ClockThứ Ba, 14/02/2023 13:53
Triển khai Chỉ thị 03/CT-TTg:

Ngành Y tế tăng cường giám sát dịch bệnh, nhất là khu vực cửa khẩu

Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Bộ Y tế đã tổ chức các đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo Bộ là trưởng đoàn, đi kiểm tra công tác phòng, chống, giám sát dịch bệnh, nhất là tại các cửa khẩu để phát hiện sớm, xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ, trường hợp mắc COVID-19; bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp lễ hội Xuân 2023 và khám chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân tại một số địa phương trọng điểm.

Từ ngày 1/4, COVID-19 được coi là bệnh nghề nghiệp, được hưởng bảo hiểm xã hộiNhững đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nướcBộ Y tế yêu cầu tăng cường phát hiện, điều trị ca bệnh COVID-19

Hành khách làm thủ tục xuất cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. Ảnh tư liệu: Thanh Tân/TTXVN

Kiểm soát tốt dịch bệnh khu vực cửa khẩu

Ngay từ đầu tháng 1/2023, ngay sau khi Trung Quốc mở cửa biên giới và bỏ cách ly kiểm dịch, Bộ Y tế đã có Công điện yêu cầu các địa phương phương tăng cường giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại các cửa khẩu, phát hiện trường hợp nghi ngờ, mắc COVID-19 để xử lý kịp thời, đặc biệt các đối tượng nhập cảnh từ các khu vực đang bùng phát dịch, từ các nơi xuất hiện các biến thể mới, nguy hiểm của virus SARS-CoV-2.

Tại Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Tây Ninh, chỉ từ ngày 20 - 26/1/2023, đã tiếp nhận 8.344 lượt người nhập cảnh được kiểm tra sức khỏe, không ghi nhận trường hợp nghi ngờ, mắc COVID-19. Đồng thời, tỉnh Tây Ninh cũng chưa ghi nhận các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm nhập cảnh.

Theo ông Trần Huyền Trân, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Tây Ninh, lượt nhập cảnh cao tại cửa khẩu cũng là một trong những khó khăn mà tỉnh đang gặp phải trong việc phòng, chống dịch.

Hiện nay đang là mùa đông - xuân, đây là mùa Tết, lễ hội nên nhu cầu giao thương, du lịch cũng tăng cao kết hợp với thời tiết chuyển mùa là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh, bệnh truyền nhiễm và bệnh về đường hô hấp phát triển mạnh, tiềm ẩn nguy cơ dịch chồng dịch.

Bên cạnh đó, theo dự báo, thời gian tới, tình hình dịch COVID-19 sẽ diễn biến phức tạp do các biến thể mới của SARS-CoV-2 liên tục xuất hiện, trong khi đó người dân ngày càng chủ quan với dịch bệnh, không đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch và miễn dịch do vaccine ngày càng giảm dần theo thời gian. ông Trần Huyền Trân cho biết.

Tại tỉnh Quảng Ninh, công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác đã được kiểm soát tốt, nhất là công tác phòng, chống dịch tại các cửa khẩu.

Theo Sở Y tế tỉnh, kể từ khi Trung Quốc điều chỉnh các chính sách chống dịch (ngày 8/1) đến đầu tháng 2/2023, có hơn 4.200 người xuất cảnh và gần 900 người nhập cảnh bằng đường bộ qua cửa khẩu Bắc Luân I (thành phố Móng Cái); trong đó không phát hiện trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc COVID-19.

Thành phố Móng Cái luôn bám sát chỉ đạo của Trung ương, Bộ Y tế, của tỉnh và chủ động, thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác ngay từ đầu năm và mùa Lễ hội năm 2023. Đặc biệt khi Trung Quốc nới lỏng chính sách COVID-19, thông quan trở lại, địa phương không chủ quan lơ là, không bị động bất ngờ.  Thành phố Móng Cái luôn sẵn sàng các điều kiện đảm bảo phục vụ tốt hoạt động khôi phục và thúc đẩy hoạt động xuất nhập cảnh qua cửa khẩu Quốc tế Móng Cái, đảm bảo "mục tiêu kép" trên địa bàn thành phố.

“Trên tinh thần không lơ là, chủ quan, luôn sẵn sàng trong công tác phòng, chống, kiểm soát dịch, tỉnh Quảng Ninh vẫn đang tiếp tục chủ động giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh trên thế giới, trong khu vực và trong nước; dự báo và chuẩn bị các phương án, kế hoạch cũng như điều kiện cơ sở vật chất, thuốc men, nhân lực, đáp ứng với dịch. Quyết tâm của tỉnh là không để bùng phát dịch bệnh, tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra bình thường, ổn định”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh bà Nguyễn Thị Hạnh cho biết.

Nhận định về công tác phòng, chống dịch tại các địa bàn trên, đoàn công tác của Bộ Y tế đều đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời lưu ý các địa phương tuyệt đối không được lơ là, chủ quan và mất kiểm soát vì sau Tết là mùa lễ hội, nhu cầu giao lưu, mua bán và du lịch tăng cao. Do đó có thể có những biến thể lạ xâm nhập chưa phát hiện được dễ lây lan, tấn công nhất là những người chưa tiêm vaccine COVID-19, người mắc bệnh nền...

Riêng với địa bàn tỉnh Quảng Ninh và thành phố Móng Cái, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị địa phương cần tiếp tục sẵn sàng ứng phó với dịch, nhất là trong bối cảnh các hoạt động thương mại, du lịch, giao lưu gia tăng trong thời gian tới.

