mạnh công tác tập huấn, truyền thông gián tiếp, trực tiếp giúp đội ngũ giáo viên, học sinh cập nhật kiến thức phòng ngừa, khống chế SXH.

"Hiện nay Phong Điền tiếp tục mở chiến dịch lồng ghép tư vấn, truyền thông phòng chống SXH trong các buổi chào cờ, sinh hoạt ngoại khóa cho học sinh trên 64 điểm trường toàn huyện, trong đó chú trọng giám sát các địa bàn nguy cơ cao, như Phong Mỹ, Điền Môn, Phong An, Phong Hải và thị trấn Phong Điền - nơi đã có SXH xảy ra gần đây". Bác sĩ Cao Thuyết nói.

Trước tình hình bệnh SXH gia tăng, các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Hương Thủy... chỉ đạo các trường học phối hợp ngành y tế tổ chức vận động, tuyên truyền giúp học sinh nắm vững kiến thức phòng ngừa dịch bệnh. Trong những tuần đầu tháng 9 này, hầu hết các trường tổ chức cho học sinh vệ sinh môi trường, giáo dục hỗ trợ các kỹ năng vệ sinh phòng dịch, thân thể, đảm bảo việc ăn chín, uống sôi... Với giáo viên, khi phát hiện học sinh có biểu hiện nghi ngờ SXH cần thông báo cho cơ sở y tế trên địa bàn để kịp thời điều tra xử lý, không để bệnh kéo dài, lây lan.

Hiện, thị xã Hương Thủy chưa phải là điểm nóng SXH như  huyện Phú Lộc, Phú Vang, Nam Đông... nhưng địa phương này nghiêm túc thực hiện sự chỉ đạo cấp trên đẩy mạnh tuyên truyền và ra quân diệt loăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại trường học có nguy cơ cao; xây dựng đội ngũ cộng tác viên, cán bộ chuyên trách các tuyến giúp người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch.

"Đầu năm 2019 đến nay, Hương Thủy xảy ra gần 100 trường hợp. Hy vọng, với quyết tâm cao, địa phương sẽ không để dịch lây lan, đảm bảo môi trường cho học sinh học tập tốt". Bác sĩ CK I Trần Thị Thúy Hằng, Phó Giám đốc TTYT thị xã Hương Thủy cho biết.

Phối hợp phòng ngừa

Đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 970 trường hợp mắc SXH, không có trường hợp tử vong. Đây là con số đáng quan tâm vì tăng hơn 5 lần so với năm 2018; trong đó, tỷ lệ học sinh dưới 15 tuổi mắc SXH gần đây chiếm khoảng 25%.

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Quang Hợp, Trưởng khoa Phòng chống các bệnh lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh cho biết, nhận định tình hình SXH có xu hướng gia tăng trên địa bàn, đơn vị đã tham mưu Sở Y tế quan tâm phối hợp chỉ đạo các địa phương có SXH tăng cao; trong đó, có các trường học nhằm khống chế, không để lây lan thành dịch.

Trước và sau dịp khai giảng đến nay, các huyện, thị xã tổ chức ra quân thực hiện chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy phòng chống dịch SXH và hiện vẫn duy trì vào dịp cuối tuần. Cùng với đó, ban ngành chức năng liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát chỉ số véc tơ truyền bệnh các địa bàn, khu vực trường học có nguy cơ cao để phòng ngừa hiệu quả.

Tại huyện Phú Vang, ngành y tế yêu cầu trường học ở địa bàn đông dân, như Vinh Thanh, Phú Đa, thị trấn Thuận An... xây dựng kế hoạch phối hợp tăng cường thông tin, giáo dục nâng cao nhận thức cho học sinh phòng ngừa SXH. Cô Hoàng Thị Phương Thảo, Hiệu trưởng Trường tiểu học Số 2 Vinh Thanh (Phú Vang) chia sẻ, thông qua các buổi truyền thông do ngành y tế huyện tổ chức đã giúp tạo cho cán bộ giáo viên, học sinh chủ động trong phòng ngừa SXH và học sinh trở thành tuyên truyền viên cho gia đình, nơi công cộng về phòng ngừa các bệnh dịch khác.

Đại diện lãnh đạo CDC tỉnh cho biết, chủ động giám sát phòng ngừa, khống chế SXH là giải pháp tối ưu của ngành chức năng hiện nay. Tuy nhiên để đạt được hiệu quả phòng ngừa cao nhất, cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền, ban ngành đoàn thể, địa phương, trường học với phương châm: "Không có loăng quăng không có SXH"...

Bài, ảnh: Tâm Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trò đến lớp, thầy vui!

Bên cạnh dạy học, thầy cô giáo ở vùng cao A Lưới còn phụ trách thêm công tác vận động học sinh đến trường. Thấy học sinh nghỉ học dài ngày, có nguy cơ bỏ học, sau giờ dạy, giáo viên lại tìm đến nhà tìm hiểu, động viên, nhắc nhở. Niềm vui giản dị của các nhà giáo nơi đây là được thấy học sinh trở lại trường.

Trò đến lớp, thầy vui

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top