ClockThứ Bảy, 07/10/2017 13:01

Không chủ quan khi rắn cắn

TTH - Gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều trường hợp bị rắn cắn. Chỉ riêng tại Bệnh viện Trung ương Huế, từ đầu năm 2017 đến nay tiếp nhận hơn 32 trường hợp rắn cắn rơi vào tình cảnh “thập tử nhất sinh”.

Bệnh nhân bị rắn cắn được điều trị tại BV Trung ương Huế

Cách đây khoảng hai tuần, Khoa Cấp cứu hồi sức - BV Trung ương Huế cứu sống ông NK., 53 tuổi tại Tân Liên, Hướng Hóa, Quảng Trị bị rắn hổ cắn. Theo người nhà ông K., ngày 11/9, ông K. nghe tin người dân ở bản Xi, huyện Hướng Hóa bắt được một con rắn hổ mang chúa nặng gần 2kg nên tò mò đến xem. Đang lúc xem, ông K. bị  rắn cắn vào tay. Sau đó, mặt mày choáng váng, người  khó thở nên ông được đưa vào cấp cứu tại  BV Trung ương Huế.

Bác sĩ Nguyễn Vĩnh Phú, Khoa Cấp cứu hồi sức - BV Trung ương Huế, người theo dõi trường hợp này cho biết, khi vào viện ông K. vẫn run rẩy, hồi hộp, khó thở. Sau khi làm các xét nghiệm, các y, bác sĩ ở khoa đưa ra phác đồ điều trị tích cực, ông K. ổn định lại sức khỏe và xuất viện. Bác sĩ  Phú nói: "Trường hợp ông K. nếu vào viện chậm vài giờ đồng hồ, nguy cơ tử vong rất cao".

Các biện pháp cần biết khi bị rắn cắn: Động viên bệnh nhân yên tâm; không để bệnh nhân tự đi lại; cố định chân, tay bị rắn cắn bằng nẹp (vì vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn); áp dụng biện pháp băng ép bất động với một số loại rắn hổ (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang thường; vận chuyển bệnh nhân bằng phương tiện đến cơ sở y tế đồng thời duy trì băng ép, bất động; nếu bệnh nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay...

Mới đây, anh TVC., 41 tuổi, ở phường Hương Long, TP. Huế đang đi đắp bờ ruộng, bất ngờ bị một con rắn hổ cắn ở bàn tay phải. Cứ nghĩ vết cắn bình thường, anh C. nhờ một thầy lang chích nặn nọc độc. Sau đó một ngày, vết thương ở bàn sưng to phù nề, bị hoại tử. Lúc này gia đình đưa anh C. vào BV Trung ương Huế. Tại đây, các y, bác sĩ chỉ định lọc máu cho nạn nhân để thải độc. Tuy nhiên, do vết thương bị nhiễm trùng nặng, anh C. đã không qua khỏi.

Theo bác sĩ Nguyễn Thái Thuận, Phó khoa Hồi sức cấp cứu - BV Trung ương Huế, rắn cắn là một trong những ngộ độc hàng đầu, đặc biệt xảy ra nhiều nhất từ tháng 4 đến tháng 11 - mùa sinh sôi, phát triển của rắn độc. Hiện Việt Nam có 200 loài rắn, trong đó 53 loài rắn độc như rắn lục đuôi đỏ, hổ mang chúa, cạp nong, lục sừng…; mỗi loài rắn có cơ chế gây độc khác nhau.

Bác sĩ Thuận khuyến cáo, khi bị rắn độc cắn cần nhanh chóng sơ cứu đúng cách với mục đích làm cho nọc độc của rắn từ vết cắn xâm nhập vào trong cơ thể chậm hơn và ít hơn. Sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có điều kiện xử lý, điều trị kịp thời. Người dân tuyệt đối không sử dụng biện pháp hút nọc độc của rắn, như chích, rạch, châm, chọc tại vùng vết cắn; gây điện giật, chườm đá, sử dụng “hòn đá chữa rắn cắn”; sử dụng các loại thuốc dân gian, cổ truyền, chữa bằng mẹo… vì các biện pháp trên đều không mang lại hiệu quả và làm chậm thời gian đưa nạn nhân đến cơ sở y tế, nguy cơ dẫn đến tử vong rất cao.

Để phòng ngừa từ xa, người dân khi ra đồng, hoặc lên nương rẫy phải mang ủng, quần dài và cảnh giác cao khi đến các nơi ẩm thấp, cây cối rậm sau mưa giông…

Bài, ảnh: Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Không nên lơ là, chủ quan với con trẻ

Rất nhiều bậc cha mẹ khi trông giữ con nhỏ vẫn còn lơ là, chủ quan, thiếu quan sát. Điều này tiềm ẩn nhiều vấn đề bất trắc có thể xảy ra mà không thể lường trước.

Không nên lơ là, chủ quan với con trẻ

TIN MỚI

Return to top