Khảo sát gần đây cho thấy, trong tổng số người nhiễm HIV/AIDS, có trên 50% thuộc nhóm đối tượng nghèo, gần 20% nhóm cận nghèo. Giải pháp của ngành Y tế từ chỗ chỉ trông chờ vào nguồn hỗ trợ của tổ chức quốc tế sẽ chuyển sang lồng ghép vào hệ thống y tế và sử dụng ngân sách trong nước.
Toàn tỉnh hiện có 294 trường hợp nhiễm HIV, trong đó, có 286 bệnh nhân tham gia điều trị ARV. Chi phí thấp nhất cho việc điều trị HIV hiện nay là khoảng hơn 4 triệu đồng/năm/người đối với bệnh nhân điều trị theo phác đồ 1. Những bệnh nhân kháng thuốc, phải điều trị phác đồ 2, chi phí điều trị tăng lên gấp 7 - 8 lần. Nếu không có thẻ BHYT, người nhiễm HIV sẽ phải bỏ ra một số tiền khoảng 13.triệu đồng/năm cho tiền thuốc ARV. Như vậy, tham gia BHYT là phương án giúp duy trì điều trị liên tục đối với người có HIV và là phương án khám, chữa bệnh hiệu quả. Hơn nữa, người nhiễm HIV phải bỏ chi phí ra mua BHYT sẽ khiến họ có trách nhiệm hơn trong việc tuân thủ đúng phác đồ điều trị. Như vậy, tránh được tình trạng bỏ điều trị và giảm được nguy cơ nhờn thuốc; cũng như tránh cho người bệnh không phải chuyển sang phác đồ điều trị cao hơn và tốn kém hơn nhiều.
Trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có khoảng 65% người nhiễm HIV trong diện được quản lý, tự nguyện mua BHYT. Số còn lại, do hoàn cảnh khó khăn, người ngoại tỉnh, cư trú không rõ ràng hoặc không có giấy tờ cần thiết nên không thể tham gia BHYT. Do quy định mua thẻ BHYT theo hộ gia đình, song trong gia đình có nhiều thế hệ nhưng chưa có sự đồng thuận của các thành viên khác nên người nhiễm HIV không mua được thẻ BHYT. Nhiều người có HIV khi ra khỏi các trung tâm Giáo dục chữa bệnh họ không dám về quê vì sợ bị kỳ thị, hoặc đi làm việc ở nơi khác nhưng lại không đăng ký tạm trú hoặc thường trú. Nhiều trường hợp thường xuyên thay đổi chỗ ở, sống lang bạt nhiều nơi, không có giấy tờ tùy thân.
Bệnh nhân nhiễm HIV tránh sự kỳ thị, sợ bộc lộ danh tính. Ngay cả những trường hợp khi xét nghiệm, phát hiện nhiễm HIV cũng không muốn tìm đến các cơ sở y tế để hỗ trợ tâm lý, quản lý, tham gia các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS... Chị L.T.A, thành viên một nhóm hoạt động cộng đồng chia sẻ: Một số người không mua được thẻ BHYT do không có chứng minh Nhân dân. Rất nhiều người có HIV chưa vượt qua được chính nỗi sợ người khác biết mình có HIV nên sợ bị tiết lộ bệnh tật, không muốn đến khám các cơ y tế bằng thẻ BHYT”.
Ngoài việc truyền thông về lợi ích của BHYT với người nhiễm HIV để họ và gia đình tham gia BHYT thì các giải pháp khác như: tìm các nguồn kinh phí để hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn; tất cả người nhiễm HIV đều được cấp thẻ BHYT miễn phí (dù họ không có nơi cư trú); cần có hướng dẫn cụ thể để cơ quan BHXH có cơ sở thanh toán BHYT cho người nhiễm HIV; những người bị nhiễm HIV/AIDS cần tự giác công khai danh tính đến địa phương đăng ký BHYT để được hưởng các chính sách hỗ trợ hiện có; bệnh nhân ngoại tỉnh cần hoàn thiện các thủ tục đăng ký hộ khẩu tạm trú và tiếp cận với cán bộ chuyên trách xã, phường để được hướng dẫn các thủ tục liên quan đến việc mua, cấp BHYT...
“Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã đề xuất các cơ quan chức năng sớm ban hành hướng dẫn thanh toán BHYT trong điều trị HIV/AIDS; kiện toàn cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực tại các cơ sở Y tế để tham gia khám, điều trị cho bệnh nhân HIV thuận lợi. Các địa phương rà soát số lượng người nhiễm HIV/AIDS trong hoàn cảnh khó khăn để có chính sách hỗ trợ mua BHYT”, bà Trần Thị Ngọc, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết. |
Huế Thu