Vượt tuyến vì không tin tưởng chất lượng
Tuyến y tế cơ sở là nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu của gần 90% bệnh nhân BHYT. Thế nhưng, thống kê cho thấy hầu hết người dân đều vượt tuyến khi khám chữa bệnh, bởi họ không tin tưởng vào chất lượng của tuyến y tế này.
Y tế cơ sở là phương thuốc cho tình trạng quá tải bệnh viện. (Ảnh minh họa)
Để y tế cơ sở hoạt động hiệu quả, tạo niềm tin cho xã hội và hướng tới sự hài lòng của người dân, ngành y tế cần phải có những bước đột phá cả về chất và lượng.
Trạm y tế xã Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa là một trong ba trạm y tế xã thí điểm trong chương trình xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới giai đoạn 2018-2020. Năm 2018, đơn vị này được chọn là mô hình điểm về nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên toàn quốc. Việc có đầy đủ thiết bị khám chữa bệnh cũng như đội ngũ y bác sĩ nhiệt tình, nên những năm qua, trạm y tế xã Ninh Quang luôn là địa chỉ hàng đầu của bà con đến khám ngay khi có dấu hiệu sức khỏe bất ổn.
Bên cạnh những trạm y tế đang làm tốt vai trò trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, thì hiện nay với nhiều thay đổi về mô hình tổ chức, mô hình bệnh tật và nhu cầu chăm sóc sức khỏe, mạng lưới y tế cơ sở đang tồn tại nhiều khó khăn, bất cập cần được tháo gỡ. Trong đó, khó khăn lớn nhất là mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động, cơ chế chính sách và phát triển nguồn nhân lực.
Ở gần dân nhất, song phần lớn các trạm y tế tuyến xã chỉ làm được công tác y tế dự phòng, chưa thực hiện đầy đủ chức năng của y tế tuyến cơ cở. Ngoài ra, trình độ của nhân viên trạm y tế xã còn hạn chế. Danh mục thuốc và các kỹ thuật ít, khiến người dân chưa thực sự tin tưởng để đến trạm y tế khi ốm đau và thường vượt lên tuyến trên để khám chữa bệnh.
Mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân
Ngành y tế đã xác định đổi mới y tế cơ sở một cách toàn diện, đồng bộ hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Khi đó, người dân được khám sức khỏe định kỳ chứ không phải chỉ khám bệnh khi ốm đau và được khám sàng lọc để phát hiện sớm nguy cơ, mầm mống bệnh tật để điều trị kịp thời, nhằm giảm mức thấp nhất chi phí điều trị. Bên cạnh đó, người dân được tư vấn đề sức khỏe, dinh dưỡng, phòng bệnh, nâng cao sức khỏe.
Trong đó, Bộ Y tế đã triển khai Dự án Giáo dục và đào tạo nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế (Dự án HPET) từ 2014 tới 2020, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và Liên minh Châu Âu. Dự án nhằm tăng cường năng lực cho 1.000 trạm y tế xã, hàng trăm trung tâm y tế huyện và cơ sở đào tạo tại 15 tỉnh khó khăn.
Tại Hà Tĩnh, 90% trạm y tế đã đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 3 xã là thí điểm triển khai mô hình điểm tăng cường năng lực y tế tuyến cơ sở. Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu cơ bản vẫn còn nhiều khó khăn.
Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, ông Lê Nhật Thành thừa nhận: “Trang thiết bị ở dưới trạm là cơ bản đơn giản. Trang thiết bị đáp ứng yêu cầu của một trạm y tế xã điểm thì còn rất thiếu. Việc tập trung theo nguyên lý y học gia đình, thì nhiều cán bộ y tế chưa được đào tạo theo đúng quy định”.
Bà Phạm Thị Cảnh, người dân huyện Hương Sơn bày tỏ mong muốn: “Trang thiết bị phải tốt hơn nữa để những người dân chúng tôi đến khám và chúng tôi không phải lên tuyến trên. Bởi vì một lần đi lên tuyến trên, chúng tôi cũng rất vất vả”.
Theo ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) - Giám đốc HPET, Dự án này đang hỗ trợ các trạm y tế xã một số trang thiết bị cần thiết với mục tiêu để đội chăm sóc sức khỏe ban đầu sau khi tập huấn có những kiến thức, kỹ năng, có đủ trang thiết bị thiết yếu phục vụ việc chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Sau khi hoàn tất, Dự án HPET sẽ góp phần tăng cường số lượng, chất lượng nguồn nhân lực cho mạng lưới y tế cơ sở ở các vùng khó khăn, tăng cường chăm sóc sức khỏe một cách liên tục, lồng ghép và toàn diện cho cá nhân gia đình và cộng đồng.
Theo VOV