ClockThứ Hai, 21/01/2019 15:52

"Nhấp chuột" là biết sức khỏe

TTH - Đó là phương châm hiện nay ngành y tế Thừa Thiên Huế hướng đến. “Chìa khóa" để thực hiện mục tiêu này chính là lập hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử (HSSKCNĐT) cho người dân.

Ngành y tế giảm chi từ ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồngSở Y tế và huyện Quảng Điền dẫn đầu bảng xếp hạng DDCI năm 2018

Quản lý toàn diện sức khỏe công dân

Theo Đề án phát triển y tế thông minh của Bộ Y tế đến năm 2025, một trong yếu tố quan trọng là hoàn thiện việc thiết lập HSSKCNĐT cho mỗi công dân với một mã ID. Mục đích của việc thiết lập hệ thống quản lý hồ sơ này là tổ chức thực hiện quản lý sức khỏe toàn diện, liên tục cho người dân trong cả nước, bảo đảm mỗi người dân có hồ sơ sức khỏe với đầy đủ thông tin cần thiết và các chỉ số theo dõi sức khỏe.

Các chuyên gia Ban điều hành quản lý HSSKCNĐT-Sở Y tế kiểm tra việc thiết lập HSSKCNĐT tại thị xã Hương Thủy

HSSKCNĐT được xem như một chiếc tủ lưu trữ những thông tin, dữ liệu liên quan đến sức khỏe và những chỉ số sinh tồn xuyên suốt thời gian sống của mỗi công dân. Hồ sơ này gồm 2 nhóm thông tin chính. Đó là nhóm thông tin định danh, như tên tuổi, giới tính, địa chỉ, mã định danh, nhóm máu... và nhóm thông tin tiền sử và các yếu tố liên quan đến sức khỏe, như các dị tật bẩm sinh, các yếu tố nguy cơ, hoạt động thể lực, yếu tố bệnh nghề nghiệp, tiền sử bệnh liên quan với những người thân trong gia đình và những thông tin về sức khỏe sinh sản (số lần đẻ, các biện pháp tránh thai...). Với một hồ sơ đầy đủ thông tin như thế sẽ phục vụ tốt cho công tác phòng, khám chữa bệnh.

TS.BS Nguyễn Nam Hùng, Giám đốc Sở Y tế chia sẻ, Thừa Thiên Huế là địa bàn tương đối đông dân, có lượng di dân phức tạp, không ổn định nên việc quản lý dịch bệnh cũng như phòng bệnh chủ động rất khó. Khi mỗi người dân có một HSSKCNĐT thì việc quản lý, phòng ngừa bệnh tật trở nên đơn giản và chủ động rất nhiều. Với ý nghĩa quan trọng đó, từ đầu năm 2018, Sở Y tế phối hợp các đơn vị chức năng khởi tạo 1.029.841 HSSKCNĐT (đạt 97,36% số dân toàn tỉnh). Hiện, Sở Y tế tiếp tục tập huấn cho các cán bộ cơ sở y tế về lưu trữ cơ sở dữ liệu, kết nối thiết lập dữ liệu giữa các đơn vị... dự kiến giữa năm 2019 sẽ hoàn tất 100% HSSKCNĐT cho người dân trên địa bàn.

Kích chuột là... biết hết

Thị xã Hương Thủy là một trong những địa phương mạnh dạn triển khai quản lý HSSKCNĐT. Hiện ở địa bàn này đã khởi tạo hơn 110.000 HSSKCNĐT, chiếm gần 100% dân số địa bàn. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Vỹ, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Hương Thủy, khi có chỉ đạo cấp trên về việc lập hồ sơ sức khỏe, cấp ủy, lãnh đạo chính quyền địa phương, cũng như các đoàn thể, trạm y tế, xóm, thôn... đã lập kế hoạch thực hiện. Thời gian đầu ở địa phương này cũng gặp nhiều khó khăn khách quan, chủ quan về nhân lực, thiết bị máy móc, dân cư biến động... nhưng dần dần người dân hiểu được ý nghĩa, tác dụng quan trọng của việc kê khai nên đều thuận lợi, kể cả những người làm ăn xa, khi trở về quê cũng tập đến xã để lập hồ sơ sức khỏe.

