Y tế học đường ở Trường tiểu học Quảng Trung (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)
Thông tuyến
Từ ngày 1/1/2021, người có thẻ BHYT có thể đến bất cứ bệnh viện tuyến tỉnh nào trong cả nước để điều trị bệnh nội trú mà vẫn được BHYT chi trả như đi đúng tuyến.
Chị Nguyễn Ngọc Khoa, cư trú tại phường An Cựu (TP. Huế) chia sẻ, trước đây chị đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở Quảng Trị. Từ khi về hưu, chị Khoa chuyển vào Huế sinh sống cùng các con nên rất khó khăn trong việc đi khám sức khỏe, điều trị bệnh. “Thông tuyến BHYT tuyến tỉnh, tôi không phải đi lại nhiều mà vẫn được hưởng BHYT đúng tuyến”, chị Khoa vui vẻ. Còn anh Nguyễn Văn Thành ở phường Phước Vĩnh (TP. Huế) cho biết: Bệnh tật không ai muốn, nhưng khi có bệnh ai cũng muốn được điều trị tại các bệnh viện có chất lượng tốt, được hưởng những kỹ thuật chuyên sâu. Giờ BHYT đã cho thông tuyến tỉnh, người dân có quyền lựa chọn cơ sở KCB cùng tuyến tỉnh mà mình muốn”.
Theo ông Hoàng Trọng Chính, Phó Giám đốc BHXH tỉnh, việc triển khai thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh đem lại nhiều lợi ích cho người dân và tạo ra sự cạnh tranh bằng chất lượng cho các cơ sở y tế trong tỉnh. Điều đó đòi hỏi những cơ sở khám, chữa bệnh trước đây trông chờ vào số bệnh nhân khám BHYT đúng tuyến sẽ phải chủ động thay đổi, nâng cao chất lượng để thu hút người bệnh. Thừa Thiên Huế có 3 bệnh viện tuyến tỉnh là Bệnh viện ĐH Y Dược Huế, Bệnh viện Phục hồi chức năng và Bệnh viện Mắt. Hiện, các bệnh viện này đã và đang triển khai nhiều kỹ thuật cao, các phương pháp điều trị hiện đại nên lâu nay đã tiếp nhận một lượng bệnh nhân trong tỉnh và từ các khu vực lân cận đến khám, chữa bệnh.
Và “phủ sóng”
Ngày 10/11/2016, UBND tỉnh có Kế hoạch triển khai thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn Thừa Thiên Huế. Theo đó, xác định mục tiêu mở rộng các nhóm đối tượng để đến năm 2020, có 94% dân số tham gia BHYT.
Ngành y tế Thừa Thiên Huế tập trung nâng cao chất lượng, củng cố hệ thống y tế từ tuyến xã đến tuyến tỉnh; tiếp tục duy trì ở tuyến xã có 100% bác sĩ, đầu tư các trang thiết bị cơ bản, giải quyết khoảng 50% tổng số bệnh nhân khám, chữa bệnh trong toàn tỉnh. Về chất lượng dịch vụ y tế, hiện hệ thống khám chữa bệnh đã phủ đến khắp các cơ sở trong toàn tỉnh; mở rộng sang cả khu vực công lập và tư nhân. Thừa Thiên Huế có Bệnh viện T.Ư Huế đóng trên địa bàn với nhiều kỹ thuật tiên tiến được ghi nhận, người dân có thể yên tâm khi chữa bệnh.
Góp phần công khai, minh bạch thông tin và từng bước thay thế thẻ BHYT giấy, ứng dụng VssID – BHXH số được triển khai. Ngành BHXH nhanh chóng ban hành hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trong việc cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID; hỗ trợ người dân đăng ký cài đặt và hướng dẫn sử dụng ứng dụng VssID-BHXH số; bố trí cán bộ tiếp nhận hồ sơ đăng ký giao dịch điện tử với cơ quan BHXH từ người đăng ký, đồng thời thực hiện ngay việc phê duyệt cấp tài khoản và hỗ trợ, hướng dẫn người đăng ký cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID.
Sáu tháng đầu năm 2021, đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát ảnh hưởng nặng nề đến đời sống KT - XH nhưng nhờ triển khai tích cực, đồng bộ quy định thông tuyến BHYT, sử dụng ứng dụng VssID cùng nhiều giải pháp để phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, thu và thu nợ, nên việc thực hiện các chỉ tiêu đạt những kết quả tích cực. Số người tham gia BHYT 6 tháng đầu năm 2021 là 1.152.476 người, tăng 4.535 người so với tháng 12/2020, tăng 14.522 người so với cùng kỳ năm 2020, đạt 99,58% so với kế hoạch giao.
Cùng vào cuộc
Cái lợi của BHYT, ai cũng thấy rõ. Tuy nhiên, sở hữu tấm thẻ BHYT lại câu chuyện khác. Ông Trương Công Khả, Trưởng phòng Khai thác và Thu nợ thuộc BHXH tỉnh cho rằng, muốn nâng cao công tác phát triển đối tượng, trước hết cần phải dựa vào chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn. Chính quyền và các tổ chức, đoàn thể gần gũi với cộng đồng dân cư, gắn liền với cộng đồng văn hóa, họ tộc và thường có uy tín cao với người dân.
Với phương châm “hiểu rõ để tự nguyện”, BHXH tỉnh tiếp tục tăng cường vận động người dân, đặc biệt là người dân các xã bãi ngang tham gia BHYT thông qua cổng thông tin điện tử, facebook, zalo… Cùng với các hội nghị tuyên truyền, hướng dẫn cách thức tổ chức thực hiện, tham gia BHYT là việc trực tiếp về các thôn xóm vận động, tranh thủ lồng ghép ở các cuộc dân trong thôn để tư vấn về BHYT. Đơn vị cũng làm việc với các trường học có tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT thấp để đôn đốc nhà trường tăng cường thực hiện thu nộp BHYT học sinh sinh viên, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT.
Theo ông Nguyễn Xuân Tiếu, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, nhiều nhóm đối tượng ở hộ nghèo, cận nghèo, vùng kinh tế khó khăn nhưng sau khi thoát nghèo, không được hưởng chế độ chính sách nên họ không tham gia. Nhiều gia đình đông con cũng không tham gia BHYT. Đáng mừng là trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, đã và đang xuất hiện nhiều cách làm hay trong công tác vận động người dân tham gia mua BHYT.
Thực tế một lần nữa cho thấy, sự vào cuộc chủ động và tích cực của hệ thống chính trị đã giúp Thừa Thiên Huế vượt khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra để giữ vững và tiếp tục dẫn đầu cả nước về “phủ sóng” BHYT toàn dân.
Bài, ảnh: Huế Thu