Lấy ý kiến về việc điều chỉnh khai báo y tế
Theo Bộ Y tế, tại nước ta, dịch bệnh vẫn được kiểm soát trên phạm vi cả nước và có nhiều diễn biến tích cực khi có xu hướng giảm mạnh tại 4 tiêu chí (số ca cộng đồng, số ca tử vong giảm, số ca đang điều trị tại bệnh viện, số ca nặng, nguy kịch giảm). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua chỉ còn 11.593 ca/ngày.
Bộ Y tế vừa yêu cầu các đơn vị, địa phương cho ý kiến về phương án điều chỉnh việc khai báo y tế tại cửa khẩu.
Tuy nhiên, dự báo thời gian tới dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường trên thế giới, không loại trừ xuất hiện các biến chủng mới lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn. Vắc-xin vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục tiến hành xây dựng dự phòng dự thảo Phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch Covid-19 năm 2022 - 2023 trên cơ sở Kế hoạch đáp ứng và phòng chống nhằm kết thúc tình trạng khẩn cấp của đại dịch Covid-19 trong năm 2022 được Tổ chức Y tế Thế giới ban hành ngày 31/3/2022, tham khảo kế hoạch đáp ứng của một số quốc gia và thực tiễn tình hình dịch bệnh tại Việt Nam.
Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và tạo điều kiện cho người nhập cảnh Việt Nam, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị, địa phương cho ý kiến về phương án điều chỉnh việc khai báo y tế tại cửa khẩu.
Được biết theo quy định, 100% hành khách nhập cảnh vào Việt Nam phải khai báo y tế tại tokhaiyte.vn.
Trước khi làm thủ tục nhập cảnh tại Việt Nam, hành khách cài đặt và khai báo trên ứng dụng PC-Covid. Hành khách sẽ phải sử dụng ứng dụng khai báo y tế (PC-COVID) trong thời gian lưu trú tại Việt Nam theo quy định.
Tại cửa khẩu nếu có triệu chứng nhiễm SARS-CoV-2 (sốt; ho; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác; giảm hoặc mất khứu giác; đau, nhức đầu; tiêu chảy; khó thở; viêm đường hô hấp…) thì hành khách phải báo ngay cho cơ quan y tế tại cửa khẩu để thực hiện các biện pháp y tế theo quy định.
Về xét nghiệm, hành khách phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (trừ trẻ em dưới 2 tuổi) trước khi xuất cảnh trong vòng 72 giờ nếu sử dụng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP hoặc trong vòng 24 giờ nếu sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên với virus SARS-CoV-2 và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận.
Trẻ dưới 2 tuổi không bắt buộc phải xét nghiệm SARS-CoV-2, chưa được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 hoặc chưa từng nhiễm SARS-CoV-2 đều được nhập cảnh, tham gia các hoạt động ở ngoài nơi lưu trú cùng bố, mẹ, người thân.
Trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhập cảnh, người nhập cảnh phải tự theo dõi sức khỏe, nếu có các triệu chứng nghi nhiễm SARS-CoV-2 (sốt; ho; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh;
Giảm hoặc mất vị giác; giảm hoặc mất khứu giác; đau, nhức đầu; tiêu chảy; khó thở; viêm đường hô hấp…) thì phải thông báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất để được hướng dẫn, quản lý kịp thời.
Việt Nam chưa ghi nhân ca bệnh trẻ tổn thương gan nặng sau Covid-19
Mới đây, văn phòng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Âu cho biết nước Anh đang chứng kiến sự gia tăng đáng kể và đột ngột các trường hợp viêm gan cấp tính nặng ở trẻ nhỏ, được cho là có liên quan tới bệnh Covid-19. Các triệu chứng của những bệnh nhi trên bao gồm vàng da, tiêu chảy, nôn mửa và đau bụng.
WHO đã nhận được thông báo về 10 trường hợp viêm gan cấp tính nặng không rõ nguyên nhân ở trẻ em dưới 10 tuổi trên khắp miền Trung Scotland vào ngày 5/4 vừa qua; đến ngày 8/4, con số này đã tăng đột biến, lên 74 trường hợp ghi nhận trên toàn nước Anh.
Những phân tích trong phòng thí nghiệm đã loại trừ khả năng các bệnh nhi nêu trên nhiễm các loại virus viêm gan A, B, C và E, thậm chí virus viêm gan D ở một số trường hợp, song phát hiện các em nhiễm một trong hai loại virus SARS-CoV-2 và Adenovirus, trong đó có nhiều trẻ nhiễm đồng thời cả hai loại virus này.
Theo WHO, cần phải thực hiện các phân tích về di truyền của virus để xác định bất kỳ mối liên hệ nào có thể xảy ra giữa các trường hợp nêu trên. Tính đến ngày 11/4, chưa có trường hợp nào tử vong.
Sau báo cáo về các ca viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ em tại Anh, các trường hợp tương tự đã xuất hiện ở Đan Mạch, Ireland, Hà Lan, Tây Ban Nha và Mỹ.
Tại Việt Nam, theo đại diện Bệnh viện Nhi Trung ương hiện chưa ghi nhận các trường hợp có tổn thương gan riêng lẻ hay tổn thương gan liên quan đến virus Adenovirus.
Theo baodautu.vn