ClockThứ Sáu, 30/07/2021 10:05

“Đảm bảo thực hiện triệt để quy trình phòng chống lây nhiễm chéo”

TTH - Đó là nhấn mạnh của PGS.TS. Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế Thừa Thiên Huế trước áp lực đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong thời gian cao điểm phân loại, sàng lọc và kiểm soát một số lượng lớn người dân trở về từ vùng dịch.

Giải quyết tình trạng ùn ứ ở chốt số 4, kích hoạt thêm các khu cách ly tập trungQuá tải và nhiều nguy cơ lây nhiễmChuẩn bị hạ tầng, sẵn sàng khu tiếp nhận, cách ly công dân cấp phường, xã

PGS.TS Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế Thừa Thiên Huế

Trước tình trạng công dân Thừa Thiên Huế tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trở về địa phương tránh dịch ngày càng nhiều, PGS.TS. Trần Kiêm Hảo cho biết: Tình trạng này khiến cho không riêng ngành y tế mà cả toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh đều bị tăng thêm áp lực.

Tính đến chiều 27/7, Việt Nam đã ghi nhận 114.915 ca mắc COVID-19 trong nước. Riêng tỉnh ta vẫn may mắn hơn khi số ca nhiễm SARS-CoV-2 ghi nhận từ ngày 28/4 đến nay là 24 trường hợp. Tuy nhiên, chúng ta lại đang có số lượng đối tượng F1, F2 và người trở về từ vùng dịch rất lớn. Số liệu cập nhật từ ngày 28/4 đến nay, 857 trường hợp F1 và 7.956 trường hợp F2, có 4.313 trường hợp đang cách ly tại các điểm cách ly tập trung; trong đó, chỉ riêng ngày 27/7, tăng thêm 1.298 người. Đây là một áp lực rất lớn đối với tỉnh tại thời điểm này.

Với ngành y tế, áp lực cụ thể như thế nào, thưa ông?

Tình hình dịch bệnh ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam phức tạp, khiến dòng người tự phát trở về địa phương với số lượng rất lớn. Một ngày, chúng ta tiếp nhận trong khoảng từ 300- 600 lượt người. Tình trạng này tạo áp lực rất lớn không riêng với ngành y tế, mà với tất cả lực lượng phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh. Riêng với ngành y tế, chúng tôi buộc phải làm chặt chẽ hơn công tác xét nghiệm, sàng lọc, phân loại ngay từ ban đầu để tìm ra những trường hợp F0. Khi phát hiện ra những ca F0 trong số lượng rất lớn người phơi nhiễm này, chúng tôi lại phải tiếp nhận, thu dung, cách ly, theo dõi, điều trị. Đồng thời, đưa các trường hợp F1 liên quan vào khu cách ly tập trung. Hiện tại, tất cả những địa điểm được dành để thu dung, cách ly tập trung đối tượng F1 và người trở về vùng dịch đang hoạt động gần hết công suất.

Với lượng người phơi nhiễm dịch bệnh rất đông, ngành y tế đã có phương án phòng, chống lây nhiễm chéo như thế nào?

Trong các khu cách ly, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh đã hình thành nên những bộ khung quản lý và có quy chế hoạt động rất cụ thể. Với lĩnh vực y tế, chúng tôi luôn kết hợp chặt chẽ với lực lượng quân đội để giám sát, theo dõi nghiêm ngặt những đối tượng được cách ly tập trung. Sự giám sát này không chỉ để kiểm soát người ra – vào khu cách ly hằng ngày, mà còn giám sát chặt chẽ và phát hiện kịp thời những triệu chứng bệnh xuất hiện trên người cách ly. Đồng thời, đảm bảo liên tục, thông suốt công tác truyền thông đến với người dân trong khu cách ly. Chúng tôi luôn đảm bảo thực hiện triệt để những khâu này để giúp bà con nắm rõ những nội quy, quy định an toàn phòng dịch cho chính bản thân mình và phòng chống lây nhiễm cho tập thể xung quanh.

