Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương chủ trì cuộc họp
Tại cuộc họp, các ngành, địa phương và thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đã báo cáo, thảo luận về các nội dung: truyền thông phòng chống dịch COVID-19; đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin; tầm soát chặt chẽ F1, F2 và các vùng phong tỏa; nhu cầu tập huấn và sử dụng test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 trong cộng đồng; củng cố các chốt kiểm soát sau bão Conson; cấp mã QR cho công chức, viên chức, người dân; chính sách đối với nhân viên y tế phơi nhiễm SARS-CoV-2 ở các mức nguy cơ.
Một số vấn đề khác được đưa ra thảo luận là tăng cường kiểm soát các quy trình cách ly tập trung tại các T và giám sát tại nhà đối với các công dân có yếu tố dịch tễ; quản lý chặt chẽ người dân ở các khu phong tỏa, giãn cách; nâng cao kỹ năng lấy mẫu xét nghiệm và truy vết cho lực lượng y tế cơ sở và nâng cao kỹ năng cho các tổ phòng chống dịch cộng đồng.
Xác định tình hình dịch bệnh có nhiều nguy cơ lây lan cao từ nhóm người về giám sát tại nhà sau khi hoàn thành thời gian cách ly, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương yêu cầu các ngành chức năng, các địa phương tuân thủ nghiêm ngặt chu kỳ xét nghiệm người hoàn thành cách ly về giám sát tại nhà và tuyệt đối không chủ quan việc tiếp nhận và quản lý người về giám sát tại nhà.
Phổ biến test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2
Không lạm dụng xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 nhưng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh xác định phương pháp xét nghiệm này là một chiến lược quan trọng hỗ trợ việc tầm soát và “định vị” F0 trong tình hình hiện nay. Với chủ trương sẽ phổ biến rộng rãi xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2, người dân cần ra quầy thuốc là có, Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh COVID-19 tỉnh giao Sở Y tế chủ trì việc hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật sử dụng test nhanh kháng thể SARS-CoV-2. Đồng thời, yêu cầu các địa phương cấp huyện có nhu cầu phải đăng ký mua số lượng cụ thể tại Sở Y tế để chuẩn bị nguồn cung.
Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân vùng phong tỏa
“Trước đây, chúng ta không khuyến khích cộng đồng tự thực hiện xét nghiệm này do nhiều yếu tố rủi ro. Nhưng với tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, thì phương pháp xét nghiệm nhanh vô cùng ý nghĩa, giảm áp lực đáng kể cho ngành y tế”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh.
Tăng tốc độ tiêm chủng nhanh nhất có thể
Sáng 13/9, UBND tỉnh đã có quyết định phân bổ 40.000 liều vắc-xin AstraZeneca phòng chống COVID-19 cho các đơn vị, địa phương trong tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có gần 42.000 người đã được tiêm 1 mũi vắc-xin phòng COVID-19 và gần 50.000 người đã tiêm 2 mũi. Với nguồn vắc-xin mới phân bổ, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị và các địa phương tăng tốc tiến độ tiêm chủng, vắc-xin về đến đâu tiêm hết đến đó. Đồng thời, triển khai tiêm hết cho toàn bộ lực lượng công chức, viên chức và người lao động ở các cơ quan trong tỉnh, kể cả cơ quan trung ương đóng trên địa bàn. Trong số này, dành cơ số lớn vắc-xin để tiêm cho lực lượng sản xuất, đảm bảo không đứt gãy chuỗi sản xuất.
Hỗ trợ ngành y tế địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng trong thời gian nhanh nhất có thể, Bệnh viện Trung ương Huế và Trường đại học Y Dược (Đại học Huế) cũng đồng thuận việc sẵn sàng lực lượng y tế phục vụ công tác tiêm chủng bất cứ lúc nào.
Liên quan đến hoạt động giáo dục đảm bảo an toàn phòng chống dịch, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, tỉnh sẽ theo dõi tình hình dịch bệnh thêm 1 tuần nữa để có thể đưa ra quyết sách chung trong toàn tỉnh. Quan điểm của tỉnh là tạo điều kiện để những địa phương an toàn có thể từng bước triển khai việc dạy-học trực tiếp.
Riêng với khối đại học, lãnh đạo tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi để Đại học Huế có thể đón sinh viên năm 1 và sinh viên năm cuối về trường. Đại học Huế tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan để tầm soát chặt chẽ các nhóm sinh viên có liên quan đến vùng dịch.
Đồng Văn