ClockThứ Năm, 25/10/2018 06:45
AN TOÀN VỆ SINH THỰC PHẨM:

Có thể bị phạt hàng tỷ đồng nếu vi phạm

TTH - Nghị định 115/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/10/2018 với nhiều mức xử phạt mạnh về các vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVS TP), đồng thời quy định rõ các hành vi để dễ xử phạt, kể cả trong lĩnh vực kinh doanh thức ăn đường phố. Để hiểu rõ hơn về nghị định mới này, phóng viên Báo Thừa Thiên Huế có cuộc trao đổi với bác sĩ CK II Nguyễn Ngọc Diễn, Chi Cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh.

Thành lập 8 mô hình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩmKiểm tra an toàn thực phẩm 67 cơ sở, nhà hàng ở TP. HuếTăng cường trách nhiệm người sản xuất, kinh doanh thực phẩm

Kiểm tra ATVSTP hàng hóa ở các cơ sở kinh doanh ở TP. Huế

Điểm mới của Nghị định 115 là gì, thưa ông?

Nghị định 115 thay thế Nghị định 178 ban hành từ năm 2013. Nghị định 115 quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về ATVSTP. Nghị định mới bỏ hình thức xử phạt cảnh cáo, chỉ quy định hình thức phạt tiền.

Ông có thể nói cụ thể hơn?

Các mức xử phạt cao hơn nhiều so với hành vi tương tự trong Nghị định 178, có hành vi tăng mức xử phạt gấp 2-3 lần, nhưng cũng có hành vi bị xử phạt tăng đến 10 lần. Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính là 100 triệu đồng đối với cá nhân, 200 triệu đồng đối với tổ chức.

Nghị định quy định có 7 hành vi xử phạt theo giá trị hàng hóa vi phạm, không bị giới hạn bởi mức phạt tiền tối đa nêu trên, trong đó có 5 hành vi xử phạt từ 5-7 lần giá trị hàng hóa vi phạm, 2 hành vi xử phạt từ 1-2 lần giá trị hàng hóa vi phạm. Với cơ sở vi phạm nhiều hành vi sẽ bị xử phạt cùng lúc các hành vi vi phạm. Do đó, một cơ sở vi phạm ATVSTP có thể bị phạt lên hàng tỷ đồng chứ không chỉ dừng lại mức tối đa 200 triệu đồng.

Nghị định sẽ không loại trừ bất kỳ hình thức kinh doanh nào, kể cả thức ăn đường phố, đúng không thưa ông?

Đúng vậy! Thức ăn đường phố là loại hình kinh doanh phổ biến, giá cả phù hợp với mức thu nhập chung của nhiều người, tiện lợi nên được đông đảo người dân sử dụng. Lâu nay, việc đảm bảo ATVSTP trong thức ăn đường phố (trong đó có các gánh hàng rong) còn rất nhiều vấn đề, việc quy định xử phạt nghiêm khắc và tăng cường kiểm tra ATVSTP đối với loại hình thức ăn đường phố là vô cùng cần thiết.

Bếp ăn tập thể Trường tiểu học Quang Trung Tp. Huế đã cam kết không vi phạm ATVSTP

Nghị định mới này quy định sẽ phạt tiền từ 500.000-1.000.000 đồng (quy định hiện hành là 300.000-500.000 đồng) đối với một trong các hành vi kinh doanh thức ăn đường phố vi phạm về điều kiện bảo đảm ATVSTP, như không có bàn, tủ, thiết bị, dụng cụ... đáp ứng theo quy định để bày bán thức ăn; thức ăn không che đậy ngăn bụi bẩn; có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn...

Có ý kiến cho rằng quy định phạt từ 500.000 -1.000.000 đồng khá nặng đối với một gánh hàng rong. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Cùng là hoạt động kinh doanh ăn uống nhưng mức xử phạt với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cao hơn nhiều (cao nhất 10 triệu đồng/vi phạm); còn mức phạt từ 500.000-1.000.000 đồng/vi phạm đối với kinh doanh thức ăn đường phố là phù hợp, đủ sức răn đe. Từ đó tạo cho người bán hàng rong, thức ăn đường phố cần khẩn trương bổ sung những điều kiện đảm bảo ATVSTP theo quy định, xây dựng thương hiệu, tạo uy tín cho cơ sở, thu hút được khách hàng.

Tuy nhiên, trước mắt là phải tuyên truyền cho các cơ sở, chủ hàng rong biết các vi phạm sẽ bị xử phạt và mức xử phạt để dần khắc phục, thay đổi hành vi, thực hiện tốt các quy định của pháp luật.

Theo ông, các cơ sở, chủ quán... kinh doanh các mặt hàng ăn uống trên địa bàn có đảm bảo ATVSTP, nhất là thức ăn đường phố?

Công tác đảm bảo ATVSTP trên địa bàn tỉnh trong tầm kiểm soát, công tác thanh hậu kiểm, công tác giám sát ATVSTP được tiến hành thường xuyên. Trong thời gian qua, các đơn vị, ban ngành chức năng phối hợp tiến hành lấy mẫu và phân tích tại phòng xét nghiệm 80 mẫu, trong đó 100% số mẫu đạt; lấy mẫu xét nghiệm nhanh 1.615 mẫu, trong đó có 1.491 mẫu đạt, với tỷ lệ 92,3%.

Vấn đề ATVSTP ở các phường xã, thị trấn hiện do chính quyền sở tại quản lý. Tại tuyến này, các ban, ngành chức năng đã phối hợp, thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát, tuyên truyền nâng cao ý thức và hành động cho người dân trong kinh doanh chế biến ATVSTP. Đặc biệt, các hàng quán, thức ăn đường phố đều thực hiện ký cam kết không vi phạm ATVSTP, nhiều cơ sở, đơn vị đầu tư xây dựng cơ sở, đầu tư trang thiết bị, trang bị bảo hộ, tạo được được thương hiệu, thu hút nhiều khách du lịch và khách nội địa.

Hiện nay, tổng số cơ sở do tuyến tỉnh quản lý 3.975 cơ sở; trong đó, có 3.305 cơ sở ký cam kết không vi phạm ATVSTP, đạt tỷ lệ 83,14% . Đây là tỷ lệ khá cao so với toàn quốc.

Minh Văn (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bảo đảm hoạt động thanh toán an toàn, thông suốt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có văn bản số 10182/NHNN-TT yêu cầu các đơn vị liên quan trực thuộc, các tổ chức tín dụng, NAPAS và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán,... triển khai một số biện pháp để bảo đảm hoạt động thanh toán diễn ra an toàn, thông suốt trong thời gian cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán 2025.

Bảo đảm hoạt động thanh toán an toàn, thông suốt dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025
WC ở trường học:
Thiếu để mắt sẽ mất ý nghĩa và thành lãng phí

Đầu tư là một chuyện, còn chăm sóc, quản lý, sử dụng lại là một chuyện. Nếu thiếu quan tâm quản lý, thì các nhà vệ sinh ở trường học sẽ rất nhanh bị xuống cấp, trở nên mất vệ sinh, và rồi lại trở thành nỗi ám ảnh cho mỗi học sinh khi có nhu cầu...

Thiếu để mắt sẽ mất ý nghĩa và thành lãng phí

TIN MỚI

Return to top