ClockThứ Tư, 19/12/2018 14:49

Đưa kỹ thuật phẫu thuật tạo hình - thẩm mỹ tiên tiến đến Huế

TTH - Hợp tác để phát triển phẫu thuật tạo hình-thẩm mỹ (PTTH-TM) đã được chuyên gia quốc tế (Hoa Kỳ) phối hợp với Bệnh viện (BV) Quốc tế Trung ương Huế triển khai trong thời gian qua. Xung quanh câu chuyện này, phóng viên Báo Thừa Thiên Huế có dịp trao đổi với GS. Dung Nguyễn, Giám đốc Trung tâm Thẩm mỹ và Đơn vị Phẫu thuật Vi phẫu và tái tạo vú sau ung thư thuộc Đại học Y khoa Stanford-Hoa Kỳ.

Chuyển giao kỹ thuật mới phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ

GS. Dung Nguyễn (giữa) trao đổi chuyên môn trong ca phẫu thuật THTM tại BV Quốc tế Trung ương Huế

GS có thể chia sẻ về lý do chọn Huế để tham gia các chuyến thiện nguyện này?

Nơi tôi đang công tác- ĐH Y khoa Stanford đã triển khai nhiều chương trình hợp tác với nhiều nơi trên thế giới, trong đó có sự hợp tác lâu dài với BV Trung ương Huế qua sự kết nối của TS. Lê Thừa Trung Hậu, người đã có thời gian học tập tại ĐH Y khoa Stanford. Tôi nhận thấy, Khoa PTTH- TM, BV Quốc tế Trung ương Huế là đơn vị thường xuyên có các chuyên gia quốc tế đến hợp tác trao đổi chuyên môn, nhằm cập nhật các kỹ thuật mới; đồng thời là nơi quan tâm đến đào tạo, định hướng chuyên môn nghề nghiệp đội ngũ bác sĩ trẻ. Năm 2014, lần đầu cùng đoàn chuyên gia y tế Đại học Stanford (Hoa Kỳ) đến thăm và làm việc tại Thừa Thiên Huế và BV Trung ương Huế, tôi ấn tượng sự mến khách và thân thiện của các đồng nghiệp ở đây nên muốn làm những điều có ý nghĩa cho BV Trung ương Huế.

Hẳn là GS đã đến Huế nhiều lần?

Đúng vậy. Đầu tiên là năm 2014, chúng tôi phối hợp với BV Trung ương Huế tổ chức các khoá đào tạo liên tục về PTTH-TM để cập nhật và chuyển giao kỹ thuật cho các bác sĩ tại Huế và toàn quốc về kỹ thuật vi phẫu trong phẫu thuật tạo hình; phẫu thuật tái tạo vú sau ung thư và điều trị phù bạch mạch bằng kỹ thuật vi phẫu; phẫu thuật thẩm mỹ toàn thân; phẫu thuật thẩm mỹ vùng mũi.

Những hoạt động chính trong chuyến đi này là gì, thưa GS?

Dịp này, tôi cùng GS. Joshua Korman và hai bác sĩ Danielle Rochlin và Paul Mittermiller (Stanford-Hoa Kỳ) phối hợp với Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, BV Trung ương Huế tổ chức khoá đào tạo, chuyển giao kỹ thuật về tạo hình thẩm mỹ mới nhất hiện nay tại BV Quốc tế Trung ương Huế cho gần 30 bác sĩ không chỉ ở Thừa Thiên Huế mà đến từ các tỉnh, thành trong cả nước với thời gian gần 1 tuần. Nội dung đào tạo là vừa trao đổi với hình thức lý thuyết kèm thực hành kiến tập lâm sàng và phẫu thuật thị phạm gần 20 bệnh nhân để cho các đồng nghiệp tiếp cận, cập nhật một cách chuẩn xác để thực hiện sau khi rời khóa học này.

GS có thể nói rõ hơn?

