Tiêm vaccine cho học sinh lớp 10 tại TP. Hồ Chí Minh
Việt Nam đã triển khai chiến lược vaccine với nhiều mũi "chủ công", đặc biệt là chúng ta đã khởi đầu và kiên nhẫn không chút nề hà theo đuổi chiến lược ngoại giao vaccine để tiếp cận các nguồn vaccine trên thế giới, để đưa vaccine về nước sớm nhất, nhiều nhất và nhanh nhất có thể để tiêm cho nhân dân. Chiến dịch này được bình luận là tạo nên kỳ tích, giải pháp phi thường trong tình thế bất thường. Ngày 15/11/2021, Việt Nam đạt được mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19 thứ 100 triệu. Ở thời điểm tháng 6, khi Chính phủ đặt mục tiêu đến cuối năm có đủ 150 triệu liều vaccine COVID-19 để tiêm phủ 70% dân số thì có không ít người còn hoài nghi vì đó là một việc quá khó khăn trong bối cảnh nguồn cung vaccine trên thế giới còn khan hiếm. Hiện đến nay tỷ lệ người từ 18 tuổi đã tiêm mũi 1 đạt 94%, tiêm mũi 2 đạt 69%, đây là tỷ lệ khá cao so với thế giới. Đến hết ngày 3/12, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 150 triệu liều vaccine.
Cách đây mấy ngày, tiếp tục chuỗi cuộc họp liên tiếp về vấn đề thúc đẩy việc nhập khẩu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine và thuốc chữa bệnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nhắc lại yêu cầu “thần tốc” trong vấn đề vaccine. Người đứng đầu Chính phủ đưa ra các mục tiêu bao phủ vaccine cao hơn, nhanh hơn nữa: tới 15/12 và chậm nhất là trong tháng 12 phải cơ bản hoàn thành việc tiêm 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên; hoàn thành sớm nhất việc tiêm cho trẻ từ 12-18 tuổi; đẩy mạnh việc tiêm mũi 3; nghiên cứu khả năng, phương án tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi…
Cùng với 5K, thuốc điều trị, công nghệ, ý thức người dân và các biện pháp khác thì vaccine không chỉ là để phòng chống dịch, bảo vệ an toàn sức khỏe cho người dân mà còn giúp ích cho sức khỏe nền kinh tế. Một quốc gia có độ bao phủ vaccine với tỉ lệ cao như Việt Nam, thì phải khai thác tối đa lợi thế đó để nhanh chóng phục hồi kinh tế. Mùa Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên Đán đang đến gần, đây là khoảng thời gian tiêu thụ hàng hóa cao nhất của năm. Chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh” sẽ tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp sản xuất, thị trường được sôi động, không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu hàng hóa đi các nước. Thực tế cho thấy “hộ chiếu vaccine” đã mang đến chức năng nối lại giao thương, thúc đẩy phục hồi kinh tế và thiết lập trạng thái bình thường mới.
Tuy nhiên, như chúng tôi từng đề cập, liều vaccine hết sức quan trọng cần bao phủ thần tốc hơn nữa là “vaccine ý thức”. Đề cao ý thức của người dân là cực kỳ quan trọng trong bối cảnh chúng ta chuyển hướng chiến lược chống dịch từ “Zero COVID” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”. Phòng chống dịch bệnh phải là mặt trận toàn dân, đòi hỏi mỗi công dân phải có ý thức và trách nhiệm, có kỹ năng và hiểu biết về phòng, chữa bệnh, không thể ỷ lại vào Nhà nước.
Đến lúc người dân cần nhận thức rằng, dịch bệnh Covid-19 là một phần của cuộc sống, là rủi ro tất yếu mà mỗi cá nhân chúng ta phải đối mặt để tự bảo vệ. Đó là cách thức để người dân chung vai, góp sức cùng Chính phủ chống dịch bệnh một cách hiệu quả trong chặng đường dài phía trước.
Còn đối với các cấp chính quyền, rất cần thêm vaccine ngăn ngừa “virus trì trệ”, đặc biệt là trong lĩnh vực vaccine (gồm tiêm chủng và sản xuất), mà tại nhiều cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ luôn phải nhắc đến 2 từ “thần tốc”.
Theo Cổng TTĐT Chính phủ