Hội thi phòng chống thuốc lá ở huyện Phong Điền. Ảnh: Minh Văn
Thông qua chủ đề này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề cập tới những tổn thất về sức khỏe và kinh tế, những tác động tiêu cực tới mục tiêu phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu cũng như của từng quốc gia do việc sử dụng thuốc lá gây ra. Theo WHO, mỗi năm trên thế giới có khoảng 6 triệu ca tử vong do các căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá.
Tại Việt Nam, theo thống kê tại Bệnh viện K, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc là 96,8%. Nghiên cứu của Viện Chiến lược và chính sách y tế năm 2011 cũng cho thấy, bệnh tật và tử vong sớm do sử dụng thuốc lá chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam. Theo WHO, số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam chiếm tới 75% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích, mà một trong những nguyên nhân là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao.
Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam cho thấy, năm 2015 số tiền người dân Việt Nam chi mua thuốc lá là 31 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm 5 nhóm bệnh trong số 25 bệnh do sử dụng thuốc lá gây ra là ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa - hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ là hơn 23 nghìn tỷ đồng/năm.
Tại hừa Thiên Huế, chương trình phòng chống tác hại thuốc lá được triển khai thí điểm tại Huế từ năm 2009 và thu được những thành công nhất định nhờ sự tham gia đồng bộ của các cấp, các ngành, trong đó nổi bật là vai trò của các ngành y tế, giáo dục, văn hoá...Từ năm 2015, chương trình phòng chống tác hại thuốc lá bắt đầu triển khai trên địa bàn toàn tỉnh. Các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể đã chủ động hơn trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá. Đa số các cơ quan, đơn vị, các tổ chức và quần chúng thực hiện tốt các quy định về cấm hút thuốc lá trong công sở và ở nơi công cộng.
Qua thanh tra, kiểm tra, giám sát của các đoàn thể cho thấy, tình trạng hút thuốc lá tuy có giảm nhưng vẫn còn khá phổ biến trong công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên và ở các đám cưới, đám tang, sinh hoạt tập thể của gia đình, bạn bè và ở nơi công cộng. Một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa quan tâm chỉ đạo thực hiện các quy định cấm hút thuốc lá và chưa thực hiện nghiêm các chế tài xử lý vi phạm trong phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Với mục tiêu giảm tỉ lệ sử dụng, giảm tỉ lệ mắc và tử vong do các căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá, nhân Ngày Thế giới không thuốc lá năm nay, UBND các tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các cấp phải đưa nội dung PCTHTL vào kế hoạch hoạt động hằng năm; đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị; hạn chế hoặc không hút thuốc trong các đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư vào hương ước.
Đồng thời, chỉ đạo tăng cường tuyên truyền các quy định của Luật PCTHTL, lồng ghép phong trào xây dựng làng văn hóa - sức khoẻ với xây dựng cộng đồng dân cư không có người hút thuốc lá, thuốc lào, xây dựng cộng đồng dân cư không thuốc lá; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, lồng ghép việc kiểm tra tình hình thực hiện Luật PCTHTL trong các đoàn kiểm tra liên ngành trên địa bàn quản lý. Thời gian tới, Ban Chỉ đạo PCTHTL tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo về các hoạt động thuộc chương trình PCTHTL đối với các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành, thị, các đơn vị y tế, trường học, các nhà máy, xí nghiệp… để nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá, mở rộng độ bao phủ của chương trình trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần hướng tới xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành một môi trường không khói thuốc.
PHAN ĐĂNG TÂM