ClockThứ Tư, 16/11/2022 14:15

Bệnh nhi sốt xuất huyết nhập viện tăng, lưu ý dấu hiệu cảnh báo

TTH - Tính đến thời điểm này, có 450 bệnh nhi nhập viện điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Trung ương Huế. Các bác sĩ lưu ý cần theo dõi trẻ kỹ để có thể can thiệp kịp thời.

Cả nước ghi nhận 281.189 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 110 ca tử vongChung tay phòng, chống dịch sốt xuất huyếtNhiều dịch bệnh diễn biến phức tạp

Kiểm tra thân nhiệt trẻ bị sốt xuất huyết

Bình quân mỗi tuần tiếp nhận 30 ca bệnh

Một tuần qua, vợ chồng anh Lưu T.V. ở Vĩnh Ninh (TP. Huế) thay phiên nhau vào ra viện chăm hai con bị sốt xuất huyết (SXH ) nhập viện tại Khoa Nhi – Tiêu hóa – Dinh dưỡng – Bệnh nhiệt đới (NTHDDBNĐ). Cháu Lưu Hoàng G. H., con trai đầu của anh đang học lớp 8 đã ốm 5 ngày. Vài ngày sau, em gái H. cũng nhập viện cùng anh trai với các triệu chứng tương tự.

Riêng H. khi nhập viện mạch nhanh, tay chân ấm, lừ đừ… bác sĩ quyết định cho cháu chuyền dịch. Anh Lưu T.V, ba của H. cho hay: “Hai ngày đầu, H. sốt cao không hạ nên gia đình nghi ngờ cho cháu đi khám, sau đó xét nghiệm sàng lọc, xác định H. bị SXH và được nhập viện”.

Nằm cùng phòng, bé Hoàng M.H. (4,5 tháng tuổi) từ Quảng Trị chuyển cấp cứu vào. Ông Trương Ngọc D., ông ngoại cháu H. kể: “Trong xóm có một số trường hợp mắc SXH trước đó nên khi thấy cháu sốt cao liên tục không giảm, nhà đưa cháu vào viện. Hai ngày sau khi có kết quả xét nghiệm, bệnh diễn biến xấu, bác sĩ cho chuyển viện vào BV TW Huế”.

Ở thời điểm này, bình quân mỗi tuần, Khoa NTHDDBNĐ tiếp nhận 30 ca sốt xuất huyết. Từ đầu năm đến nay, khoa điều trị 450 ca. So với 3 năm vừa qua, tỷ lệ ca SXH tăng. Theo đánh giá chung, năm nay tỷ lệ SXH nặng cao, có nghĩa từ tỷ lệ cảnh báo dẫn đến sốc nhiều hơn so với những năm trước; số bệnh nhân nhập viện nhiều hơn.

Khi vào viện, Khoa NTHDDBNĐ sẽ phát hiện các trường hợp có dấu hiệu cảnh báo để điều trị, nếu bệnh diễn biến ngày càng nặng sẽ chuyển sang Khoa Hồi sức. Theo các chuyên gia, SXH có thể điều trị ở nhà nhưng phải xét nghiệm hằng ngày, theo dõi dấu hiệu cảnh báo để can thiệp, tránh để trẻ bị sốc.

Nên đi khám tại tuyến gần nhất

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virus Dengue gây ra. Tổ chức Y tế Thế giới chia SXH thành 3 mức độ: SXH Dengue, SXH Dengue có dấu hiệu cảnh báo, SXH Dengue nặng (sốc, suy đa tạng hoặc xuất huyết nặng). Từ SXH có dấu hiệu cảnh báo trở lên là phải nhập viện. Những dấu hiệu cảnh báo có thể là: Nôn mửa nhiều, đau bụng vùng gan, mệt, tay chân lạnh, đổ mồ hôi, xuất huyết dưới da nhiều/ xuất huyết nội tạng, nôn ra máu, chảy máu cam nhiều không tự cầm…

Sốc sốt xuất huyết có thể để lại di chứng hay không tùy vào phương pháp xử trí. Nếu sốc gây tổn thương đa cơ quan hoặc SXH thể não gây tổn thương não sẽ để lại di chứng nặng về sau. Trường hợp sốc song không điều trị, kéo dài, không cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.

Dấu hiệu SXH những ngày đầu tương tự một số bệnh khác ở trẻ, song nếu trẻ sốt cao liên tục thì phải theo dõi, bệnh nhân sẽ được yêu cầu tái khám nếu nghi ngờ SXH để kiểm tra xét nghiệm. Thường ngày thứ 3 diễn biến bệnh, xét nghiệm mới cho kết quả tin cậy.

ThS. BS Trần Thị Hạnh Chân, Phó Trưởng khoa NTHDDBNĐ lưu ý: “Khi trẻ bị SXH, gia đình nên cho bệnh nhi ăn uống nhẹ nhàng; nếu mệt quá có thể ăn cháo, uống sữa. Cần chú ý là tránh những thực phẩm có màu đỏ như huyết, nho đỏ, thanh long đỏ… Mục đích để loại trừ yếu tố đi ngoài có phân màu khác thường (nghi ngờ có phải là xuất huyết tiêu hóa hay không) để theo dõi kỹ”.

BS. Lê Văn Sanh, Trưởng khoa Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm - Ký sinh trùng - Côn trùng (CDC tỉnh) cho biết: Tính đến cuối tháng 10/2022, trong khi một số tỉnh miền Trung dịch SXH bùng phát thì số ca mắc ở Thừa Thiên Huế ở mức thấp. Tuy nhiên, ngành chức năng cảnh báo sau những đợt mưa nắng liên tục, các ổ chứa loăng quăng, bọ gậy không được thau vét sẽ xuất hiện trở lại. Vật chứa tồn tại phong phú là môi trường tăng cường truyền bệnh…

Bài, ảnh: Linh Tuệ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hiệu quả từ cảnh báo, phòng chống thiên tai qua ứng dụng Hue-S

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin, cảnh báo thiên tai đến người dân bằng nhiều biện pháp, hình thức khác nhau. Trong đó, ứng dụng Hue-S của Trung tâm Giám sát và Điều hành đô thị thông minh (IOC) và các nền tảng mạng xã hội đã phát huy hiệu quả, giúp người dân chủ động nắm bắt thông tin và ứng phó kịp thời.

Hiệu quả từ cảnh báo, phòng chống thiên tai qua ứng dụng Hue-S
Thái Lan cảnh báo về 'Bệnh X' tại CHDC Congo

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Bộ Y tế Thái Lan đã gửi cảnh báo tới tất cả các văn phòng của mình về một đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm tại CHDC Congo vốn đã khiến hàng trăm người bị bệnh và ít nhất 79 người tử vong kể từ cuối tháng 10 đến nay.

Thái Lan cảnh báo về Bệnh X tại CHDC Congo

TIN MỚI

Return to top