ClockThứ Năm, 20/10/2022 10:03

Kiên trì truyền thông để tăng tỷ lệ tiêm vắc-xin cho trẻ

TTH - ThS. BSCKII. Nguyễn Lê Tâm, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế đã nhấn mạnh điều đó, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn thường trực, nhiều dịch bệnh nguy hiểm khác cũng xuất hiện và lưu hành trong cộng đồng, đe dọa đến sức khỏe của người dân – nhất là trẻ nhỏ.

Ông Nguyễn Lê Tâm cho biết: Dịch bệnh đang lưu hành chủ yếu trên địa bàn tỉnh hiện nay là sốt xuất huyết, với số ca bệnh đã được ghi nhận hơn 900 trường hợp. Số ca bệnh này tăng 2-3 lần so với năm ngoái. Bên cạnh đó, dịch COVID-19 vẫn diễn ra, bình quân mỗi ngày có khoảng 20-30 ca nhiễm. Số ca COVID-19 nặng vẫn có, nhưng đã ít hơn. Khoảng 100 trường hợp mắc tay – chân - miệng cũng được ghi nhận, phần lớn ở lứa tuổi mẫu giáo. Riêng với dịch bệnh do nhiễm vi-rút Adeno, hệ thống giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh vẫn chưa ghi nhận có ca bệnh điều trị tại các cơ sở y tế.

Ths. BSCKII. Nguyễn Lê Tâm

WHO nhận định COVID-19 sẽ còn tiếp tục là mối đe dọa về y tế công cộng. Hiện nay, tiến độ tiêm vắc-xin cho trẻ dưới 18 tuổi của Thừa Thiên Huế như thế nào, thưa ông?

Tại thời điểm này, tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng COVID-19 mũi 1 cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi đạt khoảng 80% và mũi 2 đạt hơn 51%. Hiện nay, chúng ta vẫn còn khoảng 500 liều vắc-xin Pfizer tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi. Việc tiêm chủng vẫn được tiếp tục thực hiện cho trẻ trong độ tuổi này. Ở nhóm trẻ từ 12 – dưới 18 tuổi, chúng ta đã thực hiện mũi 1 đạt 103,3%, mũi 2 đạt 99,6% và mũi 3 là 45,2%.

Thời gian qua, một số địa phương thiếu vắc-xin Moderna cho trẻ dưới 12 tuổi. Vậy, Thừa Thiên Huế có xảy ra tình trạng đó không?

Đây là tình trạng chung của toàn quốc nên Thừa Thiên Huế cũng trong bối cảnh đó. Vắc-xin Moderna được dùng để tiêm cho người lớn và trẻ từ 6 tuổi trở lên. Bộ Y tế và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã khuyến cáo, mũi 1 tiêm Moderna thì mũi 2 cũng Moderna. Do đó, tình hình chung là thiếu cho lứa tuổi từ 6 đến dưới 12. Để giải quyết tình trạng này, chúng ta chỉ có thể đợi có vắc-xin được phân bổ từ Trung ương. Chính phủ, Bộ Y tế và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đang rất nỗ lực để tìm các nguồn để bảo đảm đủ vắc-xin tiêm mũi 2 cho các cháu đã được tiêm mũi 1 Moderna.

Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã cung cấp đầy đủ vắc-xin Moderna cho các địa phương để ưu tiên tiêm mũi 2 cho trẻ em từ 6 đến dưới 12 tuổi đã tiêm mũi 1 loại vắc-xin này. Tuy nhiên, một số địa phương đã sử dụng vắc-xin Moderna để tiêm nhắc cho người lớn dẫn tới thiếu hụt vắc-xin Moderna cho trẻ em. Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thiếu mũi 2 vắc-xin Moderna cho trẻ là do nhiều gia đình có trẻ đã tiêm mũi 1 vắc-xin Moderna không đưa trẻ đi tiêm tiếp mũi 2 kịp thời, hoặc trẻ bị ốm, mắc COVID-19 phải hoãn tiêm…; trong khi vắc-xin Moderna chỉ được sử dụng tối đa trong 30 ngày kể từ khi rã đông.

Nâng tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp với các địa phương như thế nào?

Cuối tháng 9 vừa qua, chúng tôi đã tổ chức 3 đoàn công tác làm việc với Trung tâm Y tế, Phòng Giáo dục và Đào tạo và một số trường tiểu học của 9 địa phương cấp huyện về việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 ở trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Qua đó, chúng tôi đã nắm tình hình tiêm vắc-xin phòng COVID-19 đối với nhóm học sinh từ 5 – dưới 12 tuổi trên các địa bàn; đồng thời, thống nhất kế hoạch tăng cường tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ ở các trường. Sau khi làm việc ở một số trường tiểu học các địa phương, tỷ lệ tiêm mũi 1 cho nhóm đối tượng 5 đến dưới 12 tuổi có tỷ lệ thấp chủ yếu do phụ huynh không đồng thuận và nhóm này phần lớn đang theo học ở một số trường của thành phố Huế.

