ClockThứ Sáu, 12/04/2019 05:45

Tăng tỷ lệ mua bảo hiểm y tế cho học sinh: Vận động từ phụ huynh

TTH - Vẫn còn trên 14.380 học sinh, sinh viên (HS-SV) chưa tham gia mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Điều này dẫn đến luật không được thực thi nghiêm túc, khó khăn hơn khi nhiều gia đình phải đổ nợ khi con bị bệnh mà không có thẻ BHYT.

Thẻ BHYT 2019: Các qui định cần biết khi khám, chữa bệnh

Chăm sóc răng miệng cho học sinh Trường tiểu học Phú Mậu (Phú Vang)

Giáo viên mua thẻ BHYT cho HS

Mẹ của em N.H, học sinh lớp 7 Trường T.X đến “cầu cứu” nhà trường vì con chị không có thẻ BHYT. Em bị tai nạn giao thông phải nằm điều trị dài ngày, gia đình chị khánh kiệt. Chị kể, mình đã sai khi cô chủ nhiệm năm lần, bảy lượt nhắc chị mua thẻ BHYT cho con, khó khăn quá thì cứ trả dần cũng được nhưng chị vẫn phớt lờ. Khi xảy ra cơ sự mới phải ngược xuôi gõ cửa các nhà hảo tâm để xin hỗ trợ.

Về một số trường THCS trên địa bàn TP. Huế, tôi cứ có cảm giác bất an. Nhiều trường có đến trên 50 học sinh không mua thẻ BHYT. Chẳng may các em ốm đau, gia đình lại đổ nợ, có khi lại bỏ học giữa chừng. Việc thu tiền BHYT học sinh được giao trực tiếp cho giáo viên chủ nhiệm các lớp. Đây thực sự là một áp lực đối với giáo viên, nhất là ở địa bàn có nhiều khó khăn về kinh tế, nhận thức của người dân chưa cao. Nhiều em không phải là hộ nghèo, cận nghèo để được Nhà nước hỗ trợ. Trong khi, gia đình đông con, công việc bấp bênh nên không phải ai cũng có khả năng mua một lúc 2 - 3 thẻ BHYT cho các con.

Nhiều trường lường trước sự việc, giáo viên bỏ tiền túi ra hỗ trợ các em. Tuy nhiên, không ít phụ huynh có sự “phân bì” nên không mua thẻ BHYT cho con trong những năm kế tiếp. Vậy là, mong muốn tặng thẻ BHYT cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn bị “phá sản” khi số lượng ngày càng tăng. “Mấy năm trước giáo viên đóng góp mua thẻ BHYT cho học sinh trong trường. Năm nay, phụ huynh từ chối nhận thẻ BHYT, họ muốn được tặng đồng phục để bớt một khoản mua sắm đầu năm”. Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú, cô giáo Trương Thị Thái Hằng, thông tin.

“Trong cái khó, ló cái khôn”, không ít giáo viên chủ nhiệm linh động cho phụ huynh trả tiền thành nhiều đợt. Đầu năm phụ huynh phải đóng nhiều khoản nên có người khá khó khăn. Có người lãnh tiền công về là đến đóng một lần 200.000 đồng hoặc đề nghị cho đóng 2 - 3 lần/năm, các trường tạo điều kiện để các em có thẻ BHYT.

14.383 HS-SV chưa có thẻ BHYT

Toàn tỉnh có 170.113 HS-SV phải tham gia BHYT, tuy nhiên, hiện vẫn còn 14.383 HS-SV chưa có thẻ BHYT. Trong khi khối HS phổ thông đạt tỷ lệ tham gia từ 97- 99% thì tỷ lệ tham gia khối các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp chỉ đạt gần 75%, còn khối trường thuộc Đại học Huế chỉ có 76,31%.

Học sinh là đối tượng bắt buộc tham gia BHYT. Theo quy định tại khoản 1 Điều 57 Nghị định 176/2013/NĐ-CP, cá nhân bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng nếu không đóng BHYT. Tuy nhiên, các chế tài quy định trong Luật BHYT rất khó áp dụng bởi nhà trường không quản lý các em theo kiểu đơn vị sử dụng người lao động.

Dù học sinh là đối tượng bắt buộc, nhưng với nhà trường vẫn thực hiện trên tinh thần vận động là chính. Đã là vận động thì có người thực hiện, có người không. Nhà trường chưa có chế tài bắt học sinh phải tham gia BHYT tại trường học. Ông Trần Võ Văn May, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Tổ trưởng tổ đại lý BHYT sinh viên, Trường đại học Nông lâm Huế cho biết, các ngành liên quan chưa có quy định xử phạt khi sinh viên không tham gia BHYT. Trong khi quy định của ĐH Huế đưa ra cũng chỉ trừ 5 điểm rèn luyện (trong thang 100 điểm rèn luyện) vẫn còn nhẹ nên nhiều sinh viên cố tình chưa tham gia.

Hiện, việc tham gia BHYT của học sinh vẫn đang chịu những tác động khách quan. Đơn cử như lương cơ sở tăng trên phạm vi cả nước đồng nghĩa với phí đóng bảo hiểm cũng tăng. Điều này dẫn đến không ít phụ huynh hiểu sai bản chất của chính sách, pháp luật BHYT của Nhà nước; đánh đồng vai trò của cơ sở giáo dục trong thực hiện BHYT với việc thu các loại hình bảo hiểm thương mại.

Chỉ tiêu ngành BHYT được đặt ra cho nhóm đối tượng HS-SV là 100%. Những trường không thực hiện đủ chỉ tiêu thì sẽ bị xử lý, hình thức xử lý như thế nào đối với các trường là do ngành giáo dục quyết định. Tuy nhiên, để tránh những căng thẳng không cần thiết, các trường cần tổ chức tư vấn kỹ về Luật BHYT để các em nắm rõ và thực hiện theo đúng quy định. HS-SV cũng cần tìm hiểu và nắm bắt tinh thần chung của Luật BHYT để có thái độ tích cực và hợp tác.

Điều cần thiết hiện nay là cơ quan bảo hiểm xã hội phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền vận động, không chỉ trong học sinh mà chủ yếu là phụ huynh, bởi đây chính là người quyết định học sinh có tham gia BHYT hay không. Dẫu con số trên 7% HS - SV chưa tham gia BHYT còn thấp so với tình hình chung của toàn quốc. Tuy nhiên, mỗi khi những quy định đã trở thành luật thì nhất thiết các đối tượng phải chấp hành. Hơn nữa, mua thẻ BHYT gắn bó quyền lợi thiết thực của mỗi người nên đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”.

Bài, ảnh: HUẾ THU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giáo dục pháp luật cho học sinh qua phiên tòa thực tế

Nhằm nâng cao kiến thức về pháp luật cho học sinh, chiều 6/12, Trường THPT Nguyễn Huệ tổ chức cho học sinh tham dự một phiên tòa xét xử thực tế tại Tòa án Nhân dân TP. Huế. Đây là một hoạt động bổ ích nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật và ý thức trách nhiệm của học sinh trong cuộc sống.

Giáo dục pháp luật cho học sinh qua phiên tòa thực tế
Tiếp sức cho học sinh, sinh viên đến trường

Nguồn vốn tín dụng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Lộc đã hỗ trợ cho nhiều học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục theo đuổi ước mơ học tập, kiến tạo tương lai.

Tiếp sức cho học sinh, sinh viên đến trường

TIN MỚI

Return to top