ClockThứ Ba, 10/03/2020 18:16

Chuẩn bị tâm thế tốt, có thể chiến thắng được dịch bệnh

TTH.VN - Đó là chia sẻ của TS. Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng Khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế với Thừa Thiên Huế Online khi phân tích diễn biến tâm lý hoang mang, lo sợ của người dân trước bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp.

Ổn định tâm lý người dân quanh khu vực nơi cách ly tập trung liên quan đến COVID-19Không khai báo dịch bệnh gây hậu quả nghiêm trọng bị phạt 5-10 năm tùHạn chế những cuộc họp không cần thiết để phòng, chống dịch COVID – 19

TS. Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng Khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế

Theo TS. Nguyễn Thanh Hùng, thực tế những ngày qua cho thấy, nhiều người dân đang thiếu định hướng trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin dẫn đến những căng thẳng hoang mang. Trong khi đó, chỉ khi chúng ta thực sự tbình tĩnh đối mặt, việc xử lý các tình huống mới có thể tốt. Trong dịch bệnh hay bất cứ vấn đề gì, chuẩn bị tâm thế tốt, mới có thể chiến thắng được.

TS đánh giá thế nào về tâm lý người dân những ngày qua trước bối cảnh dịch bệnh COVID-19?

Dịch COVID-19 như Tổ chức Y tế thế giới công bố đã lan rộng nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam cùng các nước đều phải trải qua những khó khăn để phòng chống dịch, nhất là thời điểm vừa qua ở Việt Nam, tình hình dịch diễn biến phức tạp trở lại.

Tình hình dịch phức tạp, kéo theo những lo lắng của người dân. Sự lo lắng đó tuy có mang lại mặt tích cực là khiến người dân quan tâm hơn, theo dõi các thông tin của dịch để phòng tránh nhưng cũng đã nảy sinh những mặt tiêu cực. Dễ thấy là vừa qua người dân đổ xô đi mua, tích trữ lương thực, thực phẩm; nhiều người đến ngân hàng để rút tiền về; họ cũng lo lắng dẫn đến chia sẻ, tin vào những thông tin thiếu kiểm chứng trên mạng hay trách móc những người nhiễm gây ra tình trạng lây chéo dịch COVID-19…

Một điều dễ thấy là nhiều người đã quá căng thẳng, dẫn đến việc hùa hay làm theo tâm lý đám đông. Họ chưa thực sự bình tĩnh để tiếp nhận và xử lý thông tin.

Những hành động trên nảy sinh những hệ lụy như thế nào, thưa TS?

Tất nhiên, những hành động chưa đúng sẽ dẫn đến những hệ lụy xấu. Đơn cử như việc tích trữ lương thực, nếu không có sự định hướng, can thiệp kịp thời từ phía chính quyền và các cơ quan chức năng rất dễ dẫn đến tình trạng xáo trộn thị trường và tâm lý của con người cũng bị xáo trộn. Việc tích trữ lương thực như thế cũng gây ra tâm lý bất bình đẳng, người có tiền mua nhiều, người khó khăn lo sợ, gây ức chế, có thể nảy sinh những cách ứng xử không phù hợp.

Đáng lo nhất là việc tiếp cận, xử lý thông tin. Thông tin không đúng về dịch bệnh COVID-19 sẽ làm mức độ hoang mang của người dân càng lớn hơn. Khi quá căng thẳng, sẽ dẫn đến những hành vi không đúng. Thời gian qua, một số người đã truy tìm thong tin đời tư một số trường hợp nhiễm COVID-19, đây thực sự là vấn đề rất đáng lo. Người bị nhiễm hoặc gây ra những ảnh hưởng liên quan thì thường đan xen nhiều cảm xúc từ hối hận, cẳng thẳng, lo sợ, ức chế, chán nản… nếu mức độ đẩy lên cao không chỉ gây cản trở trong việc họ vượt qua bệnh tật mà còn có thể dẫn đến trầm cảm, thậm chí tự tử. Đáng lo hơn là khi mức độ đẩy lên quá cao, họ còn có thể bất hợp tác với cơ quan y tế và nảy sinh suy nghĩ muốn lây bệnh cho người khác khiến tình trạng dịch bệnh nguy hiểm hơn.

Khi người dân hiểu được thông tin dịch bệnh, họ sẽ ý thức hơn trong việc chủ động phòng chống

Theo TS, liệu có phải người dân chưa chuẩn bị tốt về tâm lý, dẫn đến những hậu quả bước đầu như đã nêu?

Điều này hoàn toàn đúng. Thực ra, những hiện tượng, vấn đề như đại dịch đối với chúng ta rất ít xảy ra nên người dân bị bất ngờ, chưa chủ động. Họ làm theo tâm lý đám đông, thiếu bình tĩnh.