“Ngoài việc phòng, chống dịch COVID-19, ngành Y tế tỉnh cũng cần tăng cường giám sát, theo dõi các dịch bệnh giao mùa khác, không để dịch chồng dịch. Tiếp tục thực hiện tốt việc kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhiễm; chủ động phát hiện sớm các biến thể mới lưu hành trong cộng đồng.

Nâng chất công tác khám, chữa bệnh tại tuyến cơ sở

Cả nước hiện có hơn 11.400 trạm y tế xã, phường, thị trấn, thôn, bản… Đây là mạng lưới y tế cơ sở trực tiếp gần người dân nhất và được kỳ vọng với vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng như sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật.

Nhờ có mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cơ bản được triển khai hiệu quả, sâu rộng như tiêm chủng mở rộng, phòng, chống suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em.

Đến nay, ngành Y tế đã triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại khoảng 80% số trạm y tế. Đáng chú ý, chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến huyện ngày càng tăng, nhiều đơn vị đã thực hiện được các kỹ thuật của tuyến trên, góp phần tăng khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân lên đến gần 50% số thẻ đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại bệnh viện, trung tâm y tế huyện…

Điển hình là tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có gần 50 trạm y tế triển khai mô hình “Trạm y tế điểm hoạt động theo nguyên lý y học gia đình”. Các trạm y tế đều chú trọng thực hiện tốt nguyên tắc: Liên tục-toàn diện-lồng ghép-phối hợp-dự phòng-gia đình-cộng đồng, giúp người dân dễ tiếp cận cơ sở y tế, mức chi phí thấp, bảo đảm chất lượng khám, chữa bệnh ban đầu và phòng, chống các loại dịch bệnh. Mô hình ngày càng được người dân thành phố tin tưởng lựa chọn.

Trạm Y tế phường 8 (Thành phố Hồ Chí Minh) là đơn vị triển khai “Trạm y tế điểm hoạt động theo nguyên lý y học gia đình” từ đầu năm 2022. Trạm có cơ sở hạ tầng khang trang, được đầu tư nhiều trang thiết bị như: Máy X-quang, siêu âm, đo điện tim, xét nghiệm cơ bản, hệ thống khám, chữa bệnh từ xa... Trạm có 4 bác sĩ và 5 nhân viên y tế đảm nhiệm các khoa chính: Khoa nội, y học cổ truyền, răng-hàm-mặt. Trong năm 2022, Trạm đã khám, chữa bệnh, điều trị an toàn cho hơn 6.000 lượt bệnh nhân.

Tại Trung tâm Y tế huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, trong năm 2022, đã tổ chức khám, cấp cứu và thu dung điều trị kịp thời, đảm bảo chất lượng và an toàn, hiệu quả cho gần 95 nghìn trường hợp người bệnh, tăng 6,8% so với cùng kỳ, trong đó hơn 90 nghìn lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; điều trị nội trú hơn 16 nghìn bệnh nhân.

Chất lượng công tác khám, chữa bệnh tại tuyến xã trong huyện ngày càng được nâng lên, không có các tai biến xảy ra trong điều trị; 25/25 trạm y tế, thị trấn thực hiện tốt phần mềm hồ sơ sức khoẻ điện tử; trên 98,5% hồ sơ sức khoẻ của người dân được quản lý. Ngành Y tế huyện tổ chức thực hiện tốt việc quản lý điều trị các bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế...

Đánh giá cao hoạt động khám, chữa bệnh tại tuyến cơ sở của tỉnh Hà Tĩnh, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, đối với công tác phòng bệnh, vai trò của y tế cơ sở rất quan trọng, vì vậy địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về phòng, chống dịch để người dân nhận thức được cách phòng bệnh từ đó thay đổi hành vi về ăn uống, bảo vệ sức khoẻ;

Cùng với đẩy mạnh giám sát nguy cơ bùng phát dịch ở cơ sở để báo cáo cấp có thẩm quyền triển khai các biện pháp dập dịch kịp thời..., địa phương cần duy trì tiêm chủng mở rộng đặc biệt là các vaccine trong tiêm chủng mở rộng; đẩy nhanh tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho rằng, cần đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động để cả nhân viên y tế và người dân đều được hưởng lợi.

"Trong công tác y tế cơ sở cần tăng cường khám chữa bệnh bảo hiểm cho người dân ngay tại trạm y tế; quan tâm đẩy mạnh công tác y tế học đường để tránh xảy ra ngộ độc thực phẩm...", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên lưu ý.

Theo TTXVN/Báo Tin tức

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số

Đó là một trong những nội dung thu hút nhiều thảo luận tại Hội nghị “Khoa học cố đô mở rộng về Chuyển đổi số trong y học” diễn ra chiều 28/3. Hoạt động được Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức.

Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số
Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm

Các biện pháp phòng, chống được triển khai đồng bộ, có hiệu quả nên đến thời điểm này, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) chưa xảy ra. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, tái bùng phát dịch bệnh GSGC.

Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm
COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm

Một nghiên cứu quy mô lớn vừa công bố sáng nay (12/3) cho biết đại dịch COVID-19 đã khiến tuổi thọ trung bình của người dân trên toàn thế giới giảm 1,6 năm trong 2 năm đầu tiên của đại dịch, một mức giảm nghiêm trọng hơn so với trước đây.

COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm
Một công đôi việc

Thời tiết đang chuyển mùa với nóng, lạnh, nồm ẩm đan xen nên nguy cơ mắc bệnh và lây lan dịch bệnh trên vật nuôi là rất cao. Theo thông tin mới nhất, dịch cúm gia cầm H5N1 đang xuất hiện tại một số tỉnh thành phía Bắc và phía Nam; cùng với một số dịch bệnh khác trên đàn vật nuôi vẫn đang tiềm ẩn.

Một công đôi việc

TIN MỚI

Return to top