Nạn nhân Ư. tại khoa Gây mê hồi sức A
Trước đó, vào sáng 1/6, BV Trung ương Huế tiếp nhận nạn nhân L.V.Ư (35 tuổi) trong tình trạng hôn mê sâu, ngừng tim; nhiều vị trí trên người bị bỏng nặng, các tĩnh mạch tắc hoàn toàn, cẳng chân trái bị hoại tử. Nạn nhân Ư là công nhân đường diện 500KW, quê ở Thanh Oai, Hà Nội.
Tại khoa Cấp cứu, các bác sĩ của BV Trung ương Huế nhanh chóng cấp cứu cho nạn nhân Ư. Sau đó nạn nhân được chuyển sang khoa Gây mê hồi sức A. Tại đây, nạn nhân Ư lại bị suy thận, rơi vào tình trạng hôn mê sâu, liên tục bị loạn nhịp tim, thậm chí có lúc ngừng tim. Các bác sĩ tiếp tục cấp cứu ngừng tuần hoàn, cho bệnh nhân sử dụng thuốc thở máy, sốc điện, hồi sức tích cực. Sau nhiều giờ thực hiện các biện pháp hồi sinh tổng hợp, nạn nhân Ư. qua cơn nguy kịch, tình trạng ổn định dần. Hiện tại, ý thức của nạn nhân được cải thiện, ăn uống trở lại. Tuy vậy, cẳng chân trái của nạn nhân Ư. bị hoại tử phải phẫu thuật cắt bỏ.
PGS.TS Nguyễn Viết Quang, Trưởng Khoa Gây mê hồi sức A, BV Trung ương Huế cho biết, việc cứu sống nạn nhân Ư. không chỉ nhờ sự nỗ lực của các y, bác sĩ Khoa Cấp cứu, Khoa Gây mê hồi sức A mà có sự sơ cấp cứu kịp thời trước khi vào viện.
PGS.Quang khuyến cáo, khi gặp sự cố điện giật, trước tiên phải nhanh chóng ngắt nguồn điện, tách nạn nhân ra khỏi dòng điện bằng gậy nhựa hoặc gỗ khô, không dùng vật dụng bằng kim loại gạt dây điện. Nếu nạn nhân đang ở nơi có nhiều nước, cần đưa ra khỏi vùng nước. Phải hô hấp nhân tạo và xoa bóp tim ngoài lồng ngực, hà hơi thổi ngạt để cấp cứu nạn nhân. Nếu có điều kiện thì tiêm thuốc trợ tim, kích thích hô hấp. Khi nạn nhân tự thở được và tim đập trở lại thì lúc đó mới băng vết bỏng, dùng thuốc giảm đau và chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế sớm nhất. Tuyệt đối không vì hoảng loạn mà sờ ngay vào người bị điện giật khi chưa ngắt điện. Nhiều trường hợp cứu người bị điện giật không đúng cách đã bị tử vong trước khi cứu được nạn nhân.
Tin, ảnh: Minh Văn