|
Lấy máu gót chân sàng lọc cho trẻ tại Trung tâm Y tế Phú Vang |
Phát hiện bệnh, can thiệp sớm
Vừa mới sinh con tại Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) Trung tâm Y tế (TTYT) Quảng Điền, chị Lê Thương Hồng Phương được các y, bác sĩ hướng dẫn chăm sóc, cho con bú bằng sữa mẹ và tư vấn về sàng lọc sơ sinh. Sau khi bàn bạc với chồng, chị đồng ý lấy mẫu máu gót chân của con. Anh Hoàng Văn Thoại, chồng chị Phương chia sẻ: “Vợ chồng em đọc thông tin khá nhiều để học cách làm cha mẹ. Trước sinh, vợ chồng em cũng sàng lọc các thông số cần thiết theo dõi thai kỳ. Sau sinh thì sàng lọc cho con nhằm tránh các bệnh thường gặp và chăm sóc con tốt hơn”.
Khoa CSSKSS TTYT Quảng Điền có 2 bác sĩ và 7 nữ hộ sinh; các nữ hộ sinh đều được đào tạo tư vấn kỹ thuật lấy máu gót chân cho trẻ. Trong 7 tháng đầu năm 2024, có 265 bà mẹ đến sinh và được tư vấn sàng lọc sớm. Do điều kiện kinh tế và một số bà mẹ đã sàng lọc tổng quát trong thời kỳ mang thai nên số đăng ký sàng lọc sơ sinh 7 tháng đầu năm là 168 trẻ, đạt khoảng 65%.
BS. Hoàng Thế Phương, Trưởng Khoa CSSKSS thông tin: “Các bà mẹ sau sinh ở khoa đều được tư vấn 100% về lấy máu gót chân nhằm làm các xét nghiệm cần thiết cho em bé. Qua sàng lọc, chúng tôi phát hiện 2 trẻ có vấn đề về thiếu men G6PD, bệnh suy giáp trạng bẩm sinh nên đã tư vấn gia đình can thiệp, điều trị sớm. Hiện nay, các bà mẹ đều nhận thức được vai trò quan trọng của sàng lọc sơ sinh. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế vùng nông thôn nên tỷ lệ đồng ý thực hiện sàng lọc vẫn chưa cao”.
Ngay từ đầu năm, TTYT Quảng Điền đã hợp đồng với Trung tâm Sàng lọc Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, Trường đại học Y Dược, Đại học Huế về việc lấy máu gót chân cho trẻ. TTYT huyện thực hiện hai gói sàng lọc về bệnh thiếu men G6PD, bệnh suy giáp trạng bẩm sinh và gói rối loạn chuyển hóa. Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh trước sinh và sơ sinh trên địa bàn huyện tiếp tục được triển khai rộng rãi về công tác truyền thông, tư vấn tại TTYT huyện và trạm y tế các xã. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện có khoảng 350 trẻ/550 trẻ được sàng lọc, trong số này gần 140 trẻ sàng lọc đủ 5 bệnh thuộc gói cơ bản.
Trong khi đó, tại huyện Phú Vang, 7 tháng đầu năm đã có 475/696 trẻ sơ sinh tham gia sàng lọc (đạt 68,2% kế hoạch năm). Qua sàng lọc, có 24 trẻ phát hiện nghi ngờ yếu tố nguy cơ cao đã được tư vấn và tiếp tục tham gia khám chẩn đoán, phát hiện được 2 trẻ tim bẩm sinh. Theo BS. Dương Hữu Đức, Phó Trưởng phòng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, TTYT Phú Vang đã xây dựng kế hoạch theo giai đoạn và hàng năm về chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh, giao chỉ tiêu cụ thể cho các đơn vị; thực hiện xã hội hóa sàng lọc sơ sinh; đảm bảo nhân lực để thực hiện việc lấy máu gót chân trẻ sơ sinh...
Tăng truyền thông, nâng cao năng lực
Hiện có hai chương trình sàng lọc sơ sinh, hoặc theo nhu cầu (có đóng phí, xã hội hóa) hoặc miễn phí (2 bệnh: thiếu men G6PD và suy giáp bẩm sinh) theo đề án của Cục Dân số giao. Tuy nhiên, mẫu miễn phí năm 2024 hiện chưa có để đáp ứng cho một số đối tượng khó khăn; kinh phí cho chương trình trong lĩnh vực dân số giảm, cộng với việc người dân chưa hiểu hết về lợi ích của việc tầm soát sàng lọc sơ sinh, nên phần nào ảnh hưởng đến quá trình vận động thực hiện.
Toàn tỉnh đặt mục tiêu tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 60% trong năm 2024 và công tác này được duy trì tại 100% địa phương cấp xã của tỉnh. Từ đầu năm đến nay, công tác sàng lọc sơ sinh đã đạt tỷ lệ 66,5% trên địa bàn tỉnh. Qua đó, 4.215 trẻ đã được sàng lọc sơ sinh; phát hiện 219 trẻ nghi ngờ nguy cơ cao về thiếu men G6PD, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, tim bẩm sinh, khiếm thính bẩm sinh và rối loạn chuyển hóa đường galactose… Tất cả các trường hợp này đều được tư vấn tham gia xét nghiệm xác định bệnh, hiện có 2 ca được chẩn đoán xác định bệnh tim bẩm sinh và 2 ca được chẩn đoán xác định bệnh thiếu men G6PD.
Nhằm nâng cao năng lực, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh còn tổ chức lớp tập huấn kỹ năng truyền thông, các bệnh, tật bẩm sinh được tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh, sơ sinh và quản lý chương trình sàng lọc trước sinh, sơ sinh cho 141 nữ hộ sinh tuyến xã. Tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật lấy máu ngón tay thai phụ, mẫu máu gót chân trẻ sơ sinh và quản lý chương trình sàng lọc trước sinh, sơ sinh cho 27 nữ hộ sinh tuyến huyện.
ThS.BSCKII. Phan Đăng Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh cho biết: “Gia đình nào cũng mong muốn con của mình sinh ra bình thường, khỏe mạnh. Nhờ sàng lọc, cán bộ y tế phát hiện khuyết tật, dị tật rối loạn chuyển hóa… ở trẻ, giảm số trẻ em khuyết tật, góp phần cải thiện cuộc sống của trẻ về sau. Hiện nay chương trình sàng lọc sơ sinh có nhiều thuận lợi, qua đó phát hiện bệnh ở trẻ để điều trị sớm, góp phần thiết thực trong những nỗ lực nâng cao chất lượng dân số”.
Bài, ảnh: L. TUỆ