Theo Phó giáo sư Trần Văn Thuấn, Phó giám đốc Bệnh viện K, ung thư cổ tử cung là loại thường gặp ở phụ nữ nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, theo thống kê tỷ lệ mắc bệnh này ở chị em là 13,6 ca trên 100.000 người. Tỷ lệ người đến khám ở giai đoạn muộn là 54%
Việc điều trị phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, đối với ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm điều trị chủ yếu bằng phẫu thuật. Bệnh nhân ở giai đoạn muộn điều trị bằng tia xạ đơn thuần hoặc phối hợp với hóa chất.
Tỷ lệ điều trị khỏi ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm là 90%, nhưng tỷ lệ chữa khỏi chung cho mọi giai đoạn ung thư cổ tử cung chỉ đạt được 60%. Ung thư cổ tử cung là loại tiến triển chậm bệnh tiến triển qua nhiều năm. Giai đoạn sớm của bệnh thường không có triệu chứng, khi bệnh tiến triển có thể thấy ra máu bất thường âm đạo. Ở giai đoạn muộn hơn nữa, chị em có thể thấy đau vùng khung chậu, đái máu, dò đường âm đạo- tiết niệu
Vì thế, sàng lọc phát hiện sớm mang lại hiệu quả điều trị cao. Bệnh có tỷ lệ mắc cao hơn ở những người có quan hệ tình dục sớm, nhiều bạn tình, có nhiều con...
Phòng và phát hiện sớm
Chị em cần hạn chế các yếu tố nguy cơ gây bệnh và tham gia các chương trình sàng lọc phát hiện bệnh sớm qua khám phụ khoa và làm phiến đồ âm đạo.
Phiến đồ âm đạo (Pap test) là một xét nghiệm đơn giản để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, nhờ đó cho phép điều trị sớm, ngăn ngừa ung thư phát triển. Những tế bào thu thập được từ lớp bề mặt của cổ tử cung và phết lên phiến kính để nhìn dưới kính hiển vi cho phép phát hiện mọi hiện tượng bất thường.
Phụ nữ nên làm xét nghiệm này không lâu sau khi bắt đầu có quan hệ tình dục. Làm xét nghiệm này ít nhất 2 năm một lần và duy trì trong suốt cả cuộc đời.
Những nơi phụ nữ có thể đến làm phiến đồ:
Các bệnh viện chuyên khoa ung thư.
Các bệnh viện sản - phụ khoa.
Các trung tâm dịch vụ về dân số và kế hoạch hóa gia đình.
Theo Phương Trang/VnExpress