Từ năm 2006, khi Chính phủ cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong tổ chức, biên chế và tài chính, Bộ Y tế đã kêu gọi huy động vốn, xã hội hóa trang thiết bị y tế.
Ngay sau đó, nhiều bệnh viện đã nhanh chóng liên doanh, liên kết với các đối tác cung ứng thiết bị y tế để đặt hoặc mượn nhiều loại máy phục vụ công tác chẩn đoán và điều trị.
Sử dụng thiết bị xã hội hóa trong bệnh viên
Tuy nhiên, bên cạnh các mặt tích cực, việc liên doanh liên kết này còn bộc lộ những hạn chế nhất định. Trong đó, nổi cộm là việc ở một số cơ sở y tế, có biểu hiện dồn người đến khám chữa bệnh sang sử dụng trang thiết bị xã hội hóa với mức giá dịch vụ cao hơn. Vì thế, không loại trừ khả năng “tận thu”, phân chia lợi nhuận với các công ty lắp đặt máy.
Trong công văn mới nhất liên quan đến vấn đề này, Bộ Y tế cảnh báo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải rà soát và không được có quy định hoặc bất kỳ cam kết nào với đơn vị trúng thầu về các điều khoản liên quan đến số lượng dịch vụ phải thực hiện tại đơn vị trong các hợp đồng để tránh lạm dụng sử dụng dịch.
Bên cạnh đó, khi các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sử dụng máy xã hội hóa để thực hiện các dịch vụ kỹ thuật y tế cho người bệnh BHYT thì phải giải thích rõ cho người bệnh hiểu và đồng ý chi trả phần chi phí chênh lệch.
Trường hợp người bệnh BHYT không đồng ý sử dụng dịch vụ y tế từ máy xã hội hóa trong khi máy móc, thiết bị được đầu tư từ nguồn ngân sách bị hỏng hoặc chưa được đầu tư mua sắm, thì cơ sở y tế phải chuyển người bệnh tới cơ sở y tế khác theo tuyến chuyên môn kỹ thuật để đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT
Một yêu cầu đáng quan tâm nữa là các đơn vị phải rà soát phương án chi phí, mức thu, thời gian thu hồi vốn của các nhà đầu tư. Trong trường hợp thời gian thu hồi vốn nhanh hơn so với hợp đồng đã ký, cần phải thương thảo để điều chỉnh thời gian hoặc giảm giá dịch vụ cho phù hợp.
Theo VTC