Bác sĩ Nguyễn Văn Vỹ nhận định, HSSKCNĐT giúp mỗi người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của bản thân. Một trong những yếu tố rất được người dân quan tâm là có trong tay mã ID của HSSKCNĐT để phục vụ cho việc chăm sóc sức khỏe của mình cũng như giúp cán bộ y tế có thể tra cứu được ngay những thông tin cần thiết phục vụ KCB kịp thời. Ví dụ, một người bị tai biến nhập viện trong tình trạng hôn mê cần được phẫu thuật gấp. Để chuẩn bị cho phẫu thuật, các nhân viên y tế cần thẩm định làm các xét nghiệm liên quan... Nếu có mã ID của bệnh nhân, nhân viên y tế mở HSSKCNĐT sẽ biết ngay các thông tin, để có thể bỏ qua các bước không cần thiết giúp ca phẫu thuật tiến hành nhanh hơn, chiếm "thời gian vàng" để cứu sống bệnh nhân. Hoặc, có trường hợp trẻ bị sự cố khi tiêm vắcxin, lật hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử sẽ “truy” lại được các thông tin liên quan.

Theo các chuyên gia Ban điều hành quản lý HSSKCNĐT thuộc Sở Y tế, HSSKCNĐT còn là giải pháp quan trọng hỗ trợ việc quản lý, hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch cũng như triển khai các hoạt động can thiệp về y tế. Đơn cử công tác quản lý tiêm phòng và phòng, chống dịch bệnh. Thông qua HSSKCNĐT, cán bộ y tế dự phòng sẽ biết được khu vực nào đang có những dịch bệnh hoặc chứng bệnh nào đó phát sinh khi qua HSSKCNĐT thể hiện rõ số người đi khám loại bệnh đó nhiều; hoặc khu vực nào thể hiện trên dữ liệu dùng chung cho thấy có đông trẻ em chưa hoặc tiêm phòng không đầy đủ, nhân viên dịch tễ sẽ đánh giá được khả năng, nguy cơ xảy ra dịch bệnh để kiến nghị ban ngành chức năng ứng phó kịp thời...

Bài, ảnh: Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai mạc tuần lễ du lịch chăm sóc sức khỏe năm 2024

Tối 22/11, Sở Du lịch tổ chức chương trình khai mạc “Tuần lễ du lịch Chăm sóc sức khỏe (CSSK) - Wellness Tourism Weekend” năm 2024. Đây là sự kiện trong khuôn khổ Lễ hội mùa Đông - “Mùa Đông xứ Huế” (diễn ra từ tháng 10 - 12) của Festival Huế 2024.

Khai mạc tuần lễ du lịch chăm sóc sức khỏe năm 2024
Hướng đến doanh nghiệp không khói thuốc

Không chỉ là một khẩu hiệu, phong trào "Doanh nghiệp nói không với thuốc lá" đang trở thành cam kết của nhiều doanh nghiệp (DN), góp phần cùng cộng đồng bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng sống.

Hướng đến doanh nghiệp không khói thuốc
Ngày 19/11, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất do mưa lũ trên khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, khu vực các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định trong 6 giờ qua (từ 23 giờ ngày 18/11 đến 5 giờ ngày 19/11) đã có mưa vừa, mưa to như: Bạch Mã 131,4mm, A Lưới 116,8mm (Thừa Thiên Huế); Trà Leng 110,2mm, Trà Dơn 76mm (Quảng Nam); Trà Thanh 66,4mm (Quảng Ngãi); Bồng Sơn 53,1mm (Bình Định)...

Ngày 19 11, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất do mưa lũ trên khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top