Kiểm tra thân nhiệt tại chốt kiểm soát y tế ở huyện Phong Điền
Nhà chỉ cách nơi làm việc chưa đây 3 cây số nhưng mấy hôm nay, anh Hồ Thiện Linh (xã Điền Hòa, huyện Phòng Điền) đành phải nhìn mặt vợ con qua màn hình điện thoại. Từ khi Quảng Trị ghi nhận 2 trường hợp dương tính với COVID-19, công ty anh Linh đang làm việc đề ra nguyên tắc “nội bất xuất ngoại bất nhập”, tất cả nhân viên, lao động của công ty buộc phải sinh hoạt ngay tại trụ sở mà không được về nhà, ít nhất đến hết tháng 8 này. Đây được xem là cách phòng ngừa triệt để khi vị trí công ty này (thuộc địa phận xã Điền Hương, huyện Phong Điền) là khu vực giáp ranh giữa Thừa Thiên Huế và Quảng Trị.
“Dịch bệnh COVID-19 xảy ra, hàng ngày chúng tôi đi làm đều được kiểm soát chặt chẽ. Ngoài đeo khẩu trang, chúng tôi được đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn trước khi bước vào làm việc. Lúc ở Quảng Trị ghi nhận trường hợp nhiễm COVID-19, công ty kiểm soát chặt hơn, yêu cầu lao động làm việc, sinh hoạt ngay tại trụ sở. Do vậy, chúng tôi phải chuẩn bị để bắt đầu một nhịp sinh hoạt mới”, anh Linh nói.
Theo anh Linh, dù yêu cầu của công ty khiến không ít người bất tiện nhưng tất cả các lao động đều vui vẻ chấp hành với phương châm phòng dịch là trên hết. “Tại nơi tôi làm việc không chỉ có lao động ở Thừa Thiên Huế mà còn có nhiều người ở Quảng Trị và địa phương khác nên yêu cầu của công ty là hoàn toàn phù hợp”, Linh chia sẻ.
Nếp sinh hoạt ở những làng quê từ lâu là thứ gì đó cố hữu. Họ sống cùng nhau, có miếng ngon chia năm sẻ bảy; việc đồng áng, mùa màng cũng "gọi tên" cộng đồng. Chỉ có điều, trong thời buổi hiện đại, như người thành phố, thông tin từ báo đài, truyền hình đến với họ nhanh hơn. Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, người dân thôn quê cẩn trọng hơn trước, sẵn sàng “hy sinh” những thứ tưởng chừng thuộc về bản chất. Ngoài tiếp nhận thông tin có chọn lọc, thay vì đon đả, chào mừng, họ dè chừng với người lạ hơn.
Anh Võ Văn Đức (xã Điền Hương, huyện Phong Điền) bảo, nếu như trước đây lướt facebook chỉ để giải trí thì nay, di chuyển con trỏ là để cập nhật thông tin dịch bệnh và COVID-19, tình hình dịch bệnh đều là câu chuyện trong những buổi nói chuyện của người dân. Họ truyền tai nhau cách phòng ngừa lẫn những khuyến cáo của cơ quan chức năng. “Vì là vùng giáp ranh nên ở địa phương chúng tôi có nhiều tuyến đường kết nối đến các xã thuộc huyện Hải Lăng (Quảng Trị). Những ngày bình thường, lượng người từ Quảng Trị qua lại rất đông. Họ đi làm công nhân ở Công ty cổ phần chăn nuôi CP hay nuôi tôm trên cát tại địa phương. Dịch bệnh COVID-19 bùng phát chúng tôi lại càng cảnh giác, hạn chế tiếp xúc”, anh Đức cho biết.
Hình thành một thói quen chưa bao giờ dễ dàng đối với những người dân vùng nông thôn, việc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn thường xuyên dường như họ không hề nghĩ đến trước ngày đại dịch COVID-19 xuất hiện. Nhưng bây giờ, ra đường phải đeo khẩu trang, làm nông cũng đeo khẩu trang, chỗ đông người càng phải đeo khẩu trang. Những ngôi chợ làng vào cổng không khẩu trang coi như xách giỏ đi về. Những điều đó hình thành nên một thói quen, cách sống mới, an toàn cho người dân. “Dịch COVID-19 rất phức tạp, nếu chúng tôi không chấp hành theo quy định của Nhà nước thì sẽ nguy hiểm đến bản thân và gia đình”, chị Trần Thị Lý (xã Điền Lộc, huyện Phong Điền) nói.
Những chốt kiểm soát y tế phòng, chống dịch COVID-19 tại các xã giáp ranh với huyện Hải Lăng đã được chính quyền địa phương kích hoạt, kiểm soát chặt chẽ, khai báo y tế đối với người, phương tiện vào huyện bằng đường bộ. Tất cả để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng và cuộc sống bình yên cho người dân. Lãnh đạo huyện Phong Điền bảo rằng, việc rà soát, giám sát người dân trở về cư trú trên địa bàn được làm chặt chẽ. Thực hiện phương châm “chống dịch như chống giặc”, tuyệt đối không lơ là chủ quan. Ngoài sự quyết liệt của các cấp chính quyền trong việc rà soát, sàng lọc người vào địa bàn, chỉ đạo khai báo y tế, tất cả các trường hợp đi từ vùng dịch về địa phương, nhận thức của người dân cũng đang chuyển biến tích cực, họ cùng chung tay đẩy lùi đại dịch COVID-19.
Bài, ảnh: L.Thọ