ClockThứ Năm, 17/01/2019 10:33

Nguy cơ dịch sởi bùng phát theo chu kỳ

Dịch bệnh sởi thường có chu kỳ 4 - 5 năm một lần, năm 2019 lại đang nằm trong chu kỳ dịch nên rất dễ bùng phát nếu không thực hiện các biện pháp đáp ứng kịp thời.

Thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Hiện nay là thời điểm mùa đông xuân, tại nhiều địa phương có sự gia tăng giao lưu, du lịch, tuy nhiên tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh lại chưa cao tại một số khu vực có mật độ dân cư đông đúc. Bên cạnh đó tại nhiều nơi còn xảy ra tình trạng biến động dân cư; các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc sinh sống khó tiếp cận dịch vụ y tế.

Trong khi, dịch bệnh sởi thường có chu kỳ 4 - 5 năm một lần, năm 2019 lại nằm trong chu kỳ dịch nên rất dễ bùng phát nếu không thực hiện các biện pháp đáp ứng kịp thời.

Bệnh nhi mắc bệnh sởi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN

Để phòng chống bệnh sởi, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động thực hiện tiêm chủng vắc xin vì đây là biện pháp phòng bệnh đặc hiệu và tốt nhất phòng bệnh sởi. Người dân cần đưa trẻ từ 9-12 tháng đến cơ sở y tế để được tiêm vắc xin phòng sởi mũi 1, tiêm nhắc lại mũi 2 khi trẻ đủ 18 tháng tuổi; đưa trẻ đi tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh sởi tại các vùng nguy cơ theo các đợt tổ chức tiêm của ngành y tế và chính quyền địa phương. Trẻ trên 5 tuổi và người lớn chưa được tiêm vắc xin sởi cần được tiêm vắc xin tại các điểm tiêm chủng dịch vụ.

Bên cạnh đó, người dân cũng thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày; không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân, đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng. Làm sạch đồ chơi, đồ vật bị nghi ngờ ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch.

Việc lau sàn nhà, nắm đấm cửa, mặt bàn, ghế, khu vệ sinh chung hoặc bề mặt của đồ vật nghi ngờ bị ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường cần được thực hiện từ 1 - 2 lần/ngày.

Các gia đình nên thường xuyên mở cửa sổ, cửa chính để ánh nắng chiếu vào và đảm bảo thông khí thoáng cho nhà ở, phòng học, nơi làm việc, phòng điều trị hàng ngày; cho trẻ nghỉ học khi mắc bệnh.

Người dân cũng nên hạn chế tập trung đông người, hội họp, đặc biệt tại những phòng chật hẹp, ít thông khí ở khu vực ổ dịch; hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc người nghi mắc bệnh, khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân.

Khi có các dấu hiệu của bệnh sởi (sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban) cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây nên. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra vào mùa đông xuân, với tốc độ lây nhiễm rất cao từ người sang người, chủ yếu qua đường hô hấp. Chỉ có thể ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh khi cộng đồng dân cư được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh đầy đủ. Người chưa bị mắc bệnh hoặc chưa được gây miễn dịch đầy đủ bằng vắc xin phòng bệnh sởi đều có thể mắc bệnh. Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, viêm phế quản, viêm não … có thể dẫn đến tử vong. Đối với phụ nữ bị mắc sởi khi mang thai có thể gây ra sảy thai, đẻ non.

Tại Việt Nam, bệnh sởi có xu hướng gia tăng rải rác, cục bộ từ những tháng cuối năm 2018 đến nay, chủ yếu tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, các thành phố lớn như thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp lớn như Đồng Nai, Bình Dương … Đối tượng mắc bệnh chủ yếu là trẻ em chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi, nhưng đã ghi nhận nhiều người lớn mắc bệnh, trong đó có phụ nữ mang thai.

Để phòng chống bệnh sởi, giảm số trẻ không được tiêm vắc xin qua nhiều năm, từ cuối năm 2018 đến nay Bộ Y tế đã tổ chức 2 chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella tại 88 huyện của 19 tỉnh có nguy cơ cao và tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella cho trẻ 1-5 tuổi cho khoảng 4,2 triệu trẻ tại 418 huyện của 57 tỉnh, thành phố; đồng thời, đẩy mạnh tiêm vắc xin sởi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng định kỳ hằng tháng.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nguy cơ tai nạn giao thông từ xe kéo đẩy, xe tự chế

Xe không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, xe ba, bốn bánh tự chế, xe mô tô, gắn máy kéo theo xe khác, vật khác luôn là nỗi ám ảnh của người đi đường khi tiềm ẩn nhiều nguy hiểm trong quá trình tham gia giao thông.

Nguy cơ tai nạn giao thông từ xe kéo đẩy, xe tự chế
“Nhận diện” sớm nguy cơ để ngăn ngừa thiệt hại do mưa lũ

“Nhận diện” sớm các khu vực có nguy cơ lũ quét, trượt lở đất đá… là vấn đề mà người dân rất quan tâm khi mùa mưa bão đến, nhằm chủ động hơn trong công tác phòng ngừa, ứng phó với rủi ro thiên tai; tránh, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại xảy ra do mưa lũ.

“Nhận diện” sớm nguy cơ để ngăn ngừa thiệt hại do mưa lũ
Nguy cơ “đất chảy” ở đường 71

Kiểm tra an toàn các công trình thủy điện bậc thang ở thượng nguồn sông Rào Trăng, Sở Công thương cảnh báo, đường 71 đã xuống cấp nghiêm trọng, sạt lở tạo nên nhiều “hàm ếch” trên tuyến. Để kịp thời phục vụ công tác ứng phó thiên tai năm 2024, Sở Công thương yêu cầu các thủy điện sửa chữa tạm thời các điểm hư hỏng nặng và cắm biển cảnh báo các vị trí sạt lở.

Nguy cơ “đất chảy” ở đường 71
Nguy cơ nhiễm hóa chất liên quan đến ung thư vú từ bao bì thực phẩm

Một nghiên cứu mới của Diễn đàn bao bì thực phẩm (FPF) đã phát hiện ra gần 200 hóa chất liên quan đến ung thư vú được sử dụng trong quá trình sản xuất bao bì thực phẩm và đồ dùng bằng nhựa, và đáng lo ngại hơn, hàng chục chất gây ung thư trong số đó có thể thâm nhập vào cơ thể con người.

Nguy cơ nhiễm hóa chất liên quan đến ung thư vú từ bao bì thực phẩm
Return to top