Nhiều địa phương bắt đầu cho áp dụng giải pháp cách ly F1 tại nhà. Tại sao Thừa Thiên Huế chưa triển khai việc này, thưa ông? 

Chúng tôi đã lên kịch bản cụ thể về việc cách ly F1 tại nhà và những điều kiện đảm bảo để F1 được cách ly tại nhà. Đồng thời, cũng phối hợp với tổ phòng, chống COVID-19 và chính quyền các địa phương kiểm tra một số nơi về việc chuẩn bị cơ sở vật chất, địa điểm cách ly tại nhà như thế nào, có đảm bảo hay không... Chúng tôi đã chuẩn bị rất bài bản các khâu và sẵn sàng kịch bản triển khai thực hiện. Với tỉnh ta hiện nay, các khu cách ly tập trung vẫn còn có thể đảm bảo thu dung những đối tượng thuộc diện F1 và những người trở về từ vùng dịch. Do đó, chúng ta đang tổ chức giám sát tập trung các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao để đảm bảo an toàn phòng dịch cho cộng đồng ở mức độ tối ưu nhất.

Dự báo, Thừa Thiên Huế có thể tiếp tục ghi nhận những trường hợp F0 trong số lượng lớn người trở về từ vùng dịch. Điều mà người dân quan tâm là năng lực điều trị ca bệnh COVID-19 của tỉnh ta hiện nay như thế nào, thưa ông?

Tất cả các trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh đều đã được thiết lập đơn vị sẵn sàng thu dung, điều trị cho những bệnh nhân F0. Bình quân, mỗi đơn vị có ít nhất 20 giường bệnh với đội ngũ nhân viên y tế, cơ sở trang thiết bị, hậu cần... đảm bảo tiếp nhận các ca F0 một cách chính quy, bài bản và có tính hệ thống.

Với số lượng người Thừa Thiên Huế từ các vùng dịch tự phát trở về địa phương ngày càng nhiều, đi cùng là nguy cơ đem mầm bệnh về cộng đồng và các khu cách ly tập trung rất cao, chúng tôi đã xin phép lãnh đạo tỉnh kích hoạt Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Phong – Da liễu thành nơi thu dung, điều trị bệnh nhân F0 theo những kịch bản đã xây dựng từ trước, với quy mô 100 giường. Tại đây, chúng tôi đã kiện toàn bộ máy nhân lực, kiểm tra và trang bị lại đầy đủ cơ sở trang thiết bị vật tư y tế để phục vụ cho những bệnh nhân F0 sẽ được tiếp nhận tại đó. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh cũng đã thành lập bệnh viện dã chiến Chân Mây, với quy mô 150 giường, được thiết lập để đáp ứng yêu cầu cấp cứu, chăm sóc, theo dõi và điều trị bệnh nhân COVID-19 ở mức độ không triệu chứng, nhẹ và vừa nhằm giúp giảm tải cho các cơ sở điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch trên địa bàn tỉnh.

Ngoài những cơ sở trên, tỉnh còn có Trung tâm Cách ly và Điều trị bệnh nhân COVID-19 của Bệnh viện Trung ương Huế ở cơ sở 2. Trong tình huống phải huy động tối đa, trung tâm này có thể đảm bảo với số lượng 500 giường.

Ông có thể cho biết năng lực xét nghiệm của Thừa Thiên Huế trong thời điểm này?

Đến nay, chúng ta có Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Trường đại học Y – Dược (Đại học Huế) là 2 đơn vị được Bộ Y tế cho phép thực hiện khẳng định bằng kỹ thuật RT-PCR với ca bệnh COVID-19; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh là đơn vị thực hiện xét nghiệm sàng lọc. Với năng lực hiện có, mỗi ngày Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh có thể thực hiện được khoảng vài ngàn mẫu. Tính tổng khả năng thực hiện của cả 3 đơn vị, mỗi ngày, Thừa Thiên Huế có thể thực hiện cao điểm từ 5.000-7.000 mẫu, đảm bảo yêu cầu sàng lọc, xét nghiệm của tỉnh. Công tác xét nghiệm không chỉ phục vụ sàng lọc ban đầu cho lượng người trở về từ các vùng có dịch, mà còn phải sàng lọc cho cả những người xét nghiệm lần 2, lần 3, lần 4 và xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng cho những đối tượng có nguy cơ cao.

