ClockThứ Sáu, 17/11/2017 16:10

Chủ động khống chế dịch bệnh sau lũ

TTH - Hiện nay, ngành y tế tiếp tục hỗ trợ nhiều biện pháp giúp dân chủ động phòng ngừa, khống chế dịch bệnh xảy ra sau lũ vừa qua.

 Xử lý môi trường ở xã Hương Toàn

Tập trung từ cơ sở

Xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà sau những ngày lũ đi qua vẫn còn dấu vết bùn đất ở các công trình dân sinh, nhà cửa ở thôn Vân Cù, Giáp Trung, Cổ Lão... nơi bị ngập sâu dài ngày. Bác sĩ Phạm Văn Lại, Trưởng trạm Y tế xã cho biết, hiện mỗi ngày trạm đón hơn 40 lượt bệnh; trong đó, nhiều trường hợp đến xin thuốc điều trị chứng mẩn ngứa, nước ăn tay chân do tiếp xúc với nước lũ dài ngày. Ngoài khám tư vấn, phát thuốc điều trị bệnh sau lũ, cán bộ trạm y tế tăng cường phát tờ rơi, tuyên truyền ở các thôn xóm, khu chợ, nhằm nâng cao kiến thức phòng, chống dịch bệnh trong cộng đồng, hạn chế nguy cơ phát sinh bệnh sau lũ.

Phú Thanh, một xã vùng thấp ở huyện Phú Vang bị chia cắt dài ngày trong lũ; trong đó, Tỉnh lộ 2 nối từ trung tâm xã về cầu Diên Trường (thị trấn Thuận An) và hàng chục hộ dân ở thôn Quy Lai, Hải Thanh bị ngập sâu. Do chủ động phòng ngừa với phương châm “5 tại chỗ” nên đời sống người dân địa phương trước, trong và sau lũ không xáo trộn nhiều. Bác sĩ Nguyễn Vũ, Trưởng trạm Y tế Phú Thanh chia sẻ: "Sau lũ lo nhất là chuyện rác thải, xác động vật từ các vùng cao dồn về, nguy cơ phát sinh dịch bệnh ở địa phương rất cao. Hiện tại, trạm hướng dẫn người dân quan tâm công tác phòng dịch, bảo vệ sức khỏe, như chủ động vệ sinh môi trường, diệt khuẩn, diệt muỗi… "Những ngày này, người dân đến trạm khám, điều trị đông nhưng chưa ghi nhận ca bệnh do ảnh hưởng môi trường mưa lũ”, bác sĩ Vũ nói.

Không để dịch bệnh xảy ra

Bác sĩ Nguyễn Quốc Phòng, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV, Trung tâm Y tế thị xã Hương Trà chia sẻ: "Gần một tuần qua, cán bộ trung tâm trực tiếp phối hợp cơ sở tuyên truyền, vận động bà con xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh; trong đó, chú trọng các phường, xã ngập nặng, như Hương Toàn, Hương Vinh, Hương Phong... Trung tâm Y tế Hương Trà tiếp tục hỗ trợ thêm cloruamin B, thuốc diệt khuẩn, diệt muỗi cho các địa bàn có nhu cầu để xử lý môi trường và khống chế dịch bệnh xảy sau lũ.

Hiện, đội ngũ cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh (TTYTDP) tiếp tục về các địa phương bị ngập nhằm kiểm tra, hỗ trợ cơ sở xử lý môi trường, tuyên truyền phòng dịch bệnh có nguy cơ xảy ra sau lũ. Bác sĩ Lê Tự Hạnh, Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, TTYTDP tỉnh, người trực tiếp bám địa bàn vùng ngập lụt ở Hương Trà, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc… ghi nhận, sau lũ, các địa phương nhanh chóng xử lý môi trường, vệ sinh phòng dịch theo phương châm “nước rút đến đâu xử lý đến đó”. “Trước đây, lo nhất là nguồn nước sạch sau lũ, hiện nay hầu hết bà con đã sử dụng nguồn nước máy nên việc khử khuẩn, ổn định nguồn nước sinh hoạt an toàn sau lũ thuận lợi, góp phần hạn chế vấn đề dịch bệnh xảy ra”, bác sĩ Hạnh nói.

PGS.TS. Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc TTYTDP tỉnh cho biết, phòng dịch sau lũ là vấn đề ngành y tế quan tâm hàng đầu. Hiện, các vùng ngập lụt dài ngày lo nhất là dịch tiêu chảy do vi khuẩn tả, hoặc do vi rút có khả năng lây lan nhanh. Ngoài ra, các bệnh về đau mắt đỏ, bệnh hô hấp, cảm cúm đối trẻ em và người già cũng rất dễ phát sinh. Những bệnh này nếu không điều trị dứt điểm và có chế độ chăm sóc tốt, có thể gây biến chứng sang viêm phế quản, viêm phổi, gây khó khăn trong điều trị. PGS TS. Sơn nhận định, ngoài công tác phòng dịch bệnh sau lũ, hiện ngành y tế quan tâm đến bệnh sốt xuất huyết vì thời tiết đang diễn biến phức tạp, cùng với môi trường sau lũ, mật độ muỗi phát sinh cao. Do vậy, với chủ động của ngành y tế, các ban ngành hữu quan, người dân cần quan tâm đến vấn đề ăn uống, vệ sinh môi trường, thau vét loăng quăng để khống chế dịch bệnh.

Ngoài chủ động vệ sinh môi trường, hướng dẫn người dân phòng bệnh sau lũ, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh vừa tiếp nhận hơn 200 lít hóa chất diệt muỗi, côn trùng từ Viện Paster Nha Trang để tiếp tục hỗ trợ thêm cho các địa phương, đặc biệt các xã, phường ngập lụt dài ngày. Trước đó, Trung tâm đã cấp đầy đủ phương tiện, thuốc men, hóa chất để các địa phương chủ động điều trị, phòng ngừa dịch bệnh.

Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ động phòng, chống rét cho vật nuôi

Nhằm hạn chế thiệt hại về gia súc trong mùa mưa rét năm nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã yêu cầu các địa phương chú trọng các biện pháp phòng rét cho vật nuôi.

Chủ động phòng, chống rét cho vật nuôi
Chủ động đấu tranh, trấn áp tội phạm

Phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS) Công an tỉnh được Ban Giám đốc Công an tỉnh đánh giá là một trong những đơn vị dẫn đầu trong đấu tranh, trấn áp tội phạm, góp phần giữ vững sự bình yên cuộc sống người dân.

Chủ động đấu tranh, trấn áp tội phạm
Chủ động ngăn ngừa tội phạm liên tỉnh

Nhờ nắm và bám sát địa bàn, Công an TP. Huế đã kịp thời triệt phá, bắt giữ nhiều nhóm tội phạm ngoại tỉnh liên quan đến lừa đảo và trộm cắp tài sản.

Chủ động ngăn ngừa tội phạm liên tỉnh
Tập huấn chuyển đổi số cho hơn 170 cán bộ ngành y

Ngày 10/12, Sở Y tế tổ chức tập huấn về công tác chuyển đổi số cho hơn 170 lãnh đạo, cán bộ phụ trách công nghệ thông tin, văn thư bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế tuyến huyện, trạm y tế xã, phường, thị trấn.

Tập huấn chuyển đổi số cho hơn 170 cán bộ ngành y

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top