Tư vấn điều trị cho người nhiễm HIV
Xu hướng trẻ hóa
Đến cuối năm 2018, số người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn còn sống là 349 trường hợp; trong đó, có 3 trường hợp ngoại tỉnh và 20 phạm nhân. Năm 2018, đã phát hiện 96 trường hợp nhiễm mới; trong đó, 44 người ở địa phương, 47 người ngoại tỉnh và 5 phạm nhân.
Theo Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, nay là Khoa Phòng, chống (PC) HIV/AIDS, thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC tỉnh), đến nay trên địa bàn có 110/152 xã phát thiện có người nhiễm HIV; trong đó, với 99 phường, xã có người nhiễm được quản lý, chăm sóc về mặt sức khỏe và tinh thần ổn định. Số người nhiễm tập trung phần lớn ở TP. Huế, huyện Phú Lộc, Phú Vang... Riêng ở huyện vùng cao Nam Đông, đến nay chưa phát hiện người nhiễm HIV.
Bác sĩ Nguyễn Lê Tâm, Trưởng khoa PC HIV/AIDS, CDC tỉnh cho biết, năm 2018, trường hợp nhiễm HIV mới chủ yếu là nam giới (chiếm 75,3%) và 83,1% nằm trong độ từ 20-49 tuổi. Trong số các trường hợp nhiễm mới năm 2018 có 16 trường hợp đồng giới nam (MSM), nâng tổng số MSM nhiễm HIV hiện ở địa bàn tỉnh là 26 trường hợp.
Lý giải về tình trạng nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng trẻ hóa, bác sĩ Tâm cho biết, các trường hợp nhiễm mới chủ yếu được phát hiện lây qua đường tình dục, trong đó là quan hệ trong nhóm MSM. Đây là một trong những vấn đề đang được các đơn vị, ngành chức năng địa phương quan tâm để đưa vào chương trình trọng tâm của hoạt động PC HIV/AIDS.
100% người nhiễm HIV có BHYT
Tại các hội nghị sơ, tổng kết PC dịch bệnh trên địa bàn gần đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung nhấn mạnh, HIV/AIDS là một trong những dịch nguy hiểm đe dọa tính mạng, sức khỏe con người và tương lai giống nòi. Đồng thời, HIV/AIDS còn ảnh hưởng đến sự phát triển của kinh tế, xã hội của đất nước. Lâu nay, Đảng và Nhà nước và các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm chỉ đạo công tác PC căn bệnh thế kỷ này.
Thời gian qua, ngành y tế có nhiều văn bản hướng dẫn về chuyên môn đối với công tác tuyên truyền, giám sát, điều trị...; đồng thời, triển khai mở rộng các cơ sở xét nghiệm HIV. Hiện nay, ngoài Khoa PC HIV/AIDS tỉnh, trên địa bàn còn có BV Trung ương Huế đẩy mạnh công tác hỗ trợ, điều trị người nhiễm HIV/AIDS; các BV tuyến tỉnh, huyện, thị xã đều có phòng xét nghiệm tư vấn PC HIV/AIDS. Bên cạnh đó, có các cơ sở tôn giáo luôn đồng hành, quan tâm chia sẻ hỗ trợ điều trị bệnh nhân HIV/AIDS...
Đáng nói, đa phần người nhiễm HIV/AIDS gặp hoàn cảnh khó khăn, làm ăn xa gia đình. Hầu hết trong những trường hợp này trước đây được điều trị miễn phí thuốc kháng vi rút ARV bởi nguồn quốc tế hỗ trợ. Từ năm 2017, nguồn hỗ trợ này đã cắt giảm, như Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về Phòng, chống HIV/AIDS (PEPFAR) đã kết thúc đầu năm 2018, nên người nhiễm HIV/AIDS gặp khó khăn trong việc chăm sóc, điều trị.
Bác sĩ Châu Văn Thức, Trưởng phòng Khám chuyên khoa và điều trị nghiện chất, CDC tỉnh cho biết, trong bối cảnh các nguồn viện trợ quốc tế cho công tác PC HIV/AIDS cắt giảm, thẻ BHYT là giải pháp rất quan trọng để người nhiễm HIV được tiếp cận với thuốc kháng virút ARV, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Do đó, các y, bác sĩ trong lĩnh vực PC HIV/AIDS ở Thừa Thiên Huế đã tuyên truyền, vận động và tham mưu kịp thời UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ mua BHYT cho người nhiễm HIV. Mới đây, Quyết định 36/2018 của UBND tỉnh ban hành ngày 13/6/2018, CDC tỉnh tiến hành mua và trực tiếp trao thẻ BHYT cho những người nhiễm HIV có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đến nay có 99,7% người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh có thẻ BHYT.
Chị Nguyễn Thị T. , một trong những người nhiễm HIV có hoàn khó khăn được hỗ trợ BHYT vào cuối năm 2018 chia sẻ. Đây là cơ hội để chị đẩy lùi bệnh tật. Nếu không có thẻ BHYT, chị sẽ bế tắc vì hoàn cảnh hiện tại rất khó khăn.
Ông Nguyễn Đình Sơn, Phó Giám đốc phụ trách CDC tỉnh khẳng định, không chỉ hiện tại mà về lâu dài, CDC tiếp tục quan tâm, hỗ trợ 100% người nhiễm HIV tiếp nối việc mua BHYT thông qua nhiều nguồn để họ tiếp cận các dịch vụ khám, điều trị thuận lợi, nâng cao chất lượng sống, hòa nhập cộng đồng.
Bài, ảnh: Minh Trường