Tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế
Hội nghị do lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì tại điểm cầu trung ương và được kết nối với 700 điểm cầu về các tuyến huyện, tỉnh, thành phố trong toàn quốc. Buổi tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng ứng phó với dịch bệnh kịp thời và hiệu quả hơn trên nền tảng công nghệ thông tin, thông qua ứng dụng khai báo y tế tự nguyện toàn dân và hệ thống giám sát.
Tiếp tục kiên trì ngăn chặn ở mức cao những ca xâm nhập
Tình hình dịch bệnh hiện đang diễn biến hết sức phức tạp. Hầu hết những trường hợp mắc mới của Việt Nam được ghi nhận gần đây là người đi từ nước ngoài về. Điều đó cho thấy Việt Nam thực hiện có hiệu quả công tác kiểm soát dịch bệnh, nắm rất rõ nguồn gốc các ca lây nhiễm và chủ động xác định được bệnh nhân số 0. Một trong những yếu tố làm nên thế mạnh đó là nhờ Việt Nam đã chủ động triển khai một số các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt. Việc tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phòng chống dịch COVID-19 cho thấy Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp phòng chống dịch trên tinh thần quyết liệt, mạnh mẽ và triệt để hơn.
Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Việt Nam sẽ tiếp tục kiên trì, kiên định chiến lược đã đề ra nhưng có những thay đổi phù hợp tùy theo tình hình thực tiễn. Trong đó, quyết tâm ngăn chặn những ca xâm nhập và đẩy mạnh ở mức độ cao hơn. Việt Nam đã triển khai khai báo y tế điện tử cho tất cả hành khách trên thế giới nhập cảnh vào Việt Nam. Từ ngày 15/3, tất cả những hành khách nhập cảnh từ châu Âu, Anh, Mỹ vào Việt Nam đều được giám sát về mặt y tế và thực hiện xét nghiệm tại cửa khẩu.
Việc cách ly tiếp tục được thực hiện một cách triệt để. Những đối tượng tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc gần tại các cơ sở tập trung. Trong quá trình triển khai, tùy tình hình cụ thể để có những điều chỉnh phù hợp. Đảm bảo kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, nhưng không ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống của người dân.
Sẵn sàng cơ sở vật chất ở khu cách ly tập trung
Về vấn đề điều trị, do đang ở giai đoạn đầu của đại dịch nên những ca nhiễm bệnh sẽ tập trung điều trị ở tuyến cao, nhưng đồng thời vẫn thực hiện việc phân tuyến điều trị, kể cả tuyến xã. Phác đồ điều trị cho các ca bệnh cũng luôn luôn được thay đổi, phù hợp và tiệm cận với những tiến bộ khoa học trên thế giới.
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả việc phát hiện sớm các trường hợp có nguy cơ cao, ngành y tế sẽ mở rộng đối tượng xét nghiệm. Hiện nay, Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương thực hiện việc lập danh sách, khai báo y tế và xét nghiệm càng nhanh càng tốt đối với người nhập cảnh từ châu Âu, Anh, Mỹ trong vòng 14 ngày qua. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị xét nghiệm trả kết quả càng sớm càng tốt trong vòng 24 giờ và cố gắng rút ngắn thời gian trả kết quả hơn nữa.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin
Một trong những chiến lược được thay đổi trong cuộc phòng chống đại dịch lần này là khoa học công nghệ vào cuộc rất tích cực, nhất là công nghệ thông tin. Từ đầu mùa dịch, Bộ Y tế đã nhắn tin khuyến cáo phòng chống dịch cho người dân; sớm khai trương những trang tin chuyên về cuộc chiến này để cung cấp thông tin công khai, minh bạch và kịp thời cho người dân; triển khai các ứng dụng (app) để hỗ trợ người dân tiếp cận thông tin vừa cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng; sử dụng công nghệ thông tin để quản lý các trường hợp bệnh, cũng như rút ngắn thời gian truy xuất người tiếp xúc với các trường hợp bệnh...
Chính phủ khuyến khích người dân tự nguyện khai báo y tế toàn dân để chung tay đẩy lùi dịch bệnh COVID-19
Hiện tại, Việt Nam đã áp dụng thực hiện tờ khai y tế đối với người nước ngoài nhập cảnh. Còn việc khai báo y tế toàn dân, Chính phủ mới chỉ kêu gọi sự tự nguyện của người dân trên tinh thần tham gia chống dịch cùng cả hệ thống chính trị và cộng đồng. Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng, có thể việc khai báo y tế toàn dân chưa phải là sự bắt buộc nhưng lại rất cần thiết đối với những người có nguy cơ cao. Do vậy, các ngành cần vào cuộc để thực hiện một cuộc vận động rộng rãi trong trường học, cơ quan, doanh nghiệp. Thông qua cuộc vận động, sẽ có nhiều người tham gia hơn và những người này có thể hỗ trợ tích cực việc khai hộ cho người thân.
Đại diện Văn phòng Bộ Y tế cũng cho biết, mọi dữ liệu cá nhân của người dân được cung cấp trong bảng khai báo y tế đều được mã hóa, đảm bảo yêu cầu về bảo mật và chỉ được sử dụng trong cuộc phòng chống dịch bệnh COVID-19. Trong thời gian rất ngắn sắp tới, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng sẽ ban hành quy chế cụ thể việc quản lý những thông tin này.
Bài, ảnh: Đồng Văn