ClockChủ Nhật, 19/05/2019 08:49

Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi bằng BHYT

Chiếm trên 11% trong tổng số đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), người cao tuổi được Nhà nước quan tâm chăm sóc sức khỏe thông qua việc cấp thẻ BHYT cho đối tượng từ 80 tuổi trở lên.

Hơn 300 người nghèo, người cao tuổi được khám cấp thuốc miễn phíKhám và cấp thuốc miễn phí cho hơn 1.000 người dânKhám bệnh, tư vấn sức khỏe miễn phí cho 300 người cao tuổi vùng caoChung tay vì sức khỏe và hạnh phúc của người cao tuổi

Khám chữa bệnh tại bệnh viện đa khoa huyện Bắc Hà. Ảnh: Quốc Khánh – TTXVN

Việt Nam đang trong giai đoạn cuối của thời kỳ dân số vàng, tỷ lệ người cao tuổi gia tăng nhanh, bối cảnh già hóa dân số đang diễn ra với tốc độ rất nhanh. Theo đó, tỷ lệ người cao tuổi tham gia BHYT trên tổng số đối tượng chiếm trên 11% và tăng dần qua các năm. Năm 2016 cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT cho người cao tuổi là 8,8 triệu người; năm 2017 là 9,8 triệu người và năm 2018 là trên 11 triệu người (con số này chưa bao gồm đối tượng người cao tuổi là thân nhân quân nhân do BHXH Bộ Quốc phòng cấp thẻ BHYT).

Là nhóm đối tượng đã suy giảm nhiều về thể lực sau thời gian dài lao động và cống hiến, người cao tuổi là nhóm có tần suất khám chữa bệnh (KCB) và chi phí KCB bình quân cao hơn các nhóm đối tượng khác do bệnh ở tuổi già chủ yếu là các bệnh mạn tính (như tim mạch, huyết áp, đột quỵ, tiểu đường, thoái hóa khớp…) phải điều trị suốt đời và điều trị nhiều bệnh cùng lúc; tính chất bệnh nặng... Thời gian qua, quỹ khám, chữa bệnh BHYT đã bảo đảm tốt quyền lợi cho người cao tuổi có BHYT.

Cụ thể, năm 2017, có 52,8 triệu lượt KCB của người cao tuổi (chiếm tỷ lệ 31,4% số lượt KCB trên toàn quốc), với chi phí là 35.500 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 40,2% tổng chi toàn quốc). Năm 2018, ước tính có khoảng 57 triệu lượt KCB của người cao tuổi (chiếm tỷ lệ khoảng 34% số lượt KCB trên toàn quốc).

Với đặc điểm thể chất, người cao tuổi cần có những dịch vụ y tế đặc thù phù hợp với mô hình bệnh tật của người cao tuổi là các bệnh mạn tính, cần được điều trị theo dõi tại tuyến y tế gần nơi cư trú đó là các trạm y tế xã phường. Đồng thời, cần có các chuyên ngành riêng điều trị các bệnh lý của người cao tuổi. Tuy nhiên, hiện nay, tại Việt Nam mới có duy nhất 1 bệnh viện chuyên khoa khám chữa bệnh cho người cao tuổi là Bệnh viện Lão khoa Trung ương. Các cơ sở y tế tuyến dưới chưa phát triển các dịch vụ theo hướng chuyên sâu cho người cao tuổi mà cùng chung với các bệnh nhân mắc bệnh nội khoa, ngoại khoa, các chuyên khoa khác.

Vừa qua Bộ Y tế đã triển khai gói dịch vụ y tế cơ bản tại Trạm y tế xã theo Thông tư 39, Danh mục thuốc điều trị các bệnh tại tuyến y tế cơ sở được mở rộng, theo đó các bệnh mạn tính được quản lý theo dõi tại đây, tạo thuận lợi cho người cao tuổi trong khám và điều trị các bệnh mạn tính tại Trạm y tế xã, phường, thị trấn. Bộ Y tế cũng đang triển khai mô hình bác sỹ gia đình sẽ giúp cho việc theo dõi điều trị các bệnh của người cao tuổi tại nhà được tốt hơn. Một số bệnh viện đã triển khai các Khoa, các Trung tâm điều trị các bệnh liên quan đến người cao tuổi: đột quỵ, Anzeimer…

Như vậy, dịch vụ khám chữa bệnh BHYT đối với người cao tuổi ở Việt Nam đã được quan tâm hơn nhưng vẫn còn những hạn chế cần phải được nghiên cứu khắc phục, tạo thuận lợi hơn nữa cho người bệnh cao tuổi, nhất là tuyến y tế cơ sở tại các vùng nông thôn.

