Ước tính hơn 2,5 tỷ người (tương đương khoảng 30% dân số thế giới) có nguy cơ nhiễm bệnh. Mỗi năm, có khoảng 390 triệu người mắc bệnh, trong đó có 500.000 người mắc sốt xuất huyết Dengue - một dạng bệnh nghiêm trọng hơn - gây ra 25.000 ca tử vong hằng năm.
Tỷ lệ mắc mới sốt xuất huyết cũng tăng đột biến trong những thập kỷ gần đây. Không chỉ gia tăng về số lượng ca bệnh, dịch bệnh còn mở rộng phạm vi về mặt địa lý. Trong khi chỉ có 9 nước phải đối mặt với những đợt dịch nghiêm trọng trước năm 1970, đến nay sốt xuất huyết đã xuất hiện tại hơn 100 quốc gia ở Châu Phi, Châu Mỹ, Địa Trung Hải, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Trong số đó, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Trong danh sách 30 nước và vùng lãnh thổ có số ca nhiễm sốt xuất huyết Dengue cao nhất thế giới, có tới 9 quốc gia tại khu vực Đông Nam Á, lần lượt là Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Campuchia, Myanmar, Lào, Singapore. Sốt xuất huyết Dengue cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em tại khu vực, cao hơn so với tỷ lệ tử vong do sốt rét.
Tiến sĩ Mohammad Jamsheed, chuyên gia tư vấn của WHO về các bệnh nhiệt đới tại Đông Nam Á cho biết, 60% người mắc sốt xuất huyết Dengue mang mầm bệnh có nguy cơ lây lan nhưng không biểu hiện triệu chứng rõ rệt. Cũng theo WHO, nguyên nhân chính gây tử vong do sốt xuất huyết tại khu vực là do bệnh nhân nhập viện quá muộn, khi bệnh đã diễn biến xấu và thường bị nhầm lẫn với sốt thông thường. Tỷ lệ này càng tăng cao tại vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, khu vực không có sẵn các trang thiết bị hỗ trợ điều trị bệnh.
Cái chết của nam diễn viên nổi tiếng Thái Lan Tridsadee Sahawong (37 tuổi) sau 2 tháng hôn mê vì sốt xuất huyết vào năm 2016 là hồi chuông cảnh tỉnh đối với cộng đồng khi bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc bệnh. Tại Lào, số ca nhiễm sốt xuất huyết Dengue đã đạt tới mức kỷ lục trong năm nay, đặc biệt là ở thủ đô Viêng Chăn. Trong khi đó, tại Việt Nam, gần 50.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue đã được phát hiện kể từ đầu năm 2017, trong đó TP Hồ Chí Minh được coi là điểm nóng. Bên cạnh những tác động về sức khỏe, tốn kém chi phí điều trị, sốt xuất huyết còn ảnh hưởng tới sự phát triển chung của khu vực, trong đó ngành Du lịch Đông Nam Á đang đứng trước thách thức không nhỏ. Các du khách tỏ ra lo ngại trước nhiều điểm du lịch nổi tiếng nằm tại các vùng rừng núi, ẩm thấp, hay không có các biện pháp phòng chống muỗi hiệu quả.
Đại học Y tế Công cộng Pittsburgh (Mỹ) cho biết, độ ẩm và nhiệt độ cao, điều kiện sống còn nhiều hạn chế và nhận thức chưa đúng về mức độ nguy hiểm của sốt xuất huyết đã tạo điều kiện cho dịch bệnh lan rộng và khó kiểm soát tại Đông Nam Á, nhất là trong chu kỳ El Nino được dự báo bắt đầu vào tháng 7 hoặc tháng 8 năm nay và kéo dài đến hết năm. Nếu các mô hình dự báo cho thấy bệnh có nguy cơ bùng phát, các chính phủ cần sớm bắt đầu chiến dịch nâng cao nhận thức của người dân, vệ sinh môi trường sống, khoanh vùng và dập dịch để ngăn ngừa virus lây lan.
Theo Hà Nội Mới