Giải pháp cần thiết lúc này là gì, thưa ông?

Chúng tôi đã xin ý kiến chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh để triển khai các giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ, nhất là trẻ trong độ tuổi từ 5 – dưới 12. Trước tiên, để giải quyết vấn đề thiếu vắc-xin, chúng tôi đã kết nối với Đà Nẵng để luân chuyển gần 6.500 mũi vắc-xin Pfizer để tiêm cho trẻ từ 5-12 tuổi. Nhờ đó, cho đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã gần như đạt được mục tiêu mũi 1 gần 80% cho trẻ trong độ tuổi này.

Tiếp tục nâng tỷ lệ mũi 2 cho nhóm trẻ từ 5 – dưới 12, chúng tôi đảm bảo thực hiện công tác tiêm chủng an toàn cho trẻ và tăng cường công tác giám sát tiêm chủng. Trên cơ sở kế hoạch của mỗi địa phương, chúng tôi xây dựng kế hoạch phối hợp phù hợp để phân bổ vắc-xin, triển khai chặt chẽ việc tiêm chủng theo các tuyến phường, xã và trường học trên địa bàn, trong đó ngành giáo dục đóng vai trò rất quan trọng trong việc vận động phụ huynh đồng ý tiêm chủng cho các cháu. Đồng thời, tăng cường, kiên trì phối hợp tuyên truyền qua nhiều hình thức với y tế cơ sở để vận động phụ huynh học sinh đưa trẻ đi tiêm, càng nhiều càng tốt.

Trẻ tiêm vắc-xin phòng COVID-19. Ảnh: Quang Trung

Hiện nay, ở khu vực phía bắc, số trẻ mắc vi-rút Adeno ngày càng tăng, khiến phụ huynh không khỏi lo lắng cho sức khỏe của con em lúc giao mùa. Ông có khuyến cáo gì đối với phụ huynh?

Đến nay chúng tôi vẫn chưa ghi nhận trường hợp nhiễm vi-rút Adeno điều trị tại cơ sở y tế trên địa bàn. Tuy nhiên, để phòng ngừa vi-rút Adeno nói riêng và các bệnh truyền nhiễm khác nói chung, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã khuyến cáo cộng đồng người dân cần thực hiện tốt việc vệ sinh môi trường, đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng, che mũi khi ho hoặc hắt hơi và không dùng chung vật dụng cá nhân với người bệnh, nhất là các vật dụng có chất tiết của người bệnh.

Sau một thời gian bị gián đoạn bởi đại dịch COVID-19, hiện Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia được ngành y tế tiếp tục như thế nào?

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm 2021, hoạt động tiêm chủng các loại vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia ở một số xã, phường có bị gián đoạn, nhưng năm nay thì không. Tuy hiện nay đang thiếu một số loại vắc-xin, như: vắc-xin bại liệt đường uống, sởi-rubela…, nhưng không thực sự đáng ngại. Việc tiêm chủng các loại vắc-xin miễn phí cho trẻ dưới 1 tuổi tại các trạm y tế phường, xã vẫn diễn ra thường xuyên từ ngày 20 cho đến hết tháng. Chúng tôi muốn nhấn mạnh thêm một lần nữa rằng, tiêm vắc-xin là một trong những phương pháp phòng ngừa bệnh chủ động, hiệu quả nhất cho trẻ. Do vậy, cha mẹ cần chú ý lịch tiêm chủng các mũi ở trạm y tế địa phương để đảm bảo đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch và đúng mũi tiêm.

Xin cảm ơn ông!

ĐỒNG VĂN (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Truyền thông bảo tồn đa dạng sinh học

Ngày 9/11, Hạt Kiểm lâm TX. Hương Thủy phối hợp với Trường TH&THCS Dương Hòa (TX. Hương Thủy) tổ chức chương trình truyền thông với chủ đề Hội thi tìm hiểu kiến thức về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học cho học sinh nhà trường năm 2024.

Truyền thông bảo tồn đa dạng sinh học
Truyền thông chuyên nghiệp cho công tác thư viện

Sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin trong kỷ nguyên số đã làm thay đổi mạnh mẽ hoạt động truyền thông của thư viện. Nếu làm tốt công tác truyền thông thì cộng đồng sẽ dễ dàng nhận diện rõ được vai trò, đóng góp của thư viện, giúp cộng đồng nhận biết, có ấn tượng tốt, kích thích việc sử dụng các sản phẩm và dịch vụ của thư viện nhiều hơn. Đó là một trong nhiều nhận định được các chuyên gia, những người làm công tác thư viện đưa ra khi bàn về việc truyền thông, quảng bá văn hóa đọc trong đời sống hiện nay.

Truyền thông chuyên nghiệp cho công tác thư viện

TIN MỚI

Return to top