Nếu có sự chuẩn bị tốt về tâm lý, tâm thế, rõ ràng sẽ hạn chế những điều đã phân tích ở trên. Một phần nữa là người dân chưa tiếp nhận đầy đủ, chưa hiểu hết về dịch bệnh, chưa tiếp nhận thông tin một cách chính xác dẫn đến hoang mang và “lây” sự hoang mang đó cho người khác. Tôi nghĩ khi họ nắm và hiểu rõ thông tin về dịch bệnh, có sự chuẩn bị tốt về tâm thế thì sẽ biết cách xử lý mọi tình huống. Lúc đó họ sẽ biết cách tìm hiểu và áp dụng các biện pháp phòng dịch thay vì ngồi lo lắng. Khi phòng dịch tốt thì hiệu quả sẽ cao hơn. Vì thế có thể nói chuẩn bị tâm thế tốt có thể chiến thắng được dịch bệnh.

Khủng hoảng về dịch bệnh không đáng lo bằng khủng hoảng về tâm lý. Bởi tình hình có thể không quá phức tạp nhưng do người dân quá căng thẳng, quá lo lắng dẫn đến những hoang mang. Chỉ riêng về sự lo lắng, căng thẳng thì trong khoa học về sức khỏe cho thấy điều này hoàn toàn không tốt.

Trong bối cảnh hiện nay, khi mà sự lo lắng còn nhiều, người dân có tâm lý sợ cách ly, sợ đi khám khi có bệnh. TS nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Cũng vì sự lo lắng, hoang mang, những tác động tiêu cực của tâm lý đám đông mới phần nào ảnh hưởng đến điều đó. Lo sợ bị cách ly là tâm lý chung bởi rơi vào trường hợp đó, họ sợ không được tiếp xúc, giao tiếp với mọi người, không được làm mọi việc một cách tự do…

Tuy nhiên, vừa qua, nhiều phương tiện truyền thông cũng đã chia sẻ rất rõ, ở các khu cách ly, điều kiện được chuẩn bị rất tốt, được đảm bảo về ăn uống, ti vi, mạng internet… tất nhiên cũng sẽ có sự bất tiện hơn bình thường nhưng phải hiểu cách ly là để tự bảo vệ sức khỏe bản thân và bảo vệ người thân, cộng đồng. Hiểu như vậy thì sẽ bớt những vấn đề tâm lý, thoải mái đón nhận khi rơi vào trường hợp nhiễm bệnh hay nghi ngờ nhiễm bệnh.

Việc đi khám nếu có bệnh và thực hiện các biện pháp cách ly khi cần thiết thật sự quan trọng

Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, theo TS cần có những giải pháp nào để người dân sẵn sàng với tâm thế phòng dịch?

Với người dân, theo tôi cần tiếp cận thông tin một cách thường xuyên và liên tục qua những nguồn tin chính thống. Phải hiểu đúng, đầy đủ thông tin về dịch bệnh, mức độ ảnh hưởng mới có thể xử lý tình huống tốt. Ngoài ra, cần tiếp thu sự chỉ đạo, những hướng dẫn của chính quyền, các cơ quan chức năng trong việc đối phó với dịch bệnh.

Từ việc hiểu về dịch bệnh sẽ ý thức hơn về phòng dịch, hạn chế tập trung nơi đông người, trung thực trong khai báo thông tin y tế hay chủ động phòng dịch.

Về phía cơ quan chức năng, cũng cần đẩy mạnh truyền thông, thường xuyên có các thông tin khuyến cáo cho người dân những biện pháp phòng dịch. Đồng thời cần xử phạt thật mạnh những người giấu dịch, phát tán những thông tin thiếu kiểm chứng, ảnh hưởng đến tâm lý người dân.

Xin cảm ơn TS về cuộc trao đổi!

Hữu Phúc (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kịp thời ứng cứu người dân trong hoạn nạn

Vừa qua, mưa lớn gây sạt lở, ngập úng tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh khiến không ít trường hợp người dân gặp nạn. Đây cũng là thời điểm lực lượng lượng công an phát huy vai trò xung kích, tiên phong ứng cứu người dân trong lúc nguy nan.

Kịp thời ứng cứu người dân trong hoạn nạn
Sáng kiến hiệu quả giúp người dân tự nguyện giao nộp vũ khí

Với Công trình thanh niên “Tuyên truyền, vận động Nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo”, tuổi trẻ Công an Thừa Thiên Huế đã khơi gợi được sự thấu hiểu, đồng lòng và hưởng ứng của đông đảo người dân.

Sáng kiến hiệu quả giúp người dân tự nguyện giao nộp vũ khí
Giải cứu thành công người dân bị lừa sang Campuchia

Vừa qua, đường dây nóng của Giám đốc Công an tỉnh tiếp nhận đề nghị cầu cứu của gia đình ông T.V.Q và bà L.T.N.C trú tại thôn Mậu Tài, xã Phú Mậu (TP. Huế) về việc con trai là anh T.V.V bị lừa bán sang Campuchia.

Giải cứu thành công người dân bị lừa sang Campuchia

TIN MỚI

Return to top