Cộng đồng lo ngại nguy cơ lây lan dịch khi tỉnh phải kích hoạt cả các điểm cách ly tập trung cấp xã. Vai trò của ngành y tế như thế nào tại hệ thống cách ly cấp xã, thưa ông?

Về nguyên tắc, khi kích hoạt một điểm cách ly tập trung thì dù ở cấp nào đều phải đảm bảo cơ cấu và tất cả các quy định, điều kiện của một khu cách ly. Do đó, để thiết lập một khu cách ly cấp xã, ngoài tổ phòng, chống dịch cộng đồng, chính quyền địa phương, còn có tổ nhân viên y tế và tổ cán bộ ngành công an, quân đội cùng phối hợp. Toàn bộ lực lượng này phối hợp, tạo thành một bộ khung hoàn chỉnh, hoạt động có quy chế và đảm bảo kiểm soát một điểm cách ly cấp xã đảm bảo an toàn phòng dịch.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp nên có nhiều người dùng sản phẩm test nhanh bán trên mạng internet. Ông có khuyến cáo an toàn nào cho người dân?

Ngành y tế khuyến cáo người dân không nên đặt mua các sản phẩm test nhanh xét nghiệm COVID-19 bán trên mạng và tự ý sử dụng. Tốt nhất, những gì liên quan đến xét nghiệm SARS-CoV-2, người dân cần tham khảo từ những cơ quan chuyên môn đủ thẩm quyền. Tại sao tôi lại nói như vậy? Bởi lẽ, thứ nhất, các loại test dùng để xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 phải được Bộ Y tế phê duyệt và cho phép lưu hành tiêu thụ trên thị trường. Với những sản phẩm rao bán trên mạng internet, chúng ta không thể kiểm soát được yêu cầu này. Thứ hai, kỹ thuật xét nghiệm phải được thực hiện đảm bảo. Theo tôi, nếu chưa được huấn luyện kỹ thuật mà người dân vẫn tự lấy mẫu làm test, nhiều khả năng xét nghiệm sẽ không cho được kết quả như mong muốn. Thứ ba, muốn phát hiện được virus SARS-CoV-2 hay kháng nguyên, cần phải có thời gian để virus nhân lên số lượng đủ đến ngưỡng nhất định thì test mới cho được kết quả dương tính chính xác. Như vậy, nếu chúng ta thực hiện test nhanh khi cơ thể chưa đủ tải lượng virus thì giá trị của test không đem lại kết quả như mong đợi. Kết quả đó sẽ khiến chúng ta có sự chủ quan trong phòng dịch, gây nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng rất cao.

Xin cảm ơn ông!

ĐỒNG VĂN (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI:
Đảm bảo thông suốt, ổn định

Triển khai thực hiện Nghị quyết (NQ) của Quốc hội về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và NQ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã của thành phố Huế giai đoạn 2023 – 2025 là vấn đề quan trọng, cấp bách, bởi từ ngày 1/1/2025, các NQ này sẽ có hiệu lực.

Đảm bảo thông suốt, ổn định
Tiếp tục thực hiện phong trào Chủ nhật xanh trong ngành giáo dục

Ngày 8/12, các trường học trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện chương trình 90 phút sáng Chủ nhật xây dựng cơ quan, trường học xanh - sạch - sáng. Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức kiểm tra việc thực hiện phong trào Chủ nhật xanh tại các trường.

Tiếp tục thực hiện phong trào Chủ nhật xanh trong ngành giáo dục
Kiềm chế, kiểm soát không để ma túy phát sinh trên diện rộng

Chiều 6/12, UBND tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy và 1 năm thực hiện Kế hoạch 302/KH-UBND ngày 12/9/2023 của UBND tỉnh về nhân rộng công tác chuyển hóa tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở địa bàn cấp huyện thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế.

Kiềm chế, kiểm soát không để ma túy phát sinh trên diện rộng
Return to top