Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trình bày báo cáo giải trình về chất lượng và hiệu quả của mạng lưới y tế cơ sở. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Mạng lưới y tế cơ sở được quan tâm, đầu tư
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết hiện nay mạng lưới y tế cơ sở được bao phủ toàn quốc, cơ bản đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Về dự phòng, nâng cao sức khỏ, công tác tiêm chủng được củng cố, triển khai bền vững tại 100% xã, phường; tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em luôn đạt trên 90%. Công tác bảo vệ và chăm sóc bà mẹ, trẻ em được triển khai rộng khắp.
Công tác phòng, chống bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là phòng, chống các yếu tố nguy cơ được triển khai theo các Chương trình mục tiêu y tế, gắn với chăm sóc sức khỏe ban đầu và điều trị bệnh có hiệu quả tích cực…
Về khám, chữa bệnh, một số đơn vị đã thực hiện được các kỹ thuật tuyến trên, góp phần tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân.
“Báo cáo chỉ số hài lòng của người bệnh dựa trên kết quả đánh giá độc lập từ tháng 9/2016 đến tháng 12/2017 cho thấy mức độ hài lòng của người bệnh nội trú đối với chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh đạt mức 79,6%. Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2016 công bố tháng 4/2017 cho thấy, các bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện tuyến huyện đã có thay đổi lớn về chất lượng, người dân đã hài lòng hơn với các dịch vụ y tế,” Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nêu.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu chỉ rõ giai đoạn 2011-2015, mạng lưới y tế cơ sở đã được quan tâm đầu tư, từng bước được củng cố, tăng cường.
Thông qua việc đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, hầu hết bệnh viện đa khoa huyện, bệnh viện đa khoa khu vực liên huyện, các phòng khám đa khoa khu vực đã được nâng cấp, cải tạo hoặc xây mới hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần tăng số giường bệnh/10.000 dân từ 17,9 (năm 2005) lên 25,7 giường bệnh/10.000 dân (năm 2017), vượt chỉ tiêu Quốc hội giao.
Khả năng cung ứng dịch vụ còn hạn chế
Tại phiên giải trình, các đại biểu cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Người dân chưa tin tưởng vào chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tại một số bệnh viện huyện, trạm y tế xã. Mạng lưới y tế cơ sở chưa làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu nên nhiều người chưa quan tâm nhiều đến y tế dự phòng. Khả năng cung ứng dịch vụ của tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là trạm y tế cấp xã còn hạn chế…
Một số ý kiến chỉ rõ tỷ trọng ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế chi cho y tế cơ sở còn thấp so với chức năng, nhiệm vụ được giao.
Nguồn nhân lực tại y tế cơ sở còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, có xu hướng bác sỹ không muốn làm việc tại y tế cơ sở mà muốn làm việc ở tuyến trên hoặc khu vực tư nhân.
Theo Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh, chính sách khám chữa bệnh thông tuyến làm giảm số lượng người bệnh đến khám chữa bệnh tại trạm y tế xã. Với quy định thông tuyến và điều kiện giao thông thuận tiện như hiện nay, người bệnh bảo hiểm y tế thường lựa chọn khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến huyện thay vì đến các trạm y tế xã.
Lợi dụng chính sách thông tuyến, nhiều cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện tiếp nhận người bệnh không có đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở này và cấp giấy chuyển lên tuyến trên để điều trị những bệnh thông thường do không phải quản lý quỹ.
Đáng chú ý, tình trạng chỉ định quá mức dịch vụ khám chữa bệnh diễn ra phổ biến tại các bệnh viện tuyến huyện, đặc biệt là việc kê thêm giường, kéo dài ngày điều trị nội trú, chỉ định sử dụng thuốc, vật tư y tế chưa hợp lý…
Tiến sỹ Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội khóa 12, 13, phân tích Bộ Y tế chưa xác định đúng vai trò y tế xã trong hệ thống khi tham mưu cho các cấp dồn hết nguồn lực trái phiếu cho xây dựng các bệnh viện tuyến trước, đến khi cạn nguồn mới đưa ra kế hoạch đầu tư y tế xã. Bên cạnh đó, thiếu cơ chế thúc đẩy để y tế xã làm việc có hiệu quả. Việc khoán khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho tuyến xã tối đa 20% cũng là nguyên nhân khiến người dân ít muốn đến trạm y tế khám chữa bệnh…
Thu hút nguồn nhân lực y tế tại tuyến cơ sở
Qua thảo luận tại phiên giải trình, đại biểu, lãnh đạo các bộ, ngành thống nhất y tế cơ sở cần phải được củng cố và đầu tư một cách thỏa đáng để có thể đảm nhiệm được vai trò là “Người gác cổng” trong hệ thống y tế, thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Ngoài ra, cần tăng cường xã hội hóa, huy động sự tham gia của y tế ngoài công lập trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu đồng thời hoàn thiện hành lang pháp lý về vấn đề này để có sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương.
Các đại biểu kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân quan tâm hơn trong việc quyết định phân bổ ngân sách nhà nước hàng năm, phân bổ vốn trung hạn cho lĩnh vực y tế, đặc biệt là y tế cơ sở và vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố phải bố trí ngân sách địa phương cho việc thực hiện Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới theo Quyết định 2348/QĐ-TTg ngày 5/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ, ưu tiên bố trí vốn ngân sách Trung ương thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để đầu tư các trạm y tế xã chưa đạt chuẩn quốc gia.
Bộ Y tế cần đào tạo nguồn nhân lực cho y tế cơ sở theo vị trí việc làm, triển khai các chính sách thu hút và duy trì nguồn nhân lực y tế tại tuyến cơ sở; tăng cường công tác luân phiên cán bộ y tế theo hai chiều từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới.
Ngoài ra, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về việc thực hiện tự chủ bệnh viện tuyến huyện và việc sử dụng quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ở bệnh viện tuyến huyện.
Theo TTXVN