Rất nhiều kỹ thuật trong PTTH-TM được triển khai thành công ở dịp này, như: nâng ngực thẩm mỹ có hỗ trợ hệ thống nội soi; nâng mũi bằng vật liệu tự thân cân trung bì mỡ (Demofat graft) từ vùng mông; tái cấu trúc mô mỡ điều trị bọng mí mắt; kết hợp phẫu thuật điều trị sụp mí mắt trong phẫu thuật cắt da mỡ thừa mí mắt. Các kỹ thuật này sẽ trở thành dịch vụ thường quy để mọi người có thể tiếp cận thuận lợi, dễ dàng mà đối tượng có nhu cầu không hao tốn chi phí nhiều khi ra nước ngoài.

GS cảm nhận thế nào về các phương tiện kỹ thuật cũng như đội ngũ y, bác sĩ ở BV Trung ương Huế?

Những năm gần đây, BV Trung ương Huế đổi thay vượt bậc. Hạ tầng cơ sở vật chất trang thiết bị được đầu tư khá đồng bộ hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu điều trị và triển khai các kỹ thuật mới, đặc biệt trong lĩnh vực PTTH-TM so với lần đầu tôi đến vào năm 2014. Các đồng nghiệp ở đây thiện cảm, tử tế không chỉ riêng với chúng tôi mà còn đối bệnh nhân họ chăm sóc điều trị. Qua khóa học, các bác sĩ ở BV Trung ương Huế tiếp cận kỹ thuật mới rất nhanh và áp dụng tốt. Đây là cơ sở để họ làm chủ công nghệ, triển khai thường quy các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới về PTTH-TM ở Huế cũng như ở Việt Nam.

Nhu cầu PTTH-TM tỷ lệ thuận với sự phát triển của xã hội, GS có nghĩ vậy không?

Khi xã hội phát triển thì nhu cầu làm đẹp mọi người là cần thiết và rất bình thường của con người dù ở bất kỳ lứa tuổi nào. Vì vậy, các kỹ thuật trong lĩnh vực PTTH-TM cần phát triển để đáp ứng nhu cầu cho người dân. Ở các nước khác, PTTH-TM là chuyên ngành lớn trong toàn bộ hoạt động y tế của xã hội. Điều quan trọng là các bác sĩ trong lĩnh vực PTTH-TM phải được đào tạo bài bản, trao đổi chuyên môn nghề nghiệp để đáp ứng nhu cầu của người dân.

GS sẽ còn trở lại Huế ?

Năm tới (2019), tôi sẽ trở lại Huế 2 lần vào tháng 5 và tháng 12. Trong hai dịp này, tôi sẽ mời 2 bác sĩ trẻ của BV Trung ương Huế đến Khoa PTTH-TM của tôi tại ĐH Stanford để học tập thêm. Hy vọng thời gian đến, tôi sẽ vận động kêu gọi một số tổ chức, nhà từ thiện hỗ trợ thêm một số dụng cụ, phương tiện máy móc trong lĩnh vực PTTH-TM ở BV Quốc tế Trung ương Huế; tiếp tục phối hợp tổ chức các khoá đào tạo liên tục để cập nhật, trao đổi chuyển giao, các kỹ thuật tiên tiến về lĩnh vực PTTH-TM cho các đồng nghiệp, bác sĩ trẻ ở Huế đang cần.

Minh Văn (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ca ghép tim xuyên Việt thứ 12 xuất viện

Ngày 12/11, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế thông tin, người được ghép tim xuyên Việt thứ 12 đã làm thủ tục xuất viện. Lãnh đạo BV cùng đội ngũ chăm sóc sau ghép tặng hoa chúc mừng và chia vui cùng gia đình người bệnh.

Ca ghép tim xuyên Việt thứ 12 xuất viện
Phẫu thuật nội soi sỏi tuyến nước bọt mang tai bằng laser YAG Holmium

Ngày 28/10, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức hội nghị tư vấn nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài KH&CN cấp tỉnh "Nghiên cứu kết quả phẫu thuật nội soi sỏi tuyến nước bọt mang tai bằng laser YAG Holmium tại Bệnh viện Trung ương Huế" do Bệnh viện Trung ương Huế chủ trì thực hiện.

Phẫu thuật nội soi sỏi tuyến nước bọt mang tai bằng laser YAG Holmium

TIN MỚI

Return to top