ClockChủ Nhật, 12/03/2017 14:25

Nguy cơ dịch bệnh tại những vùng “loãng” tiêm chủng

Mặc dù công tác tiêm chủng mở rộng được các địa phương tích cực triển khai nhưng kết quả cho thấy, vừa qua vẫn còn những vùng dịch bùng phát, thậm chí có sự quay trở lại của một số bệnh dịch tưởng như đã khống chế được như ho gà, bạch hầu tại những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Sự trở lại của bạch hầu, ho gà

Tại hội nghị tăng cường phòng chống dịch khu vực phía Nam mới diễn ra tại TPHCM, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho biết, năm 2016, sự tập trung lớn nhất của công tác phòng chống dịch là bệnh do virus Zika với 232 ca mắc từ đầu năm 2016 đến nay, trong đó có một trường hợp bé 4 tháng tuổi đầu nhỏ liên quan đến Zika ở Đắk Lắk. Tuy nhiên, đây không phải là căn bệnh nguy hiểm, không quá quan ngại vì tỷ lệ tử vong rất thấp, chủ yếu chỉ quan tâm đến chứng đầu nhỏ ở phụ nữ mang thai.

Cùng với đó là sự lưu hành của sốt xuất huyết và tay chân miệng, tuy nhiên đây là những bệnh dịch diễn ra hằng năm nên công tác phòng ngừa vẫn được chú ý.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, Cục trưởng Trần Đắc Phu lưu ý về diễn biến của bệnh cúm rất phức tạp, cúm H7N9 vẫn lưu hành, mặc dù trong 2 năm 2015 – 2016 không ghi nhận ca bệnh nào mắc cúm H5N1 nhưng cúm này vẫn xuất hiện trên đàn gia cầm (tại Cà Mau)…

Viêm não do virus xuất hiện tại hầu hết các tỉnh thành, tập trung nhiều khu vực phía Bắc. Viêm màng

não do não mô cầu năm 2016 cũng rất đáng lưu tâm khi vẫn có trường hợp tử vong tại TPHCM. Nguyên nhân chủ yếu do chưa phổ cập rộng việc tiêm vaccine viêm màng não mô cầu, do đây không phải là vaccine nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Đặc biệt, năm 2016 ghi nhận sự quay trở lại của một số bệnh như bại liệt, ho gà, bạch hầu trên thế giới và tại Việt Nam. Tháng 8.2016, xuất hiện ổ dịch ho gà tại xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) ghi nhận 49 trường hợp, chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi có các triệu chứng lâm sàng điển hình với bệnh ho gà.

Từ cuối tháng 6 đến ngày 17.7.2016, số ca nghi nhiễm bệnh bạch hầu trên địa bàn huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) tăng lên 59 ca, thuộc 3 xã Thuận Phú, Thuận Lợi và xã Đồng Tiến, trong đó có 3 người tử vong. Nguyên nhân tử vong chủ yếu do chẩn đoán sai. Độ tuổi mắc bệnh ghi nhận tại địa phương này từ 6-26 tuổi. Trong năm 2015 cũng xuất hiện ổ dịch bạch hầu quy mô nhỏ ở xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam.

Nhiều khu vực không quản lý được tỷ lệ tiêm chủng

Cục trưởng Trần Đắc Phu nhấn mạnh, dịch bệnh xảy ra ở những khu vực không quản lý được, tỷ lệ tiêm chủng thấp như Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Dương, TPHCM…

Tại ổ dịch bạch hầu ở Bình Phước vừa qua, do cộng đồng có tỷ lệ tiêm thấp nên khả năng miễn dịch kém, người dân chủ yếu là dân tộc S’tiêng nên việc vận động tiêm chủng, cách ly khi có người mắc bệnh gặp rất nhiều khó khăn. Thêm vào đó, tại huyện Đồng Phú, qua các năm 2008, 2010, 2013, tích lũy dần các trường hợp chưa được tiêm chủng (tỷ lệ tiêm chủng thấp) tăng, nên tạo cơ hội cho tác nhân gây bệnh lớn hơn các địa phương khác. Nếu trong cộng đồng có tỷ lệ người đã có miễn dịch cao (gọi là miễn dịch cộng đồng) thì dịch bệnh không xảy ra và những người chưa miễn dịch cũng có thể được bảo vệ.

Ngược lại, nếu miễn dịch cộng đồng không đủ để ngăn ngừa dịch, khi dịch xảy ra những người này sẽ dễ mắc bệnh. Bên cạnh đó, người mắc bệnh ở độ tuổi càng lớn thì tỷ lệ tử vong càng cao.

Có một điều đáng ngạc nhiên là tại thành phố lớn như TPHCM, tỷ lệ tiêm chủng vẫn ở mức thấp, đặc biệt không thống kê được số lượng tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ. Sở Y tế TPHCM cho biết, đến năm 2016, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 8 loại vaccine đạt 95%.

Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm ngừa uốn ván VAT 2+ ở thai phụ và nữ ở độ tuổi sinh đẻ đều đạt tỷ lệ thấp. Tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ dưới 18 tháng đạt rất thấp: Tỷ lệ trẻ tiêm mũi 4 vắc xin DPT phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván chỉ đạt 55%, tỷ lệ trẻ tiêm vaccine sởi mũi 2 cũng chỉ đạt 76.

Các chuyên gia trong lĩnh vực y tế dự phòng cho rằng, mặc dù tỷ lệ tiêm chủng trên toàn quốc đạt mức cao, tuy nhiên cá biệt một số địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện địa lý, kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt tỷ lệ tiêm chủng thấp do bỏ sót đối tượng tiêm chủng. Vì vậy miễn dịch cộng đồng không đủ để bảo vệ khi tiếp xúc với tác nhân gây bệnh, tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh và có thể gây dịch.

Công tác tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam đã được triển khai hơn 30 năm. Định kỳ 5 năm, các tổ chức quốc tế như: Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đều tiến hành đánh giá tỷ lệ tiêm chủng của Việt Nam. Đợt đánh giá tháng 6.2015 cho thấy, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các vaccine cho trẻ dưới một tuổi đạt 94,1%; tỷ lệ tiêm mũi hai vaccine sởi cho trẻ 18 tháng đạt hơn 94%; tỷ lệ tiêm nhắc vaccine DPT mũi bốn đạt thấp hơn, 84,7%; tỷ lệ tiêm viêm gan B liều sơ sinh đạt 56,3%, một số tỉnh, thành phố vẫn ở mức thấp, dưới 50%. Đáng chú ý, hằng năm vẫn còn khoảng 5 đến 10% số huyện có tỷ lệ tiêm chủng dưới 90%, tập trung tại các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, do phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số.

Để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, ngăn chặn nguy cơ dịch bùng phát trở lại, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh tổ chức rà soát đối tượng thuộc diện tiêm chủng, nắm rõ tiền sử tiêm chủng để thông báo cho đối tượng tham gia tiêm chủng đúng lịch, đủ liều. Mặt khác, thực hiện tiêm bổ sung ngay trong tháng đối với các trường hợp hoãn tiêm chủng, bảo đảm đạt tỷ lệ hơn 90% ở quy mô xã, phường đối với các loại vaccine cơ bản trong tiêm chủng mở rộng. Thực hiện giám sát chủ động, xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, không để bùng phát dịch, chú trọng các bệnh có vaccine trong tiêm chủng mở rộng có nguy cơ bùng phát trở lại như: Bạch hầu, ho gà, sởi, viêm não Nhật Bản.

Đồng thời, tăng cường truyền thông vận động người dân đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh đúng lịch, đủ liều. Bộ Y tế cũng lưu ý các tỉnh, thành phố hằng năm lập kế hoạch cụ thể về tiêm chủng, bảo đảm đủ kinh phí, nhất là kinh phí hỗ trợ cho cán bộ tiêm chủng, cũng như để sửa chữa, bảo dưỡng dây chuyền lạnh, bảo quản, vận chuyển vaccine và truyền thông trong tiêm chủng. Theo chiến lược vaccine và tiêm chủng của WHO, các quốc gia cần đạt mục tiêu: Duy trì tỷ lệ tiêm chủng các loại vaccine đạt hơn 95% ở mức độ tuyến quốc gia và trên hoặc bằng 90% tại tất cả các huyện.  

Theo Lao động

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nguy cơ mất an toàn tại các "điểm đen" giao thông

Gần đây, hệ thống giao thông ở Phong Điền không ngừng được đầu tư, nâng cấp, kết nối thông suốt. Tuy nhiên, hiện tại các ngã ba, ngã tư ở các quốc lộ (QL), tỉnh lộ (TL)… qua địa bàn Phong Điền có nguy cơ thành “điểm đen”, mất an toàn giao thông (ATGT).

Nguy cơ mất an toàn tại các điểm đen giao thông
27 điểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở khu vực Trung Bộ

Do ảnh hưởng của mưa kéo dài, mô hình độ ẩm đất tại một số khu vực ở Trung Bộ đã gần bão hòa hoặc đạt trạng thái bão hòa. Trong khi đó, dự báo trong 3-6 giờ tới, khu vực trên tiếp tục có mưa. Cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại nhiều địa phương.

27 điểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở khu vực Trung Bộ
Bão chồng bão, nguy cơ hình thành bão số 8 trên Biển Đông

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, sau bão Yingxing, Biển Đông tiếp tục có những diễn biến thời tiết phức tạp khi xuất hiện một cơn bão mới có tên quốc tế là TORAJI, đang hoạt động trên vùng biển phía Đông đảo Luzon (Philippines).

Bão chồng bão, nguy cơ hình thành bão số 8 trên Biển Đông
Return to top