ClockThứ Bảy, 24/12/2022 18:39

Chuyển giao kỹ thuật chụp và can thiệp lấy huyết khối ở bệnh nhân nhồi máu não cấp

TTH.VN - Chiều 24/12, ThS, BSCK II Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết đã cử nhóm chuyên gia –bác sĩ hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật “Chụp và can thiệp lấy huyết khối ở bệnh nhân nhồi máu não cấp” cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh.

Hội chẩn trước khi thực hiện kỹ thuật. Ảnh: BVTW Huế 

Đội ngũ chuyên gia Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế trực tiếp hướng dẫn các bác sỹ Khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hà Tĩnh chụp mạch máu não bằng hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) cho 5 bệnh nhân. Các bệnh nhân này bị đột quỵ não, được chỉ định chụp mạch não nhằm xác định các tổn thương hoặc dị dạng mạch máu não. Qua kết quả chụp, 3 bệnh nhân không có bất thường mạch máu não, được chỉ định điều trị nội khoa; 2 bệnh nhân có dấu hiệu bất thường về mạch máu não, tiếp tục được theo dõi, sau 6 tháng sẽ kiểm tra lại, tùy tình trạng bệnh để quyết định có phải can thiệp mạch hay không.

Để tiếp nhận kỹ thuật chụp và can thiệp hút huyết khối ở bệnh nhân nhồi máu não cấp, trước đó, BVĐK Hà Tĩnh tỉnh đã cử một ê kíp tham gia lớp đào tạo về can thiệp mạch não, đồng thời chuẩn bị đầy đủ cơ sở, vật chất đáp ứng yêu cầu của việc triển khai kỹ thuật này. Theo kế hoạch, các chuyên gia của BVTW Huế sẽ tiếp tục chuyển giao kỹ thuật cho các bác sỹ BVĐK Hà Tĩnh theo từng đợt. Dự kiến khoảng 6 tháng đến một năm, BVĐK tỉnh này sẽ làm chủ được kỹ thuật cao nói trên.

Đột quỵ não là bệnh lý cấp tính, có tính chất nguy hiểm cao. Những người thoát khỏi tử vong thường để lại di chứng nặng nề cả về thể xác và tinh thần. Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 200.000 ca bệnh đột quỵ mỗi năm, tỷ lệ đột quỵ xảy ra ở người trẻ có chiều hướng gia tăng.

Theo dõi thao tác thực hiện trong chuyển giao kỹ thuật tại BVĐK Hà Tĩnh. Ảnh: BVTW Huế 

Tại Hà Tĩnh, mỗi năm BVĐK tỉnh tiếp nhận 1.000 -1.500 bệnh nhân bị đột quỵ, khoảng ½ trong số này phải can thiệp chụp mạch máu não. Việc tiếp nhận kỹ thuật “Chụp và can thiệp hút huyết khối ở bệnh nhân nhồi máu não cấp” giúp phát hiện và can thiệp sớm đột quỵ não, hạn chế tỷ lệ tử vong và di chứng, người bệnh đột quỵ được điều trị cấp cứu kịp thời tại địa phương.

Hàng năm, Trung tâm Đột quỵ BVTW Huế điều trị cho 2.500-3.000 bệnh nhân đột quỵ và bệnh lý mạch máu não. Hiện nay, Trung tâm đang triển khai tất cả các phương pháp điều trị tiên tiến trong can thiệp thần kinh, đột quỵ như can thiệp lấy huyết khối, tái thông mạch máu não với tỉ lệ thành công trên 95%, can thiệp điều trị hầu hết các loại phình mạch, các dị dạng mạch máu não ở trẻ em và sơ sinh… Trung tâm đã nhận được Giải thưởng Bạch kim của Hội Đột quỵ thế giới (WSO) trong tổ chức cấp cứu và điều trị đột quỵ vào năm 2020.

Ngoài đẩy mạnh triển khai nhiều kỹ thuật cao cấp và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; BVTW Huế đã tăng cường các hoạt động đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật theo chương trình chỉ đạo tuyến (Đề án 1816, Đề án Bệnh viện vệ tinh, Đề án 2628) cho các bệnh viện tuyến dưới. Bệnh viện đã tổ chức thành công nhiều khóa đào tạo, chuyển giao kỹ thuật chụp mạch máu não DSA và can thiệp mạch máu não cho các bệnh viện tuyến dưới trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên và cả nước.

LINH TUỆ

 

 

 

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Chống nóng” từ trong bệnh viện

Nhằm tạo sự thoải mái và giảm nhiệt trước tình trạng nắng nóng gay gắt trong những ngày gần đây, các bệnh viện đã triển khai nhiều giải pháp từ tăng cường cơ sở vật chất cho đến phân luồng, truyền thông phòng chống dịch bệnh…

“Chống nóng” từ trong bệnh viện
Ca ghép tim từ tạng hiến Quảng Ninh xuất viện

Ngày 24/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế tổ chức lễ ra viện cho bệnh nhân (BN) Phạm Q.T.. Đây là trường hợp ghép tim thứ 11 và là ca ghép tim xuyên Việt thứ 10 tại đơn vị.

Ca ghép tim từ tạng hiến Quảng Ninh xuất viện
Thêm một ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola

Sáng 20/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế thông tin đang tiếp nhận điều trị một nam bệnh nhân bị sốt rét tại Khoa Bệnh nhiệt đới. Đây là trường hợp sốt rét ngoại lai thứ hai tại địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay.

Thêm một ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola

TIN MỚI

Return to top