Hiện các bệnh mạn tính cũng đã được triển khai, tập huấn chuyển giao từ các bệnh viện, thực hiện cung ứng thuốc theo gói DVYT cơ bản tại TYT xã, giúp người cao tuổi thuận lợi hơn trong KCB, kịp thời điều trị các bệnh mạn tính cũng như các bệnh của người cao tuổi gần nơi cư trú, đồng thời giúp giảm chi phí cơ hội do đi lại, vận chuyển … cho người cao tuổi và gia đình.

Để bảo đảm tốt nhất việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, việc mở rộng, sớm hoàn thành tỷ lệ bao phủ BHYT đến 100% đối tượng này có ý nghĩa quan trọng. Hiện người cao tuổi đang tham gia BHYT theo các đối tượng: Người cao tuổi là người trên 60 tuổi, vẫn đang làm việc tại các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp: người lao động và người sử dụng lao động phải đóng BHYT cho người cao tuổi; Người cao tuổi thuộc hộ gia đình cận nghèo, hộ gia đình nông lâm ngư diêm nghiệp có mức sống trung bình... tham gia BHYT theo nhóm đối tượng hộ gia đình; Người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên được ngân sách nhà nước cấp thẻ BHYT. Tại một số địa phương đã cấp ngân sách mua thẻ BHYT cho người cao tuổi từ 75 đến dưới 80 tuổi. Thời gian tới, để tăng tỷ lệ bao phủ BHYT đối với người cao tuổi cần có giải pháp huy động sự hỗ trợ từ các nguồn khác hoặc có lộ trình giảm dần độ tuổi được cấp thẻ BHYT miễn phí cho người cao tuổi…

Để thuận tiện khi khám, chữa bệnh BHYT và được chăm sóc sức khỏe tốt hơn đối với người cao tuổi, hiện đối tượng này được đăng ký KCB ban đầu tại cơ sở KCB tuyến xã, tuyến huyện thuận tiện với nơi cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở KCB. Người cao tuổi được đăng ký KCB ban đầu tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh, tuyến trung ương khi có khả năng đáp ứng được việc tiếp nhận đăng ký KCB ban đầu. Riêng đối với người cao tuổi trên 80 tuổi được đăng ký KCB ban đầu tại bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiệu quả hơn khi chăm sóc sức khỏe người cao tuổi phải sớm triển khai các chuyên ngành điều trị các bệnh đặc thù tại các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện. Đối với một số bệnh mãn tính như huyết áp, tim mạch, tiểu đường…thì tập huấn, chuẩn bị đầy đủ điều kiện triển khai chương trình quản lý bệnh mãn tính tại tuyến y tế cơ sở tất cả các địa phương. Đồng thời, Bộ Y tế sớm có quy định pháp lý về hoạt động của mô hình bác sỹ gia đình giúp quản lý điều trị hiệu quả các bệnh thông thường, các bệnh mạn tính cho người dân nói chung và người cao tuổi nói riêng.

Theo Tin Tức

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh

Ngày 23/12, tại Trường THCS Nguyễn Tri Phương, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức tập huấn công tác y tế trường học, Bảo hiểm y tế và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh năm học 2024-2025.

Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh
ĐẠI HỘI TIM MẠCH TOÀN QUỐC LẦN THỨ 19:
“Tim mạch học trong kỷ nguyên mới - Con đường bước ra thế giới”

Diễn ra trong các ngày từ 13 đến 15/12, Đại hội Tim mạch toàn quốc lần thứ 19 có chủ đề “Tim mạch học trong kỷ nguyên mới: Con đường bước ra thế giới” do Thừa Thiên Huế đăng cai tổ chức. Đây không chỉ là dịp để các nhà khoa học chia sẻ tri thức, kinh nghiệm, mà còn là cơ hội cập nhật các tiến bộ kỹ thuật và giải pháp mới nhằm giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, nâng cao chất lượng sống của người dân.

“Tim mạch học trong kỷ nguyên mới - Con đường bước ra thế giới”

TIN MỚI

Return to top