ClockThứ Sáu, 29/04/2016 05:16

Bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số

TTH - Có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), đồng bào dân tộc thiểu số ở Nam Đông và A Lưới đến các cơ sở y tế để khám và điều trị bệnh kịp thời.

Đồng bào dân tộc được khám chữa bệnh bằng kỹ thuật hiện đại

Theo Luật BHYT, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế khó khăn được hỗ trợ 100% thẻ BHYT. Chính sách BHYT dành cho đồng bào góp phần giảm bớt gánh nặng chi phí khám chữa bệnh cho người dân. Khi ốm đau, việc khám và điều trị với chi phí hàng chục triệu đồng là điều quá sức đối với người dân ở các huyện miền núi. Trước đây, khi ốm đau, đồng bào thường tìm đến các thầy lang để cúng, hái lá để uống, đến khi bệnh nặng mới chuyển vào bệnh viện nên thường bệnh không khỏi. Từ khi được cấp thẻ BHYT, họ đã đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị. Hơn nữa, hệ thống cơ sở y tế được đầu tư xây dựng, đội ngũ y bác sĩ  ngày càng nâng cao tay nghề nên chất lượng phục vụ, khám chữa bệnh ngày một tốt hơn. Chị Hồ Thị Sơn ở xã A Đớt (huyện A Lưới) cho biết: Tôi bị thoái hoá khớp cổ, lưng, sức khoẻ yếu không thể lao động nhưng trước không có thẻ BHYT nên không dám đến bệnh viện. Mỗi khi tích cóp được ít tiền tôi lại để dành đi lấy thuốc bắc nhưng bệnh không thuyên giảm. Năm 2013, tôi được cấp thẻ BHYT nên đã điều trị tại Bệnh viện huyện A Lưới. Một đợt điều trị mất khoảng 2 triệu đồng, nhưng nhờ có thẻ BHYT nên tôi không tốn tiền viện phí.

Gia đình chị Nguyễn Thị Sung ở Thượng Quảng (huyện Nam Đông) có 8 nhân khẩu. Trước đây, khi chưa có chính sách hỗ trợ BHYT dành cho hộ nghèo, mỗi lần gia đình có người ốm đau, chị phải mang thóc, bán lợn, gà để lấy tiền đưa người nhà về bệnh viện với chi phí hàng triệu đồng. Thu nhập chính từ làm nương như gia đình chị, đây là số tiền quá lớn. Từ khi có chính sách  BHYT, mỗi khi ốm đau, các thành viên trong gia đình chị Sung đều được khám bệnh và cấp thuốc miễn phí ngay tại trạm y tế xã. BHYT thực sự làm thay đổi quan điểm, nhận thức của đồng bào trong việc đến cơ sở y tế khám chữa bệnh, giúp đồng bào giảm bớt gánh nặng chi phí y tế. Đồng thời, chính sách bảo hiểm y tế cũng góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ toàn diện cho Nhân dân trên địa bàn của trung tâm y tế huyện cũng như góp phần đảm bảo an sinh xã hội theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Theo Ban Quản lý Quỹ khám bệnh cho người nghèo, số thẻ BHYT cấp cho người nghèo trong toàn tỉnh là 56.733 thẻ (đạt 100%); có 75.492 lượt người nghèo được khám chữa bệnh với tổng chi phí trên 32 tỷ đồng. Nhiều  trường hợp người nghèo bị bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo, bệnh phải sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, hoặc chi phí lớn đều được quỹ BHYT thanh toán theo qui định.

Vẫn còn nhiều bất cập trong việc cấp thẻ BHYT do trình độ dân trí của người dân chưa đồng đều. Thế nên, việc tổng hợp lập danh sách đối tượng là người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn gặp không ít khó khăn. Do thói quen sử dụng nhiều tên, nhiều năm sinh; phát âm, viết chữ tiếng phổ thông hạn chế nên  làm sai lệch giữa thông tin được in trong thẻ và các giấy tờ tuỳ thân. Người có thẻ người nghèo đi khám bệnh vẫn thường xuyên thiếu thủ tục (giấy tờ tuỳ thân có ảnh, giấy chuyển viện) gây trở ngại trong khâu tiếp nhận vào viện. Một số xã còn khó khăn trong việc áp dụng phần mềm quản lý, xử lý cấp trùng thẻ BHYT do thiếu trang thiết bị cũng như cán bộ chuyên trách kiêm nhiệm quá nhiều việc.

Tại hội nghị triển khai công tác khám chữa bệnh 2016, ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Cần đảm bảo 100% người nghèo và người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế khó khăn được khám chữa bệnh qua các hình thức khám chữa bệnh bằng BHYT. Các ngành phối hợp tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức cho người nghèo, dân tộc thiểu số nhằm đảm bảo cho họ hiểu được quyền lợi và trách nhiệm và nghĩa vụ khi sử dụng thẻ BHYT. Chất lượng chuyên môn, trang thiết bị y tế, các dịch vụ khám chữa bệnh cũng cần được nâng cao, nhất là ở trạm y tế các xã.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Người dân thôn Bha Bhar chung sức, đồng lòng nâng cao đời sống

Ngày 15/11, Đại tá Nguyễn Thanh Tuấn, UVTV Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh đã đến dự và chung vui Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc cùng người dân thôn Bha Bhar (xã Hương Sơn, huyện Nam Đông) nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (18/11/1930-18/11/2024).

Người dân thôn Bha Bhar chung sức, đồng lòng nâng cao đời sống
Hướng đi mới cho đồng bào vùng cao

A Lưới là huyện miền núi có tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế nông nghiệp nhờ vào lợi thế về đất đai và điều kiện tự nhiên. Thời gian qua, các chính sách hỗ trợ cụ thể từ tỉnh và huyện đã giúp người dân nơi đây áp dụng các mô hình kinh tế bền vững, từ đó cải thiện đáng kể đời sống.

Hướng đi mới cho đồng bào vùng cao
Giữ nghề chạm khắc gỗ của đồng bào Pa Cô

Vùng đất phía tây Thừa Thiên Huế không chỉ thu hút du khách bởi cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, mà còn nhờ vào sự đa dạng về văn hóa và nghệ thuật truyền thống của các dân tộc thiểu số (DTTS). Trong đó, nghề chạm khắc gỗ của đồng bào Pa Cô đã trở thành một biểu tượng đặc sắc, mang trong mình những giá trị lịch sử và tâm linh. Giữa dòng chảy của thời gian, ông Cu Đài, một nghệ nhân điêu khắc gỗ đã nỗ lực hết mình để gìn giữ và phát triển nghề truyền thống này.

Giữ nghề chạm khắc gỗ của đồng bào Pa Cô

TIN MỚI

Return to top